Nhà báo Vũ Quang: Phóng sự ngắn là thể loại mũi nhọn được sử dụng phổ biến trong các chương trình Thời sự của các Đài truyền hình. Dù được sử dụng nhiều song nhiều phóng viên vẫn còn khá lúng túng vì thiếu những kiến thức, kỹ năng cần thiết để vận dụng thực hiện phóng sự ngắn. Xuất phát từ thực tiễn của ngành truyền hình, chúng tôi giới thiệu loạt bài viết Để có một phóng sự ngắn truyền hình tốt của nhà báo Văn Đồng – Trưởng Phòng Bạn nghe đài & xem truyền hình, Đài Phát thanh – Truyền hình Thái Nguyên.
Nếu như trong hệ thống sách thông tấn báo chí , sách nghiên cứu ở Việt Nam, tài liệu về các thể loại báo viết khá dồi dào thì đối với truyền hình nói chung, đặc biệt là thể loại phóng sự ngắn truyền hình còn khá khiêm tốn. Điều này xuất phát từ nguyên nhân, Truyền hình đã phát triển ở Phương Tây nhiều năm nhưng ở Việt Nam sự xuất hiện của Truyền hình chưa lâu, lý luận về loại hình báo chí này chưa phát triển.
Mặt khác, phóng sự ngắn truyền hình dù được sử dụng nhiều song chưa được nghiên cứu nhiều, trong khi đó ngay cả tên gọi “ phóng sự ngắn” vẫn còn là vấn đề tranh luận bởi trên thế giới không có khái niệm phóng sự ngắn, có News, News story, hoặc News pakage. Cụm từ phóng sự ngắn được sử dụng tại Việt Nam theo cách phân biệt với phóng sự chuyên đề. Do đó, nhiều phóng viên có kinh nghiệm sử dụng các tài liệu nước ngoài là nguồn tài liệu tham khảo nghiệp vụ cơ bản khi nghiên cứu các kỹ năng thực hiện phóng sự ngắn truyền hình, trong đó có các tài liệu từ Quỹ Reuters xuất bản của nhiều tác giả, trong đó có Neil Everton.
Bài viết này sẽ không đi sâu vào những vấn đề mang tính “ học thuật”, bởi đó là những gì đã được viết trong sách. Mặt khác, giữa học thuật và thực tế, nhất là lĩnh vực đặc biệt sôi động như báo chí thì khoảng cách đó dài hay ngắn lại phụ thuộc nhiều vào năng lực, sự vận dụng của mỗi phóng viên.
Vì thế, xin được đề cập một vài vấn đề thực tế mà nhiều phóng viên đang băn khoăn hiện nay.
Về đề tài của phóng sự ngắn truyền hình:
Mâu thuẫn- hạt nhân của một đề tài tốt:
Phóng sự ngắn truyền hình trước hết phản ánh một mâu thuẫn trong thực tế. Mâu thuẫn ấy chính là tính “ có vấn đề ” của phóng sự. Vì thế, mâu thuẫn chính là yếu tố đầu tiên cần có của một phóng sự, đó là đề tài mà phóng sự sẽ phản ánh, sẽ giới thiệu đến khán giả.
Những phóng sự ngắn truyền hình tốt thường là những phóng sự phản ánh về một mâu thuẫn nào đó. Ví dụ: Nước sạch hay sạch nước là phóng sự phản ánh về mâu thuẫn giữa một bên là sự đầu tư nhiều tiền của, sự đúng đắn của chính sách đối với đầu tư công trình nước sạch cho miền núi và một bên là hiện trạng quản lý kém hiệu quả, sự lãng phí. Phóng sự Bản siêu đẻ phản ánh về một hiện tượng sinh đẻ nhiều ở một bản dân tộc Mông ở vùng cao trong khi cả nước đã qua hàng chục năm thực hiện chính sách sinh đẻ có kế hoạch. Phóng sự Những đứa trẻ vùng quặng phản ánh việc trẻ em lao động nặng nhọc mưu sinh tận thu quặng sắt, bỏ lại sau lưng việc học hành và cả tuổi thơ hồn nhiên vốn có. Phóng sự Làng nhặng và nhà máy chết phản ánh mâu thuẫn khi cả nước thực hiện thắt chặt chi tiêu công, chống lãng phí ở thời điểm năm 2013 thì lại có dự án về xử lý chất thải trị giá hàng chục tỉ đồng không hiệu quả, nhà máy nằm lim lìm, gây lãng phí lớn. Phóng sự Tuyên truyền về chủ quyền biển đảo trong Sách giáo khoa – mặt trận còn bỏ ngỏ phản ánh về mâu thuẫn giữa vấn đề chủ quyền biển đảo là vấn đề “ nóng” được dư luận quan tâm thì trong sách giáo khoa dành cho thế hệ tương lai của nước nhà những bài giảng về biển đảo còn quá ít ỏi. Tính mâu thuẫn là yếu tố đầu tiên để có một đề tài tốt, một phóng sự tốt. Vì thế, khi bạn chuẩn bị bắt tay vào thực hiện một phóng sự ngắn truyền hình, điều đầu tiên cần xem xét là đề tài, là tính mâu thuẫn của vấn đề. Mặt khác, bên cạnh tính mâu thuẫn, tính lạ của đề tài cũng tạo nên sức hút của phóng sự. Phóng sự Làm giàu ở Trường Sa là một dạng phóng sự có đề tài “lạ” như vậy.
Đề tài tốt, bắt nhịp hơi thở cuộc sống và phù hợp với khả năng tổ chức hình ảnh của truyền hình là khởi đầu tốt đẹp để thực hiện phóng sự ngắn truyền hình.
Tuy nhiên, cũng có một thực tế là có nhiều đề tài rất tốt song lại khó thể hiện dưới góc độ truyền hình, đó có thể là câu chuyện đã qua, có thể là vấn đề về tư tưởng, về lĩnh vực đặc thù khó khăn cho việc tổ chức hình ảnh, những đề tài về buôn ma túy… Điều này là bình thường bởi nếu như vậy báo viết sẽ có thuận lợi hơn, song với những dạng đề tài khác như bão lũ, dịch bệnh, sự cố tai nạn, hỏa hoạn… chắc chắn truyền hình có ưu thế hơn nhiều bởi sự đặc thù khi mang đến khán giả hình ảnh sống động nhất.
Làm thế nào để có đề tài phóng sự hay, hấp dẫn?
Đây luôn là câu hỏi bức thiết đặt ra đối với mỗi phóng viên nói chung, những phóng viên truyền hình nói riêng. Có đề tài tốt là yếu tố đầu tiên để thực hiện một phóng sự hấp dẫn. Vậy có thể khai thác đề tài từ đâu?
* Họp ban biên tập: Những cuộc họp tổ chức sản xuất hàng ngày vào đầu giờ buổi sáng là kênh thông tin chính thống với những đề tài được phân công cho phóng viên thực hiện phóng sự.
* Tính phát hiện của phóng viên: Qua công việc thực tế phóng viên phát hiện đề tài từ cuộc sống, đề tài này qua sự xem xét của cá nhân phóng viên trên cơ sở sự lựa chọn của tư duy ( phát hiện, phân tích, xác định nội dung đề tài…) hình thành đề tài để bắt tay vào thực hiện phóng sự.
* Đề tài phát hiện qua sự cung cấp thông tin của nguồn tin riêng, của nhân dân, của các tài liệu hội nghị, hội thảo, kiểm tra các lĩnh vực, những vấn đề đáng quan tâm qua báo cáo, tiếp xúc cử tri.v.v. Phóng viên luôn quan sát, phân tích những dữ liệu thông tin từ nhiều nguồn. Sự nhạy bén của phóng viên chính là óc quan sát, qua nghe, quan sát, suy nghẫm và giống như sự hoạt động của một trạm ra đa, khi trong tâm trí có tín hiệu báo hình như vấn đề này có điều không bình thường, tại sao những con số báo cáo lại mâu thuẫn? Ý kiến của người dân khi phát biểu tiếp xúc cử tri có điều gì đáng quan tâm… đó là khi sự tập trung đang bắt đầu. Tiếp tục là sự hoạt động mạnh hơn của tư duy và để rồi đề tài của phóng sự ra đời.
* Đề tài phát hiện qua báo chí, tin tức. Ngay cả khi xem điểm tin hàng ngày hoặc đọc báo phóng viên có thể tự sàng lọc thông tin để khai thác đề tài. Ví dụ: Ngay khi xem tin về tình hình mưa bão bắt đầu ảnh hưởng đến đê biển phóng viên đặt vấn đề tại địa phương mình các công trình thủy lợi, các công trình thoát nước đường phố nếu bước vào mùa mưa bão liệu có vấn đề gì không?
* Sự rà soát lại những đề tài trong quá khứ. Đôi khi phóng viên gặp phải tình trạng “ bí đề tài”. Có những lúc hàng loạt đề tài hiện ra, có những lúc thiếu đề tài tốt là chuyện bình thường của phóng viên. Khi gặp trường hợp này lời khuyên là không nên ngồi cắn bút, bóp trán cho ra đề tài mà nên đi ra đường phố, thư giãn tâm trí, hồi tưởng lại hàng loạt đề tài đã qua, chọn lọc để sử dụng nếu phù hợp hoặc mở TV, đọc báo. Rất có thể ngay cả những lúc tưởng chừng vô vọng nhất thì một con số, một hình ảnh, một dòng tin, một câu nói của người bán hàng ở quán cà phê .v.v lại gợi lên một đề tài tốt cho phóng sự.
Cũng cần lưu ý rằng, quá nhiều thông tin sẽ bóp chết thông tin. Một phóng sự ngắn bằng một vấn đề cần giải quyết. Nếu có vấn đề khác nữa hãy dành cho nó bằng một phóng sự khác. Trong một phóng sự ngắn thường chỉ nêu và giải quyết một vấn đề mà thôi.
Cách đặt tên phóng sự ngắn truyền hình:
Cũng giống như các thể loại báo chí khác, đặt tên khơi dậy sự tò mò của khán giả, có sức khái quát nội dung phóng sự phản ánh là điều cần quan tâm khi đặt tên cho phóng sự. Cũng có sự khác biệt của truyền hình, đó là đặt tít cần ấn tượng song lại không được trừu tượng, khó hiểu. Có nhiều cách đặt tên như dạng câu hỏi, dạng đối lập, dạng láy từ… song dạng láy từ trong câu vẫn là cách hiệu quả được nhiều phóng sự sử dụng: VD: Chung cư liệu có an cư? Nước sạch hay sạch nước? Dự án, hiệu quả… hậu quả; Thủ pháp láy từ này có tác dụng khơi gợi sự tò mò của khán giả đối với phóng sự, thu hút sự quan tâm ngay từ đầu.
Kết cấu và thời lượng phóng sự ngắn truyền hình:
Đây có lẽ là điều nhiều phóng viên trẻ mới vào nghề băn khoăn nhiều nhất. Khi đã phát hiện ra đề tài rồi thì cần bắt đầu từ đâu và như thế nào để kể câu chuyện của mình là điều khó khăn.
Thông thường, một phóng sự ngắn truyền hình có thời lượng 1 phút 30 giây. Đây là thời lượng chuẩn của truyền hình ở các nước phát triển. Còn ở Việt Nam, phóng sự ngắn trung bình có thời lượng khoảng 3 phút. Đôi khi, có thể dài hơn tới dưới 5 phút. Điều này được nhiều học giả lý giải là xuất phát từ đặc trưng văn hóa phương Đông và phương Tây. Nhìn chung các nước phương Đông có xu hướng thực hiện phóng sự dài hơn do diễn giải vấn đề chi tiết hơn.
Kết cấu phóng sự ngắn thông thường gồm 3 phần:
– Phần (1): Đây là phần nêu thực trạng vấn đề mà phóng sự phản ánh, đôi khi là hiện trạng, hiện tượng tự nhiên, xã hội mà phóng sự đề cập đến. Trong phóng sự 1’30’’ thì thường 30’’ đầu dành cho nội dung nêu thực trạng vấn đề. Tương ứng với phóng sự ngắn truyền hình sử dụng thông thường ở Việt Nam là 3’ thì dành 1’ đầu cho phần nêu thực trạng vấn đề mà phóng sự đề cập. Kết thúc phần này thường là phỏng vấn nhân chứng, người biết sự việc về hiện trạng được đề cập. VD: Phóng sự phản ánh về sự xuống cấp của một khu dân cư thì phần đầu phản ánh những chi tiết dột nát, nước chảy, đời sống khó khăn của người dân khu dân cư, hết phần 1 là phỏng vấn người dân sống tại khu dân cư đó.
– Phần ( 2): Đây là phần phóng viên thực hiện phóng sự ngắn truyền hình dành để đi tìm nguyên nhân của thực trạng vấn đề đã nêu ở phần (1). Trong phóng sự 1’30’’ thì phần này chiếm thời lượng 30’’, trong phóng sự 3’ như ở Việt Nam thì phần này trung bình khoảng 1’. Như ví dụ trên, phần (1) phóng viên đã phản ánh những chi tiết dột nát của khu dân cư thì bước sang phần ( 2 ) này phóng viên sẽ phản ánh đến người xem nguyên nhân của tình trạng xuống cấp đó. Đó có thể là nhà cũ, sử dụng nhiều năm, có thể là do công trình xây dựng kém chất lượng… Kết thúc phần (2) này sẽ là ý kiến phỏng vấn nhân chứng là người dân hay cán bộ sở tại về nhận định nguyên nhân sự việc, trong trường hợp này là nguyên nhân của sự xuống cấp khu dân cư.
– Phần (3): Phần kết phóng sự, đây là phần xác định trách nhiệm có liên quan đến sự việc được phản ánh trong phóng sự có thời lượng 30’’ trong phóng sự 1’30’’, khoảng 1’ trong phóng sự 3’. Khán giả luôn mong được trả lời câu hỏi vậy cuối cùng ai sẽ phải chịu trách nhiệm về vấn đề được phóng sự đề cập. Tương tự, như ví dụ đã nêu, trong phần này phóng viên sẽ đi tìm câu trả lời cho câu hỏi, ai chịu trách nhiệm về thực trạng xuống cấp của khu dân cư nọ? Đó là Ban quản lý khu dân cư, là chính quyền sở tại hay chủ đầu tư xây dựng khu nhà nếu khu nhà được xây kém chất lượng? Kết thúc phần (3) là phỏng vấn người có liên quan, thường trong các phóng sự ngắn, đây là ý kiến của những nhà quản lý, quan chức có liên quan đến vấn đề mà phóng sự đề cập.
Khởi đầu phóng sự ngắn truyền hình từ đâu?
Có được đề tài tốt trong tay song phải bắt đầu câu chuyện từ đâu luôn là câu hỏi khó khăn. “Vạn sự khởi đầu nan” là vậy. Thông thường, cũng giống như khi sáng tác một bài thơ, một truyện ngắn, khó khăn đối với người thực hiện phóng sự bao giờ cũng là sự khởi đầu phóng sự.
Có hàng trăm con đường để bắt đầu vào một phóng sự ngắn truyền hình. Có nghĩa rằng không có sự cứng nhắc nào để bạn bắt đầu câu chuyện của mình. Tính sáng tạo, sự linh hoạt, nhạy bén của phóng viên thể hiện ngay từ những hình ảnh đầu tiên của phóng sự. Sau khi nắm rõ kết cấu thông thường của một phóng sự, phần (1) là phần nêu hiện trạng, hiện tượng thì phóng viên sẽ tìm ra chi tiết nào quan trọng nhất để đề cập đối với từng phóng sự. Có hàng loạt chi tiết có thể khai thác, đơn cử như trong ví dụ về phóng sự về khu dân cư xuống cấp nêu trên. Chi tiết mở đầu có thể là : Nhân viên quản lý khu dân cư đi chọc vữa trần nhà rơi; Gia đình A đang ăn cơm dưới tảng vữa nứt to trên trần nhà; Gia đình A chuyển nhà đi nơi khác vì căn hộ của họ không an toàn; Nhân viên quản lý đi gọi loa nhắc nhở những vị trí cần đề phòng nguy hiểm; Những đứa trẻ chơi trong nhà đóng kín cửa vì bố mẹ không cho ra ngoài sợ nguy hiểm v.v. Muốn có chi tiết hay phóng viên cần quan sát kỹ khi tác nghiệp, hỏi chuyện cũng là cách phát hiện ra những chi tiết hay để khai thác cho phần mở đầu phóng sự.
Các phóng viên thường sử dụng từ ví dụ cụ thể đến khái quát để mang lại sự sinh động cho phóng sự ngắn. Đây là việc đảo ngược quy trình truyền thống, khác với một bài văn khi luôn mở đầu từ cái chung, cái tổng thể trước khi đi vào chi tiết. Nói một cách hình ảnh hóa thì việc sắp xếp chi tiết mở đầu phóng sự cũng giống như sắp xếp 3 cỡ cảnh: Cận -> Trung -> Toàn thường mang lại hiệu ứng ấn tượng hơn là Toàn -> Trung -> Cận.
Dẫn hiện trường trong phóng sự ngắn:
Dẫn hiện trường ( stand up) đã và đang ngày càng được sử dụng nhiều khi thực hiện phóng sự. Bản thân việc dẫn hiện trường mang tính xác thực thông tin cao, thể hiện sự nhập cuộc của phóng viên với vấn đề phóng sự phản ánh. Trong kết cấu nêu trên, việc dẫn hiện trường hoàn toàn có thể linh hoạt thực hiện trong cả 3 phần của phóng sự.
– Ở đầu phóng sự thường là giới thiệu bối cảnh và tình huống.
– Ở cuối phóng sự thường là đưa ra kết luận hoặc những dự đoán thông tin tiếp theo.
– Ở giữa thường là một thông tin then chốt, gây bất ngờ, tạo kịch tính cho phóng sự.
Lời dẫn hiện trường cần được chuẩn bị tốt, ngắn gọn, xúc tích, người dẫn cần tự nhiên, sáng tạo, linh hoạt, tránh nói ngọng, nói lắp và ngoại hình phù hợp không gian, bối cảnh phóng sự. VD: Tránh trường hợp một phóng viên ăn mặc diêm dúa ở một vùng nghèo khó dễ gây sự phản cảm, tránh tươi cười trước sự việc hỏa hoạn, thiên tai… Hình ảnh quay dẫn hiện trường cũng cần lưu ý bao quát bối cảnh không gian nơi dẫn, có thể linh hoạt dẫn ngồi, đứng hay di chuyển ( traverlling).
Dẫn hiện trường tốt là khi nó thực sự trở thành một yếu tố cấu thành trong phóng sự ngắn, phản ánh mang tính dẫn dắt, điểm nhấn hay gây bất ngờ, khái quát vấn đề hoặc kết, gói lại vấn đề đã phản ánh, tránh sử dụng dẫn hiện trường như một sự minh họa hay chỉ đơn thuần chứng minh phóng viên đã có mặt tại hiện trường. Như vậy sẽ làm giảm hiệu quả dẫn hiện trường.
Một phóng viên có kinh nghiệm luôn chú ý việc dẫn hiện trường bởi giá trị hiệu quả cao của việc dẫn hiện trường. Mặt khác, người phóng viên đó cũng sẽ linh hoạt sử dụng “ đạo cụ” để dẫn hiện trường cho sinh động. Ví dụ: Tay cầm hòn quặng khi dẫn hiện trường ở bãi quặng phản ánh nạn khai thác quặng trái phép, xắn quần lội nước, mặc áo mưa khi dẫn hiện trường ở vùng lũ .v.v.
( còn tiếp)
Văn Đồng
Đài PT – TH Thái Nguyên
Facebook Comments