Những cây bút góp phần xoay chuyển thời cuộc – Kỳ 3: Đại tướng Võ Nguyên Giáp- 15 năm làm báo trước CM tháng Tám

(NB&CL) – Như một điều kì diệu của lịch sử, một người con của cách mạng, người góp phần làm nên cuộc cách mạng tháng Tám, cũng là người được sinh ra vào một ngày thu. Vì thế, tháng 8 này, kỷ niệm 69 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2-9 cũng là kỷ niệm 104 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-25/8/2014). Cùng nằm trong loạt bài viết dài kỳ: Những ngòi bút góp phần xoay chuyển thời cuộc, trang Tư liệu NB& CL số báo này xin gửi tới độc giả bài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng dưới góc nhìn về một nhà báo chuyên nghiệp xuất sắc, đặc biệt có tới 15 năm làm báo cách mạng sôi nổi trước cách mạng tháng Tám.

Bài báo đầu tiên ở tuổi 16
Theo hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, năm 1925 ông vào Huế học trường Quốc học. Và dù chỉ có vỏn vẹn hai năm theo học dưới mái trường Quốc học Huế (Võ Nguyên bị đuổi khỏi trường vì biểu tình và bãi khóa) thì trong tâm tưởng của vị Đại tướng, thời kỳ ở Huế là thời kỳ sôi nổi, “làm nhiều việc cùng một lúc: vừa học thi, vừa đi dạy, vừa viết báo, vừa hoạt động cách mạng…”. Năm 1927, 16 tuổi, Võ Nguyên Giáp đã viết bài báo đầu tiên trong chặng đời làm báo của mình, bằng tiếng Pháp: “À bas le tyranneau de Quoc hoc!” (Đả đảo tên tiểu bạo chúa trường Quốc học!), gửi đăng tờ L’Annam xuất bản tại Sài Gòn. Bài báo ra đời trong phong trào đòi thả cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Chu Trinh khởi nguồn từ chính mái trường Quốc học Huế, tố cáo mạnh mẽ nền giáo dục ngu dân của những kẻ cai trị.
Cũng chính từ đây, khát khao phải làm gì đó để nói cho dân chúng biết về bản chất thực sự của bè lũ thực dân, làm thức tỉnh những tâm hồn yếu ớt, những “bạn đầu xanh” đang bị những tư tưởng mị dân làm mê ngủ, Võ Nguyên Giáp bắt đầu học nghề làm báo. Bắt đầu từ việc vào làm việc tại nhà xuất bản Quan hải tùng thư do Đào Duy Anh sáng lập rồi làm biên tập viên cho báo Tiếng dân của Huỳnh Thúc Kháng. Tại Tiếng Dân, ông thử sức trên đủ các thể loại: tin tức, bình luận kinh tế, bình luận chính trị…, chuyên trách mục Thế Giới Thời đàm với bút danh Vân Đình và một số bút danh khác. Mặc dù còn rất trẻ và mới bắt đầu làm báo nhưng ông đã có nhiều bài viết khá sắc sảo. Theo thống kê, Võ Nguyên Giáp đã viết 27 bài trên 36 số báo Tiếng dân.
 “Toả sáng” trong thời kỳ Mặt trận bình dân (1936-1939)
Sau khi bị bắt, bị tù hơn một năm (1930-1931) vì ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh và bị cấm làm báo ở Huế, Đại tướng Võ Nguyên Giáp “ngưng bút” trong khoảng gần 6 năm rồi xuất hiện chói sáng trở lại trên mặt trận báo chí cách mạng trong phong trào Mặt trận bình dân sôi nổi những năm 1936-1939. Những năm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa dạy môn sử ở Trường Thăng Long vừa học trường luật, nhưng vẫn dành phần lớn thời gian cho hoạt động báo chí.
Ngay khi Mặt trận bình dân thắng cử, nhạy bén tranh thủ cơ hội, ông bàn với Đặng Thai Mai và các giáo sư Trường Thăng Long cùng nhau ra tờ Hồn trẻ (tập mới trên cơ sở mua lại tờ Hồn trẻ của Hội Hướng đạo sinh) ngày 6/6/1936. Trên trang nhất nêu rõ tôn chỉ của tờ báo, in bằng chữ to, đóng khung trang trọng: “Làm báo khác với làm giàu. Lấy danh nghĩa của nghệ thuật mà lợi dụng cái đẹp buồn bã, âm thầm, yếu ớt, suy vong mà ru ngủ bạn đầu xanh, đó không phải là việc làm của người cầm bút có lương tâm”. Dưới đó đăng bài kêu gọi người Pháp thực hiện chính sách dân chủ ở Đông Dương: ân xá chính trị phạm, cổ vũ dân chúng đấu tranh cho dân chủ tự do… Hồn trẻ được bạn đọc hoan nghênh, in ra không đủ bán. Học sinh trường Thăng Long tình nguyện đi bán báo và góp tiền ủng hộ báo. Thấy rõ sự “nguy hại” của Hồn trẻ, các nhà cai trị thực dân vội vã đóng cửa báo sau khi ra được 12 số.
 Không chịu đầu hàng, thời đó ra báo tiếng Pháp dễ hơn nhiều vì chỉ cần nộp một tờ khai. Võ Nguyên Giáp lợi dụng điều này để chuyển sang làm báo tiếng Pháp. Ông cộng tác với Nguyễn Thế Rục, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, sinh viên Trường đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, xuất bản tờ Le Travail (Lao Động). Ba tháng sau Hồn trẻ, ngày 16/9/1936, Báo Le Travail ra đời. Võ Nguyên Giáp vừa là chủ bút, vừa là biên tập viên chính. Tuy nhiên, ra được 30 số, tới ngày 16/4/1937 thì Le Travail bị thực dân Pháp đóng cửa.
 Trong những năm Mặt trận Dân chủ sôi nổi, ở Hà Nội, hàng loạt tờ báo tiếng Pháp và tiếng Việt được Đảng chỉ đạo xuất bản công khai. Khi tờ này bị cấm, tờ khác xuất hiện ngay. Báo tiếng Pháp có các tờ Rassemblement (Tập hợp), En Avant (Tiến lên), Notre Voix (Tiếng nói của chúng ta); báo tiếng Việt có các tờ Thế giới, Đời nay, Tin tức, Ngày mới… công khai cổ động đấu tranh với các khẩu hiệu dân sinh, dân chủ, đòi đại xá chính trị phạm, ủng hộ Mặt trận Bình dân Pháp… Võ Nguyên Giáp tham gia viết bài rất nhiệt tình. Có buổi ông ngồi từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau, viết và bố cục, trình bày xong cả một số báo để kịp đưa xuống nhà in rồi vẫn lên lớp ở Trường Thăng Long như bình thường. Ông xem viết báo như một nghĩa vụ và trách nhiệm, không có nhuận bút và phụ cấp mà sống thanh bạch nhờ nghề giáo.
 Làm báo cùng Nguyễn Ái Quốc
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong 15 năm làm báo trước cách mạng tháng tám của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là những ngày tháng làm báo cùng với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
 Tháng 5/1940, trước những biến động của tình hình, Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng được Xứ ủy Bắc kỳ điều sang Vân Nam (Trung Quốc). Cũng từ đây, nhà báo cách mạng Võ Nguyên Giáp được gặp, được hoạt động, được làm báo cùng với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
 Đến Hội nghị 8, Trung ương thành lập Mặt trận Việt Minh, Bác Hồ ra báo Việt Nam độc lập, Người phân công Võ Nguyên Giáp viết một số bài quan trọng. Khi Bác Hồ duyệt, Võ Nguyên Giáp nhận biết được yêu cầu của Bác đối với báo chí là phải viết ngắn gọn, dễ hiểu, súc tích, thiết thực. Sau này ông nhớ lại chưa bao giờ ông thấy viết báo khó khăn như thời gian làm báo Việt Nam độc lập của Bác Hồ. Bài báo đầu tiên Võ Nguyên Giáp được Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo với yêu cầu ngặt nghèo “Chú chỉ được viết 100 chữ” là bài “Chị em phụ nữ phải đoàn kết lại!” (đăng trên báo Việt Nam độc lập số 112, ngày 1/12/1941). Đây quả là một thử thách mà ông đã vượt qua vì (cần nhớ lại rằng) hầu hết các bài báo của Võ Nguyên Giáp đều dài – như những chuyên luận – có bài dài như một cuốn sách. Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ học được ở Người tinh thần, ý chí và lý luận cách mạng mà còn học được ở Người cách làm báo cho quần chúng và cách sử dụng báo chí để tuyên truyền vận động quần chúng… Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: Bác Hồ rất coi trọng công tác báo chí, khi huấn luyện, Bác dặn chúng tôi: “Báo chí là người tổ chức quần chúng làm cách mạng”. Anh Phạm Văn Đồng và tôi đều làm báo từ năm 1930, nhất là thời kỳ Mặt trận bình dân, nhưng khi đưa cho Bác xem tờ Tiếng Suối reo chúng tôi làm ở Tĩnh Tây, các bài đều dài vì sợ độc giả không hiểu, cứ phải luận giải, Bác phê bình: “Báo này để cho các chú đọc, vì chỉ có các chú mới hiểu”. Chúng tôi vô cùng thấm thía.
 Những năm 1941 – 1945, Đại tướng đảm nhận nhiều công việc cho cuộc khởi nghĩa giành độc lập đang đến gần, nhưng ông vẫn hoàn thành xuất sắc những công việc tuyên truyền của một nhà báo cách mạng.
Tất nhiên, cuộc đời làm báo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ trong 15 năm trước cách mạng tháng Tám. Ông viết báo tới tận trước khi về với thế giới người hiền. Có thể nói hiếm có vị tướng nào trên thế giới lại viết hàng trăm bài báo, gần 100 luận văn có giá trị như Võ Nguyên Giáp. Cũng hiếm có vị tướng nào lại làm tất tần tật công việc của một nhà báo chuyên nghiệp: từ Chủ tịch hội, Tổng biên tập, viết xã luận, thời đàm, nghị luận, điều tra, phóng sự, biên tập, duyệt bài, sắp xếp nội dung, cho tới bố cục, lên trang, trình bày, đưa nhà in, sửa morasse và phát hành báo.
Nguyễn Thư
Congluan.v

Facebook Comments