Nhà báo Vũ Quang: Bài viết đăng trên tạp chí người làm báo tháng 3/2021. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc của daotaotruyenhinh.vn.
Đặc trưng của quá trình hình thành một tác phẩm truyền hình và sự hình thành êkíp Tính khách quan là một trong những phẩm chất hàng đầu tạo nên tính hấp dẫn, khả năng thuyết phục của thông tin. Song hoạt động báo chí lại luôn bị chi phối bởi các quan hệ xã hội, giai cấp, hệ tư tưởng và thực tiễn chính trị.
Những quan điểm cơ bản về thế giới, về lợi ích giai cấp, dân tộc chi phối trực tiếp đến khuynh hướng của cơ quan báo chí, ảnh hưởng đến từng giai đoạn của hoạt động sáng tạo báo chí từ lựa chọn đề tài, đến việc phân tích, đánh giá thẩm định sự kiện, vấn đề cùng phương pháp diễn đạt, chuyển tải thông tin đến công chúng.
Như vậy những tri thức và quan điểm chính trị trở thành yếu tố điều kiện, trực tiếp tham gia vào quá trình sáng tạo báo chí. Thiếu những yếu tố đó cơ quan báo chí hay cá nhân nhà báo khó tránh khỏi những đổ vỡ trong nghề nghiệp .
Trong sự vận động phức tạp của thực tiễn, khó khăn đối với nhà báo là phản ánh cuộc sống ngay vào thời điểm phát triển của nó. Nhiều vấn đề, hiện tượng xuất hiện dưới những hình thức, hay biểu hiện mang tính ngẫu nhiên, bất ngờ song lại phản ánh một sự việc hợp qui luật. Chính vì thế khả năng tham gia giải quyết tích cực các vấn đề thực tiễn đang đặt ra thể hiện tài năng, bản lĩnh của nhà báo, hiệu lực và uy tín của cơ quan báo chí.
Để giải quyết nhiệm vụ lao động sáng tạo ấy, mỗi nhà báo cũng như cơ quan báo chí phải được chuẩn bị đầy đủ về tri thức, phương pháp hoạt động nghề nghiệp và kinh nghiệm sống. Công việc làm báo phải đòi hỏi ở nhà báo lượng tri thức tổng hợp, đa dạng về nhiều lĩnh vực khác nhau. Sự hạn chế về tri thức và kinh nghiệm sống là trở ngại không thể vượt qua khi nhà báo bất ngờ đối mặt với những sự kiện, vấn đề ngoài dự đoán. Những sai sót về tri thức trong tác phẩm báo chí sẽ để lại những hậu quả tai hại về nhiều mặt.
Suy cho cùng lao động sáng tạo của nhà báo chính là tìm cho được những “Mặt vận động “của sự vật, hiện tượng, vấn đề mà xã hội đang quan tâm. Đó là những “Nhát cắt” thể hiện tài năng của nhà báo. Hơn thế những “Nhát cắt” sẽ giúp nhà báo hình thành phong cách riêng của mình. Điều quan trọng là những “Nhát cắt” đó chỉ có thể tìm thấy ở những nhà báo có tri thức tổng hợp, có kinh nghiệm sống và nhạy cảm.
Khi xuất hiện một “sự kiện trung tâm” thì công việc của nhà báo phải tìm cho ra những “sự kiện vệ tinh”. Việc tìm kiếm trong một thời gian eo hẹp của nghề báo là một sự kiếm tìm nghiệt ngã. Sự câu thúc về thời gian và một loạt các yếu tố khách quan đôi khi tước đi sự sáng tạo của nhà báo.
Dù là loại hình báo chí nào, thì việc tìm kiếm những “Mặt vận động” của sự vật, hiện tượng chính là quá trình sáng tạo quan trọng nhất trong hoạt động báo chí. Tuy nhiên trong lĩnh vực truyền hình thì lao động sáng tạo của nhà báo còn được thể hiện trong công đoạn dựng hình. Chúng ta sẽ điểm qua lao động sáng tạo trong một chu trình khép kín khi sản xuất chương trình của những người làm truyền hình.
Trước hết ở khâu kịch bản. Để có một chương trình truyền hình có chất lượng trước hết cần có một kịch bản tốt. Trong thực tiễn hoạt động của truyền hình thì việc làm tin, phóng sự, phỏng vấn, phim tài liệu, chương trình giải trí không phải lúc nào cũng có kịch bản. Sẽ là không hợp lý khi buộc phóng viên phải có kịch bản tin. Tuy nhiên kịch bản tin luôn có với những phóng viên làm việc nghiêm túc. Hình thức kịch bản này thậm chí là những nét chính của sự kiện khi người giám đốc sản xuất chương trình phân công. Đôi khi là những ý tưởng mà người biên tập trao đổi nhanh với phóng viên quay phim trên đường đến nơi sự kiện xảy ra.
Có thể nói tin là một thể loại không đòi hỏi một kịch bản được viết bằng giấy một cách chỉnh chu. Song thực tiễn hoạt động kịch bản tin được thực hiện dưới những hình thức đa dạng đôi khi ta không nhận thấy.
Sự phát hiện ra những”Mặt vận động” đặc biệt của sự kiện, vấn đề thông qua tài liệu, những nhân vật tham gia sự kiện sẽ giúp người phóng viên lựa chọn thể loại như phóng sự ngắn, phim tài liệu…để phản ánh hiện thực khách quan. Sự nhạy cảm, khả năng phát hiện vấn đề đôi khi cho phép sự sáng tạo của người phóng viên trong hoạt động thực tiễn. Những phóng viên này luôn tạo được sự tin cậy của người quản lý trực tiếp.
Trong thực tiễn việc thực hiện một phóng sự, một cuộc phỏng vấn ,một phim tài lệu, một chương trình giải trí, một cuộc toạ đàm hay một bài bình luận luôn cần có một kịch bản tốt. Và một kịch bản tốt đồng nghĩa với sự phát hiện của những “Mặt vận động” của con người , sự kiện, vấn đề thuộc đề tài mình thực hiện.
Có kịch bản tốt, người thực hiện vẫn cần sự sáng tạo bởi kịch bản đôi khi không phù hợp với sự vận động của cuộc sống. Những việc trong quá trình thu thập thông tin như: Quay phim, phỏng vấn, ghi lại âm thanh hiện trường, thậm chí ánh sáng là những công đoạn hết sức quan trọng trong khâu tiền kỳ (Thu thập thông tin, hình ảnh).
Sự sáng tạo trong hình ảnh đòi hỏi phóng viên quay phim phải nghiên cứu kỹ kịch bản, phối hợp tốt với đạo diễn và các kỹ thuật viên về hình ảnh, âm thanh, ánh sáng. Sự sáng tạo này đôi khi vượt cả mong muốn của đạo diễn. Với một phóng viên quay phim có kỹ năng tốt luôn nhạy cảm khi tạo hình ở những tình huống nhiều kịch tính. Ví dụ như quay về một bà mẹ liệt sĩ, nỗi đau mất con khiến mẹ nghẹn lời. Máy quay cần một động tác máy Zoom từ cận cảnh vào đại cận cảnh. Cảnh quay này thậm chí có thể thay thế cả lời bình, bởi tiếng nấc, khuôn mặt đau đớn cùng đôi mắt tuyệt vọng của mẹ đã nói lên tất cả những gì ta cần nói. Ở khâu hậu kỳ việc đọc băng hình, xây dựng kịch bản dựng chi tiết là hết sức quan trọng bởi đây là toàn bộ chất liệu mà ta có trong tay để tạo nên một tác phẩm truyền hình. Có kịch bản dựng chi tiết nhưng đôi khi vẫn cần sự thay đổi trong khi dựng vì sự nối tiếp của các hình ảnh nhiều khi tạo ra một ý tưởng mới mà kịch bản chưa hề có. Việc dựng phim suy cho cùng là việc lắp ghép các hình ảnh nhằm tạo ra những trường đoạn trong mạch chung của phim bởi một tác phẩm truyền hình trước hết là một câu chuyện bằng hình.
Trong xu thế của truyền hình hiện đại, các phóng sự, phim tài liệu không lời bình là một xu thế có thực. Điều này khiến các phóng viên truyền hình ngày càng phải tự nâng cao hơn những kiến thức, kỹ năng của điện ảnh.
Tài năng là một phẩm chất cần có của một nhà báo hiện đại. Song trong lĩnh vực báo chí tính tập thể là một đòi hỏi khách quan của lao động báo chí. Mỗi tác phẩm báo chí trước khi đến với công chúng bao giờ cũng có sự tham gia sáng tạo ở những mức độ khác nhau của các đồng nghiệp. Cho dù từ khâu lựa chọn vấn đề, sự kiện, thu thập tài liệu, xử lý tài liệu và hình thành văn bản tác phẩm đều do một nhà báo thực hiện thì tác phẩm đó vẫn được thẩm định bởi một nhà báo có trách nhiệm trong Bộ biên tập đảm bảo cho định hướng chính trị và những sai sót có tính chất kỹ thuật của tác phẩm.
Với sự phát triển của truyền hình trong đó các phương tiện kỹ thuật tham gia trực tiếp, trở thành điều kiện không thể thiếu của lao động báo chí thì một tác phẩm báo chí không còn là của một cá nhân. Đó là thành quả chung của tập thể đạo diễn, phóng viên, quay phim, biên tập, kỹ thuật viên (dựng phim, âm thanh, ánh sáng), phát thanh viên.
Như vậy, lao động báo chí mang tính chất sáng tạo thường xuyên, hàng ngày, hàng giờ. Tính chất nghề nghiệp đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa lao động cá nhân và lao động tập thể dưới ảnh hưởng chi phối của chính trị, đó là vấn đề mang tính quy luật của báo chí nói chung.
Vũ Quang
Facebook Comments