Bản giao hưởng của cuộc đời giáo Thứ

Nếu ví mỗi người nghệ sĩ như một nốt nhạc thì có không hiếm người bằng sự đa dạng, thăng hoa trên nhiều lĩnh vực đã biến cuộc đời nghệ thuật của mình thành một bản nhạc với nhiều nốt thăng và những giai điệu, biến tấu khác nhau.

Hành trình từ nghệ sĩ đến thầy giáo nghệ thuật

Rời Hãng phim truyện Việt Nam nay là CTy TNHH một thành viên hãng phim truyện Việt Nam sau mấy chục năm gắn bó, sau thành công đáng ghi nhận của Mùi cỏ cháy, hiện NSUT Hữu Mười đang là Phó trưởng khoa truyền hình – Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Đã có một vòng xoay của mấy chục năm khi đưa người nghệ sĩ trở lại mái trường xưa, nơi anh đã từng là học sinh lớp diễn viên điện ảnh khóa II. Cùng lứa với những nghệ sĩ tài danh của điện ảnh như Bùi Cường, Thanh Quý, Minh Châu… hành trang của NSUT Nguyễn Hữu Mười khá hữu duyên với nghề nhà giáo. Trong cuộc đời làm diễn viên của anh đã có tới hai lần hóa thân thành công vào vai một thầy giáo. Bộ phim thứ nhất là Làng Vũ Đại ngày ấy của cố đạo diễn Phạm Văn Khoa.  Bộ phim được xây dựng từ một loạt tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nam Cao như Chí Phèo, Lão Hạc, Sống mòn… đã lăng xê một loạt gương mặt cho màn ảnh như Bùi Cường, Đức Lưu, Mạnh Sinh và Hữu Mười. Hình ảnh anh giáo Thứ trong Sống mòn của Nam Cao đã được định hình, khắc nét qua diễn xuất tài hoa của Hữu Mười.

Cảnh trong phim “Mùi cỏ cháy”.

Một trí thức nông thôn, sinh ra vào thời loạn khi kiến thức, tài học không thể đem lại một cuộc sống no đủ cho bản thân và gia đình. Trong cái nghèo túng đầy quẫn bách ấy, giáo Thứ vẫn cố giữ cho lòng mình thanh sạch, dùng ngòi bút lên án những cường quyền, áp bức và bênh vực những số phận nhỏ bé, bất hạnh. Hình ảnh một ông giáo, một tri thức làng qua ngòi bút Nam Cao đã được tạc  hình, in sâu qua diễn xuất của diễn viên Hữu Mười. Vẻ mặt nghiêm nghị, phong thái đĩnh đạc với bộ vest sờn cũ đã định hình cho một lớp trí thức nhỏ trong xã hội cũ. Nghèo mà không hèn vẫn giữ được cốt cách thanh tao, trong sạch. Vai giáo Thứ đã mang lại một nốt thăng trong sự nghiệp diễn xuất của Hữu Mười. Nhiều năm sau, một vai thầy giáo khác cũng đem lại một dấu son trong cuộc đời diễn viên của anh. Đó là vai giáo Khang trong Bao giờ cho đến tháng mười của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh. Cũng là thầy giáo nhưng giáo Khang qua sự hóa thân của Hữu Mười đã mang tới hình ảnh một thầy giáo làng đầy nhân hậu, lãng mạn nơi những làng quê yên bình. Bị cuốn vào ý tưởng tốt đẹp của Duyên (Lê Vân đóng) khi cố giấu người bố chồng đang ốm tin hy sinh của người con trai, thầy giáo Khang từ chỗ ái ngại đã cảm phục rồi yêu thầm người phụ nữ có chồng hy sinh ngoài mặt trận. Lặng lẽ giúp đỡ, lặng lẽ yêu dù kết cục người thầy giáo đó phải rời trường ra đi nhưng tâm hồn anh tràn đầy thanh thản khi mơ tới những mùa gặt trên cánh đồng yên bình. Nếu giáo Thứ là sự quẫn bách, mòn mỏi giữa một bên là tri thức, lòng tự trọng và một bên là sự khốn cùng, túng quẫn của cuộc sống thì giáo Khang là bản tình ca về lòng nhân hậu, về những điều tốt đẹp của con người đối với con người. Hai vai diễn, hai nhà giáo điều đó hẳn giúp ích khá nhiều khi giờ đây người diễn viên thầy giáo ấy trở lại giảng đường đem kiến thức, sở học ươm mầm cho những thế hệ đạo diễn kế tiếp. Những trải nghiệm, thành công ấy càng giúp NSUT, diễn viên, đạo diễn Hữu Mười thêm tự tin khi đứng trên bục giảng.

Cảnh trong phim “bao giờ cho đến tháng 10″.

Món quà chia tay đầy ấn tượng

Lật lại những trang sách trong cuộc đời diễn viên, đạo diễn, NSUT Hữu Mười đã có không ít những bước ngoặt. Sau hàng chục năm lăn lộn với nghề được đào tạo là diễn viên điện ảnh, Hữu Mười sang Liên Xô (cũ), theo học đạo diễn tại trường điện ảnh VGIK. Con đường đi của anh tuy không cá biệt nhưng lại giúp Hữu Mười thêm vững bước, tiến sâu cùng nghệ thuật. Từng từ chối hàng loạt kịch bản khi không cảm được nội dung, câu chuyện đằng sau những trang giấy, Hữu Mười không ghi ấn tượng bởi số lượng các bộ phim nhưng xung quanh lý do anh chọn làm đạo diễn hai bộ phim cũng khá nhiều chuyện thú vị. Phim đầu tiên Hữu Mười làm đạo diễn là Chiếc hộp gia bảo – một bộ phim hay về thiếu nhi. Trong mặt bằng èo uột của mảng phim về đề tài thiếu nhi, việc một đạo diễn chọn phim về thiếu nhi cũng đủ biết công sức đổ ra cho bộ phim khi thành phần diễn viên nhí không nhiều và tốn khá nhiều công trong chỉ đạo, sản xuất phim. Bộ phim thứ hai Mùi cỏ cháycũng có nhiều điểm đáng bàn khi đạo diễn dám “dũng cảm” lao vào đề tài chiến tranh trong bối cảnh còn đầy khó khăn, hạn chế về kinh phí, điều kiện sản xuất phim. Bộ phim về một thế hệ thanh niên Việt Nam ra trận và trận chiến 81 ngày đêm tại thành cổ Quảng Trị đã đem lại nhiều  xúc động cho khán giả. Phim là sự cộng hưởng, truyền lửa từ chính  các trang viết của những người trong cuộc lại được thổi hồn, chấp bút từ cuộc đời, những trải nghiệm của nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm. Lùi xa mốc lịch sử đến 40 năm, Mùi cỏ cháy vẫn vẹn nguyên sự xúc động và tình cảm chân thành, lý tưởng của những chàng trai xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ.  Bộ phim vừa có nét trong trẻo của những chàng trai tuổi đôi mươi vừa có sự khốc liệt của chiến tranh mang lại. Hai bộ phim, hai mảng đề tài “khó xơi” cũng đủ để NSUT Hữu Mười có một lưng vốn, sự trải nghiệm và một phông nền kiến thức khi đứng trên bục giảng.

Nói về nghề, về những trải nghiệm, đưa đẩy để người nghệ sĩ đi qua những cung bậc khác nhau của nghệ thuật rồi cuối cùng trụ lại với nghề thầy, NSUT Hữu Mười chia sẻ: Mỗi người có một số phận. Cứ nói nghệ thuật thế này thế khác nhưng  cũng như  bao ngành nghề khác đào tạo hàng trăm mà có được vài người thành danh đã là quý lắm. Ngay cả khóa đạo diễn học cùng tôi tại trường VGIK thuộc nhiều mầu da, quốc tịch nhưng để trụ vững với nghề, thành danh với đời cũng nào có mấy ai.

Đi một vòng rồi về lại mái trường xưa. Mấy mươi năm ấy cũng đủ NST Hữu Mười thỏa lòng nghệ thuật khi từ diễn viên đến đạo diễn anh đều đã chạm tới những mốc son, những cống hiến trên màn ảnh. Và trong bản giao hưởng về cuộc đời mình, Hữu Mười đã thêm vào nhiều cung bậc, sắc thái khi quyết tâm trở  thành một nghệ sĩ đứng lớp, một nghệ sĩ truyền nghề, nguyện làm một người tiếp lửa cho những thế hệ nghệ sĩ tiếp nối.

Bình Nguyên
Tạp chí Điện ảnh Việt Nam

Facebook Comments