Nhà báo trong mắt người dân

Nhà báo cũng là một nghề như bao nghề khác trong xã hội. Họ có trách nhiệm cung cấp thông tin trung thực, khách quan, có tính chính thống, góp phần định hướng dư luận xã hội.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, khái niệm nhà báo cũng thay đổi theo hướng mở rộng biên độ, nhưng có một điều mà công chúng luôn đòi hỏi ở người làm báo nói riêng và ở tất cả các cơ quan báo chí nói chung, là phải có trách nhiệm trước mỗi thông tin mà mình đưa ra.

Vậy, vai trò của nhà báo trong con mắt người dân hiện nay như thế nào? PV Infonet đã ghi lại suy nghĩ, quan điểm của một số người dân về vấn đề này.

Ông Cao Đình Phụng, thôn Đại Tự, xã Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh:

Có thể coi nhà báo là “sứ giả” tinh thần của người dân. Họ có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; góp phần giáo dục, định hướng mọi người; khơi dậy tinh thần học tập, làm theo của mỗi người dân.

                             Ông Cao Đình Phụng

Trên “mặt trận” chống tiêu cực, báo chí là vũ khí hàng đầu và mỗi phóng viên là một chiến sỹ, đúng như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Nhà báo cũng phải biết xung phong”. Chính các nhà báo đã phanh phui, đưa ra ánh sáng nhiều vụ tiêu cực chứ không phải các lực lượng chức năng; những nhà báo, cơ quan báo chí này cần được khen thưởng, động viên kịp thời. Tuy nhiên, nhà báo cũng cần tích cực hơn nữa để công cuộc chống tham nhũng đạt hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóa XI đã quán triệt.

Việc hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp nếu không xử lý nghiêm sẽ làm giảm “tính chiến đấu” của mỗi nhà báo, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.

Ông Nguyễn Công Uẩn, thôn Bùi Xá, xã Ngũ Thái, Thuận Thành, Bắc Ninh:

Đại bộ phận nhà báo là người có trách nhiệm, được nhân dân tín nhiệm nhưng “quyền lực” của báo chí còn thấp, chưa đủ để họ đấu tranh với những hành vi tiêu cực trong xã hội. Do vậy, cần phải có những biện pháp cần thiết để xử lý những vấn đề mà các nhà báo đưa ra.

                         Ông Nguyễn Công Uẩn

Anh Phạm Hải Linh, 22 tuổi, phố Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân, Hà Nội:

Xã hội ghi nhận việc phát hiện và cung cấp thông tin của các nhà báo. Trong xã hội hiện nay, đại đa số thanh niên có thói quen đọc “báo mạng”. Do vậy, yêu cầu đặt ra cho các nhà báo đối với mỗi bài viết trên “báo mạng” là phải định hướng tốt như các bài viết trên báo in; hạn chế các tin bài về “cướp, hiếp, giết” bởi các bài viết về vấn đề này có ảnh hưởng nhiều đến tâm, sinh lý của thanh thiếu niên.

                                Anh Phạm Hải Linh

Ngoài ra, các nhà báo cần tăng cường các tin bài về gương người tốt, việc tốt, định hướng nghề nghiệp, các hoạt động bổ ích, lý thú cho lứa tuổi thanh thiếu niên.

Tuy nhiên, cũng phải phê phán hành vi ém thông tin, thông tin sai lệch, thổi phồng thông tin… vì lợi ích cục bộ, thậm chí vì tư lợi của một số nhà báo.

Anh Nguyễn Văn Cung, ở Hoằng Hải, Hoằng Hóa, Thanh Hóa:

Xã hội đã nhận thức được và trân trọng vai trò của báo chí nói chung và nhà báo nói riêng. Họ đã phản ánh kịp thời các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng trong việc giúp người dân tiếp cận nhanh, chính xác tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của nước ta và thế giới.

                              Anh Nguyễn Văn Cung

Trên thực tế vừa qua, đã xảy ra một số vụ phóng viên bị hành hung, cản trở, gây khó khăn trong quá trình tác nghiệp bởi chưa có một cơ chế đảm bảo cho sự an toàn, sự tác nghiệp của phóng viên. Do vậy, cần có một chế tài đủ mạnh để xử lý, răn đe những hành vi hành hung, cản trở phóng viên tác nghiệp, có như vậy mới không hạn chế tính hiệu quả trong việc đưa tin của “giới” báo chí cũng như không hạn chế nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân.

Kiên trung

Theo infonet.vn

Facebook Comments