Vai trò của lời bình trong phóng sự truyền hình

Đối với phóng sự truyền hình thì hình ảnh luôn được coi là số một, lời bình chỉ mang tính hỗ trợ bổ sung. Đã có những sự thử nghiệm phóng sự truyền hình lấy điểm tựa là hình ảnh và âm thanh thực của cuộc sống mà không cần đến lời bình. Sự thử nghiệm này mang lại cảm xúc mới mẻ cho người xem. Thế nhưng, xét trên thực tế tạo ra một sản phẩm « thật hoàn toàn » như vậy không dễ gì làm được.  Với thực tế luôn biến động phát triển của đời sống thông tin báo chí hiện nay, cách thể hiện đó khó đáp ứng được nhu cầu thông tin ngày càng cao và nhanh chóng của công chúng. Không những thế, tính thẩm định của công chúng đòi hỏi thông tin khắt khe hơn, muốn được nhận thông tin đa chiều, hấp dẫn hơn. Và người sáng tạo mới thấy rõ hơn vai trò của lời bình.

Nhà báo Trần Tiến ( Thứ hai từ phải sang)

Lời bình nâng cao tính xác thực của thông tin

Lời bình phải cho người xem cái mà họ không thấy được ở hình ảnh chứ không phải những gì họ đang nhìn thấy. Lời bình phải truyền đạt được nội dung tư tưởng của phóng sự, giúp người xem tổng hợp, khái quát được ý nghĩa của sự việc, sự kiện phản ánh trong tác phẩm. Trong công thức đưa tin đến cho công chúng 5W + 1H, lời bình làm sáng tỏ yếu tố Why (tại sao), và How (như thế nào). Lời bình thường được thể hiện một cách ngắn gọn, giàu sức gợi cảm, tránh lối viết lời bình dài dòng, trừu tượng, khó hiểu, mô tả lại hình ảnh.

Trong truyền hình hiện đại, lời bình là công cụ cung cấp thông tin có chiều sâu. Trước sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống thông tin truyền thông xuất hiện sự kết hợp giữa truyền hình và mạng Internet, truyền hình với điện thoại di động, công chúng đã có cơ hội đón nhận thông tin đa chiều và đa dạng hơn. Hiện nay đang có những cách thử nghiệm truyền hình mới mẻ hơn đó là hướng tới giá trị chân thực nhất của cuộc sống bằng hình ảnh và âm thanh thực mà không có lời bình, khi đó tiếng nói nhân vật chính và tiếng nền đóng vai trò chủ đạo (còn gọi là phương pháp Cinema Director).

Vậy một phóng sự « thật hoàn toàn » sẽ đạt được điều gì? Bộ phim của đạo diễn truyền hình người Pháp Boris Lojkine có tựa đề “Những linh hồn phiêu bạt”  từng được chiếu trên VTV1 kể về câu chuyện người vợ suốt 20 năm đi tìm mộ chồng. Ấn tượng của bộ phim không chỉ vì cái nhìn nhân bản của một người nước ngoài về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, mà còn vì cách thể hiện mới mẻ – không sử dụng lời bình (so với các phóng sự của người Việt Nam). Tiếng nói của người trong cuộc, âm thanh thực và những chi tiết sống động được ghi lại bằng con mắt tài tình của đạo diễn cho người xem thấy được hiệu quả đích thực của truyền hình so với các thể loại báo chí khác. Quả thật bộ phim có sức lay động sâu sắc với người xem. Tuy nhiên với cách thể hiện «khó » này, đòi hỏi sự công phu của quá trình thực hiện và rất « kén » đề tài. Trong khi đó với sự phát triển của thông tin trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, các loại tin, phóng sự thời sự mang tính xung kích đòi hỏi được xử lý nhanh, thông tin có chiều sâu được phân tích cặn kẽ qua góc nhìn của phóng viên.

Nếu như không có lời bình thì hình ảnh khó có thể chuyển tải được hết nội dung thông tin mà công chúng cần. Chúng ta cùng xem xét phóng sự nhan đề « Điện thiếu, các dự án vẫn chậm tiến độ » phát sóng trong chương trình thời sự tối ngày 17/6/2011 trên VTV1, đài Truyền hình Việt Nam. Phóng sự này được thực hiện trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Chiến lược phát triển Năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Ba tập đoàn: Dầu khí Việt Nam, Điện lực Việt Nam, và Than khoáng sản Việt Nam cùng tham gia sản xuất điện năng, nhưng sau 5 năm, kết quả thực hiện theo kế hoạch phê duyệt điện 6 vẫn ở mức thấp. Có 7 dự án điện lớn bị chậm tiến độ, nhiều dự án bị chậm một, hai năm, thậm chí là ba năm. Sự chậm trễ này ảnh hưởng đến tình hình cung cấp của toàn bộ hệ thống điện quốc gia. Nếu chỉ bằng hình ảnh công trình thủy điện, công nhân đang làm việc,… thì khó hình dung được cụ thể vấn đề. Cùng với lời bình và phỏng vấn các nhân vật liên quan như đại diện Vụ Năng lượng – Bộ Công thương, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, đại diện tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, tác giả phân tích những vấn đề xung quanh « sự chậm tiến độ » các dự án.

Trong khâu xử lý hình ảnh, mảng kinh tế vốn khô khan về mặt hình ảnh. Dù có sáng tạo thêm bằng biểu đồ, đánh chữ, con số thống kê nhưng hình ảnh vẫn chỉ đạt được ở mức chung chung. Sau đây là phần thông tin được nhóm tác giả cung cấp thêm bằng lời bình. « Theo quy hoạch phát triển điện năng, dự kiến đến năm 2015 sản lượng điện cả nước phải đạt xấp xỉ 150 tỷ kWh để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Như vậy, mỗi năm phải bổ sung khoảng 4.000 MW công suất lắp đặt. Hiện việc phát triển điện vẫn chủ yếu dựa vào 3 nguồn chính: Vốn nhà nước, ngoài quốc doanh và đầu tư nước ngoài. Và vẫn thường thiếu bởi quy mô của các dự án điện thường từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đô la Mỹ….  Nhằm sớm hoàn thành quy hoạch điện 6 và tiến tới quy hoạch điện 7, Bộ Công thương đang tiếp tục rà soát và áp dụng nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề vốn,  giải phóng mặt bằng, đơn giản thủ tục đầu tư. Tuy nhiên bộ cũng khẳng định sẽ kiên quyết xử lý các nhà thầu thi công chậm tiến độ và loại bỏ các chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án ». Nếu không có phân tích của phóng viên thì công chúng không bao giờ biết được thực tế sâu xa của sự việc. Trong những trường hợp hình ảnh phóng sự không đủ sức chuyển tải như thế, lời bình chứa sức nặng thông tin rất lớn. Mặc dù hiện nay để hiện đại hóa ngôn ngữ truyền hình nhằm mang tới sự sinh động, hấp dẫn cho người xem, hệ thống kỹ xảo, đồ họa, âm thanh phụ trợ được khai thác tối đa nhưng cho dù là ấn tượng đến mấy thì tất cả sẽ chỉ dừng ở bề ngoài nếu không có phân tích, nhận định từ phóng viên.

Có thể thấy một điều, ngôn ngữ truyền hình tác động cùng một lúc đến thị giác và thính giác. Nếu chỉ bằng thị giác thì phóng sự phải có sự tối ưu về thông tin hình ảnh, không cần lời bình nhưng người xem hoàn toàn phải hiểu được tác giả muốn nói gì. Dù hình ảnh có được quay chân thực, góc quay đẹp đến mấy nhưng nếu không có lời bình thì đôi khi người xem cũng khó có thể xác định được cụ thể vấn đề, thậm chí phải đoán mò.      Hiện nay, truyền hình hiện đại đã tiến tới rút ngắn dần khoảng cách giữa phóng viên, nhân vật với công chúng bằng hình thức giao lưu trực tiếp. Các bản tin hiện nay có số lượng sử dụng phóng sự nhiều nhất, và hầu hết là các bản tin phát sóng trực tiếp, thông tin vì thế cũng mang tính nóng hổi hơn (mặc dù các phóng sự đã được khai thác ít lâu so với thời điểm lên hình). Chỉ tính riêng bản tin trên VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam, trong khung thời gian 24H/ ngày, các bản tin được phát sóng liên tục kể cả sau 24H, và được chia nhỏ ra thành các bản tin ở các lĩnh vực khác nhau như : thông tin nóng hổi nhất cho ngày mới ( Chào buổi sáng),  bản tin văn hóa (Điểm hẹn văn hóa), xã hội (Cuộc sống thường ngày), bản tin kinh tế tài chính,… các phóng sự thời sự giúp công chúng nhìn sâu hơn về vấn đề của lĩnh vực mình quan tâm.

Trong các bản tin thời sự VTV1 hiện nay chúng ta thấy sự xuất hiện của phóng viên hiện trường có vai trò bình luận, dẫn móc nối vấn đề tạo mạch tư duy xuyên suốt, thu hút người xem. Trên kênh truyền hình CNN, chương trình Developing Story, các vấn đề thời sự quốc tế được móc nối bởi người dẫn chương trình tại trường quay và các phóng viên hiện trường có mặt ở nhiều nước khác nhau. Họ bình luận trực tiếp, trong khi đó kỹ thuật ghi – phát hình giúp người xem thấy được hình ảnh tại hiện trường như thế nào. Với cách này, công chúng được xem song song hình ảnh sự kiện trực tiếp và được nghe – xem phóng viên bình luận trực tiếp, thông tin vì thế có tính xác thực cao. So với các loại hình báo chí khác, truyền hình đang thể hiện ưu thế hơn hẳn với hình ảnh, âm thanh, bình luận trực tiếp tại hiện trường. Công chúng ở một nơi có thể thấy được tại thời điểm này trên thế giới đang có sự kiện gì diễn ra. Tuy nhiên để có thể đạt được hiệu quả tối đa cho một sản phẩm truyền hình như thế rất cần có một ê kíp chuyên nghiệp từ phóng viên, biên tập, đạo diễn trường quay, quay phim, hệ thống máy móc hiện đại. Một phóng sự truyền hình hay, có ấn tượng, đương nhiên tác giả phải là người biết tạo ra sự khác biệt của riêng mình từ hình ảnh đến lời bình.

Lời bình tăng cường tính hấp dẫn cho phóng sự truyền hình

Vẫn biết rằng hình ảnh và âm thanh thực tế cuộc sống có sức hấp dẫn chân thực với người xem. Tuy nhiên nếu đưa thêm lời bình thì hình ảnh càng có thêm sức sống. Lời bình góp phần quan trọng để đẩy sự thật lên đến mức cao nhất trong cảm thụ của khán giả. Hiện nay hình ảnh trong phóng sự còn được bù đắp bằng ảnh tĩnh thay hình ảnh thực tế. Vì vậy nếu không có lời bình thì khán giả khó có thể hình dung được chủ ý của tác giả khi đưa ra bức ảnh đó. Vấn đề ở chỗ, lời bình đó phải hợp lý, ăn khớp với hình ảnh, không thừa, không thiếu, thậm chí từ ngữ phải đúng từng giây, từng frame hình ảnh thì hiệu quả đạt được càng tối đa.

Truyền hình hiện đại còn ghi dấu ấn phong cách cá nhân của phóng viên bằng yếu tố lời bình. Hay nói cách khác, lời bình là cách diễn đạt có định hướng nhận thức tư tưởng của phóng viên về thông tin sự kiện, với mục đích nâng tầm hình ảnh và cái tôi của tác giả. Xét theo đặc điểm của phóng sự, phóng sự sẽ hiệu quả hơn nếu sự kiện phản ánh có sự hiện diện của các phóng viên trực tiếp chứng kiến sự kiện, làm cho người tiếp nhận có cảm giác như đang cùng phóng viên chứng kiến sự kiện thật xảy ra. Và khi đó, bình luận, đánh giá của tác giả về sự kiện thể hiện bằng lời sẽ làm tăng tính hấp dẫn hơn.

Các tài liệu nghiên cứu về phóng sự truyền hình hầu như thiên về phân chia dạng bài, thể loại phóng sự và vẫn chú trọng khâu quay dựng hình ảnh, trong khi tài liệu nghiên cứu về tính hấp dẫn của lời bình phóng sự không nhiều, có chăng chỉ là sự tìm tòi sáng tạo của nhà báo trên cơ sở ngôn ngữ báo chí và hệ thống tiếng Việt phong phú. Các bài nghiên cứu gần đây cho thấy đa số các nhận định về lời bình đều được đúc kết từ thực tế trải nghiệm của tác giả. Trong bài: «Ngôn ngữ truyền hình», đăng trên báo điện tử VTC News (ngày 3/12/2010), nhà văn, nhà báo Khiếu Quang Bảo viết về yếu tố lời bình như sau : Đừng hiểu “lời” là để thuyết minh cho “hình ảnh”. Cao hơn, nó định hướng nhận thức cho người xem thông qua hình ảnh sự kiện. Thậm chí, lời bình đó tác động mạnh mẽ vào thính giác lấn át cả thị giác, đến nỗi người xem bỏ qua luôn đôi khi có sự vụng về của dựng hình. Lại thậm chí, lời bình có thể làm thay đổi hoàn toàn bản chất của sự kiện. Cũng chính phần lời của phim truyền hình khôn ngoan và sắc sảo nhường ấy, mà người xem có thể xác định đẳng cấp của phóng viên, của cây bút.

Người viết mạn phép phân chia sức hấp dẫn của lời bình theo hai loại: lời bình gián tiếp và lời bình trực tiếp. Sở dĩ phân chia như vậy là bởi báo chí truyền hình hiện đại đề cao tính trực tiếp khi bình luận, đưa tin về sự kiện của các nhà báo. Phóng sự thể hiện lời bình gián tiếp là các phóng sự sau khi quay xong đã được xử lý hậu kỳ và khi phát sóng có lời bình đọc kèm theo. Dạng phóng sự này hiện nay vẫn chiếm chủ đạo. Tuy nhiên ở các kênh truyền hình nổi tiếng thế giới như CNN, họ đã khai thác yếu tố bình luận trực tiếp cao hơn. Với sự tham gia trực tiếp của phóng viên hiện trường ở khắp nơi trên thế giới (như trên đã nêu). Khi thể hiện lời bình trực tiếp, phóng viên có ưu thế về quan điểm, cảm xúc, phong cách cá nhân, sự nổi bật, tính thuyết phục qua sắc thái biểu cảm là rõ ràng so với lời bình gián tiếp (công chúng chỉ thấy giọng đọc mà không biết là ai). Người xem như đang được lắng nghe, trò chuyện trực tiếp với phóng viên tại hiện trường. Sự đối diện này đương nhiên sẽ tạo ra tính hấp dẫn, nóng hổi, sự quan tâm với tác phẩm mà họ đang thực hiện.

Sự phân chia này dựa trên hình thức thể hiện làm tăng thêm tính hấp dẫn cho phóng sự, và không ảnh hưởng đến nội dung chính của lời bình, vì ngôn ngữ của lời bình phóng sự truyền hình là văn nói nên dù viết để đọc, viết để dẫn trực tiếp cũng không khác nhau là mấy. Sở dĩ công chúng thấy bình trực tiếp hấp dẫn hơn là nghe đọc lời bình vì hai điều: người đọc lời bình có thể không phải là người viết phóng sự đó nên sự truyền cảm không cao, còn người bình trực tiếp có cơ hội thể hiện bản thân vì đây là tác phẩm của anh (chị) ta. Để đạt được điều này, phóng viên phải có chuyên môn, kiến thức, bản lĩnh vững vàng và một ê kíp tốt hỗ trợ phía sau. Dù là lời bình gián tiếp hay trực tiếp, phóng viên vẫn mang đến cho công chúng cái nhìn sắc cạnh về mọi vấn đề.

Ngoài ra người thể hiện lời bình cũng phải biết cách đọc, nhấn nhá từng câu chữ với các thể loại tin, bài phản ánh khác nhau. Hiện nay, cách đọc phóng sự trung bình thường là 3 từ/ 1 giây hình hoặc 4 từ/ 1 giây hình. Căn cứ vào đó người viết lời bình có thể tự ước lượng mình nên viết bao nhiêu là vừa phải. Có những trường hợp, người xem rất tinh khi phát hiện ra sự không ăn khớp của một, hai từ trong lời bình với hình ảnh, vì vậy hình ảnh và lời bình trở nên vô duyên. Về điều này có thể do hai lí do, hoặc là từ ngữ trong lời bình chưa chuẩn xác, hoặc là cách đọc lời bình của phát thanh viên chưa đúng nhịp, đúng chỗ. Như vậy có thể thấy việc thể hiện lời bình để tăng sức hấp dẫn cho phóng sự quả thật không đơn giản. Công chúng khi nghe giọng đọc như « thêm phần cảm xúc » với tác phẩm đó và sự cảm thụ thông tin sẽ tốt hơn. Chẳng hạn như trong mục Hình ảnh ấn tượng được phát vào chủ nhật ngày 12/6/2011 trên kênh Sức khỏe O2TV – VCTV 10, truyền hình Cáp đài THVN có một tin đề là: Đẩy lùi ung thư bằng nụ cười. Nội dung như sau: « Người phụ nữ luôn tươi cười này…là một trong những bệnh nhân đã sống sót từ căn bệnh ung thư vú. Nhưng với bà, cuộc chiến vẫn chưa kết thúc, khi mà mỗi ngày có hàng trăm bệnh nhân ung thư khác, đang phải chết dần vì căn bệnh này. Nói về một căn bệnh khó nói, bằng ngôn ngữ hài hước. Nghĩ về căn bệnh chết người, bằng suy nghĩ lạc quan… Bệnh ung thư sẽ không đồng nghĩa với cái chết. Đó là bí quyết để người nghệ sỹ này chữa trị căn bệnh của mình. Và cũng là cách mỗi ngày bà truyền lại cho những người phụ nữ đang phải sống với căn bệnh ung thư… » Với nội dung mang tính nhân văn này nếu đọc bằng giọng thời sự chính luận sẽ làm giảm đi cái hay của ngôn ngữ và cũng không làm người đọc rung động bằng giọng đọc truyền cảm có nhấn, nghỉ trong câu chữ, qua đó hình ảnh mới thực sự trở nên ấn tượng.

Lời bình yêu cầu tác giả phải là người nhạy cảm với thông tin sự kiện, ngôn ngữ phong phú, hành văn chuẩn để diễn đạt thông tin sao cho chân thực, hay, không chệch, góp phần cho truyền hình luôn có sức hấp dẫn công chúng đặc biệt so với với các loại hình báo chí truyền thống nói chung. 

TS Trần Tiến – Phó hiệu trưởng Trường CĐTH

Facebook Comments