Chiếc lá thu phai của Trịnh Công Sơn qua cảm nhận của nhà thơ Anh Ngọc

CHIẾC LÁ THU PHAI

Trịnh Công Sơn

Về đây đứng ngồi
Đường xa quá ngại
Để lòng theo chút nắng bên ngoài
Mùa xuân quá vội
Mười năm tắm gội
Giật mình ôi chiếc lá thu phai
– Người đâu mất người
Đời tôi ngốc dại
Tự làm khô héo tôi đây
Chiều hôm thức dậy
Ngồi ôm tóc dài
Chập chờn lau trắng trong tay
( – Nằm nghe giữa trời
Giòn vang tiếng cười
Điệu kèn ai buốt trong tôi
Mùi hương phấn người
Một hôm nhớ lại
Hẹn ngày sau sẽ mua vui )
Về thu xếp lại
Ngày trong nếp ngày
Vội vàng thêm những lúc yêu người
Cuồng phong cánh mỏi
Về bên núi đợi
Ngậm ngùi ôi đá cũng thương thay.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và người tình âm nhạc ca sĩ Khánh Ly

Đây là một trong những nhạc phẩm mang dấu ấn đặc thù của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, không thể lẫn và cũng dường như không thể bắt chước được. Và như thế, để nói được khả dĩ đầy đủ về nó, phải rất, rất dài lời, và điều đó là không dễ dàng gì. Với tôi, tôi đã thử làm cái việc là lùi xa ra một chút, nhắm mắt lại, và cố gắng nắm bắt cho được cái thần của tác phẩm, nhận chân cho ra nhẽ cái ma lực nào ẩn sau những từ ngữ không cầu kỳ, những chi tiết sống giản dị và quá chừng quen thuộc, và tạm thời tôi phải bằng lòng với một vài cảm nhận nho nhỏ sau đây :
Cũng như trong nhiều nhạc phẩm khác của anh Sơn – ở đây tôi chỉ nói đến ca từ -, trong bài này, ngôn ngữ chỉ là cái bề mặt gồm những chất liệu thường nhật của cuộc sống, ngoại trừ một vài hình ảnh đã thành ước lệ kinh điển trong Nhạc Trịnh, hầu hết đều mang dáng vẻ tự nhiên đến mức như khẩu ngữ, như lời ăn tiếng nói dân dã, nhưng chính cái cách chúng được đặt ở đâu, đặt bên cạnh nhau ra sao và cả những khoảng trống do chúng tạo ra cũng gây nên những đột biến đầy ấn tượng, gieo vào trực cảm của người nghe những ám ảnh không nguôi. Từ lối vào đầu đột ngột đến như không thể đột ngột hơn, nhưng lại hồn nhiên đến như không thể hồn nhiên hơn, và tiếp đến cả bài cũng dùng một lối viết là ném ra từng câu, hay đúng hơn là từng chi tiết mang ý nghĩ hoặc cảm xúc bất chợt, nếu kỹ tính bắt bẻ thì ngỡ như là chắp nối, lộn xộn, như chẳng đâu vào với đâu …

Nhưng, với những ai có chút trải nghiệm và cảm thông, tất cả những tiếng, những lời rời rạc và gãy vụn đó bỗng hoá những mũi đinh xoáy vào hồn người, riết róng và tê tái, ngỡ như đây không còn là một công trình nghệ thuật với những nốt nhạc cao thấp, những nhịp điệu, tiết tấu nhanh chậm và những từ ngữ văn chương trau chuốt, tất cả chỉ còn lại những tiếng lòng của một con người đang thổn thức vì một nỗi gì thê thiết không cùng.

                                          Chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn năm 1964

Dưới lớp băng chìm ẩn sau những từ ngữ thảng thốt như những lời lẩm bẩm đầy chất mộng du ấy, là những đợt sóng không ngừng nghỉ của một tâm trạng bất an, một tâm thần bất định, những khắc khoải triền miên, những âu lo thường trực, những âm thanh như đang trăn trở và réo gọi, như đang vỡ ra bởi sự hối thúc của những ẩn ức và dằn vặt to lớn. Trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn đã có vô vàn lời than thở, nhưng có thể một lời thở than thành thực nhất và trần trụi nhất vẫn là ở đây, khi những dồn nén bỗng được thốt lên bất ngờ không cưỡng nổi : Đời tôi ngốc dại, tự làm khô héo tôi đây. Thành thực và trần trụi đến mủi lòng, đến rơi lệ. Không còn là một bài ca như cách ta vẫn hiểu, nhạc anh Sơn đã thành một dòng máu cảm thông chảy thẳng từ trái tim đến với trái tim. Những con người vốn có cùng thân phận, nghe nhạc anh như nghe tiếng tự sự của chính trái tim mình. Anh đã nói hộ con người những điều giản dị nhất, nhưng cũng da diết nhất, những điều tưởng như dễ bày tỏ mà hoá ra vô hạn khó khăn bởi sự e ngại, sự giả dối, sự thiếu can đảm và dĩ nhiên cả sự bất tài vốn đã xiềng xích chúng ta quá lâu trong một thói sống mòn mỏi và đạo đức giả nặng nề. Chỉ có người nhạc sĩ với thiên lương trong suốt như trẻ thơ mới có thể thay chúng ta nói hộ những điều thẳm sâu mà tinh tế đến nhường ấy.

                                                                       Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Còn nói rằng đây là một loại nghệ thuật không thể bắt chước là bởi nó đã vượt qua nghệ thuật. Vượt qua nghệ thuật về hồn vía thì như đã nói ở trên, còn vượt qua nghệ thuật trong biểu đạt thì dễ dàng thấy rằng mặc dù là bậc thầy trong sử dụng các thủ pháp tu từ nghệ thuật, nhưng ở đây cũng như ở nhiều tác phẩm khác, Trịnh Công Sơn đã không còn cần đoái hoài đến các thủ pháp ấy, đơn giản là anh chỉ còn ném ra những chất liệu của đời sống thực ở dạng tự nhiên nhất, nhưng đó là những hình ảnh, những cảnh trí những khoảnh khắc quá đỗi gần gũi, quá đỗi thân thuộc với con người trên cõi thế này. Chắt lọc và cô đọng, những thứ chất sống nhuần nhuyễn ấy được đặt đúng chỗ, được gọi lên đúng lúc đã làm nên sức mạnh ghê gớm của ca từ Nhạc Trịnh, tạo nên sự lay động và cộng hưởng trong trái tim của tất cả những ai cũng thuộc nòi đa cảm và nhạy cảm như người nghệ sĩ có trái tim quá cỡ này, người từ lâu đã trở thành người bạn tâm tình của triệu triệu trái tim.

ANH NGỌC.

Facebook Comments