Nhà biên kịch Nguyễn Hậu: Trong lịch sử Điện ảnh Cách mạng Việt Nam, Trần Vũ luôn luôn được coi như một trong những đạo diễn tài năng, có phong cách riêng và đã đóng góp một phần nhất định vào sự phát triển của điện ảnh nước nhà. Ông là tác giả hoặc đồng tác giả từ kịch bản đến đạo diễn của hàng loạt bộ phim từng được đông đảo người xem mến mộ như: Con chim vành khuyên, Đi bước nữa, Chuyện vợ chồng anh Lực, Khói, Đến hẹn lại lên, Chuyến xe bão táp, v.v…
Bài viết này đã được đăng trong cuốn sách Nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam của Trung tâm nghiên cứu nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh Việt nam, xuất bản năm 2003).
Họ và tên khai sinh: NGUYỄN VĂN PHÚ
Bút danh khác: Mặc Túy
Ngày sinh: 07-11-1925
Quê quán: Thành phố Nam Định
Trường lớp nghệ thuật: Lớp Đạo diễn điện ảnh Khóa I (1959-1964), Trường Điện ảnh Việt Nam.
Những bộ phim tiêu biểu:
- Con chim vành khuyên (1962) đồng đạo diễn với Nguyễn Văn Thông, Giải đặc biệt dành cho phim ngắn của Ban Giám khảo Liên hoan phim quốc tế Cáclôvy Vary (Tiệp Khắc) năm 196; Giải Bông sen Vàng công bố tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ II, 1973.
- Chuyện vợ chồng anh Lực, Giải Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ II, năm 1973.
- Đến hẹn lại lên (1974), Giải chính tại Liên hoan phim quốc tế Cáclôvy Vary (Tiệp Khắc), năm 1976; Giải Bông sen Vàng, LHP Việt Nam lần thứ III, năm 1975; Giải Đạo diễn khá nhất cũng tại LHP nói trên.
- Chuyến xe bão táp (1977), Giải Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ IV, năm 1977; Giải Kịch bản cho Bành Bảo và Trần Vũ cũng tại LHP nói trên.
- Những người đã gặp (1979), Giải Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ V, 1980
và một số phim khác như Anh và Em, Những mảnh đời rừng (hợp tác với CHDC Đức, 1986), v.v…
Danh hiệu: Nghệ sĩ Nhân dân.
Trong lịch sử Điện ảnh Cách mạng Việt Nam, Trần Vũ luôn luôn được coi như một trong những đạo diễn tài năng, có phong cách riêng và đã đóng góp một phần nhất định vào sự phát triển của điện ảnh nước nhà. Ông là tác giả hoặc đồng tác giả từ kịch bản đến đạo diễn của hàng loạt bộ phim từng được đông đảo người xem mến mộ như: Con chim vành khuyên, Đi bước nữa, Chuyện vợ chồng anh Lực, Khói, Đến hẹn lại lên, Chuyến xe bão táp, v.v… Trong đó có những phim được giải thưởng cao tại các LHP trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, khác hẳn với nhiều người trong giới, con đường đưa Trần Vũ đến với điện ảnh không dễ dàng, bằng phẳng một chút nào.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình công chức bưu điện ở Nam Định, anh thanh niên Nguyễn Văn Phú từng có rất nhiều mơ ước. Sau khi bỏ dở tú tài, dù đã có lúc tưởng như sẽ trở thành “cậu giáo” cho đồng bào dân tộc Trại ở Bắc Giang nhưng do quá nhiều khó khăn ách tắc thời ấy, “cậu tú” chán nản, quay về Hưng Yên tham gia công tác Việt Minh, để rồi từ đó, cuộc đời của Trần Vũ rẽ sang hướng khác mà chính anh cũng không ngờ.
Cách mạng tháng Tám thành công, Trần Vũ được cử đi học Trường Quân chính, sau đó về Trung đoàn 354 ở Nam Định. Ông đã kinh qua nhiều công việc khác nhau, từ bí thư của tiểu đoàn, phụ trách văn công, làm tuyên huấn v.v…, công việc nào cũng làm tròn. Nhưng là người mẫn cảm, từ lâu Trần Vũ đã mong ước đến một lúc nào đó được chuyển ngành, đi học và làm điện ảnh. Bởi vì ông cảm thấy đấy là một loại hình nghệ thuật mới mẻ, có sức hấp dẫn vô cùng mạnh mẽ.
Tuy vậy, phải mãi đến năm 1957, Trần Vũ mới được chuyển vể Bộ Văn hóa. Đây chính là thời điểm miền Bắc xây dựng những xưởng phim đầu tiên. Phạm Văn Khoa, người lãnh đạo điện ảnh lúc bấy giờ đồng ý nhận Trần Vũ về làm việc ở Xưởng phim, nhưng rồi công việc không thành. Trần Vũ đành chấp nhận về làm báo điện ảnh và sau đó, cùng với Cao Nhị, Trung Sơn, Vũ Quý Biền… ông đã góp phần cho ra đời số báo điện ảnh đầu tiên.
Năm 1959, Trường Điện ảnh Việt Nam mở lớp đào tạo đạo diễn đầu tiên dưới sự hướng dẫn, giảng dạy của chuyên gia Liên Xô Ajda Ibraghimốp. Theo quy định lúc bấy giờ, những cán bộ nào đang công tác tại các Xưởng phim hoặc phục vụ trong quân đội đều được miễn khâu thi tuyển. Vì vậy, Trần Vũ nằm trong số những người phải thi, như Huy Thành, Lê Bá Huyến, Nông Ích Đạt v.v… Sau hàng giờ tranh luận với thầy qua phiên dịch, anh cựu chính trị viên văn công Sư đoàn 312 rời khỏi phòng thi trước cái nhìn băn khoăn, lo lắng của bạn bè. Nhưng trái ngược với sự lo lắng ấy, Trần Vũ đã trúng tuyển. Những ngày tháng học hành vất vả tưởng chừng như vô tận rồi cũng qua đi. Đến một lúc nào đó, cùng với các học viên khác Trần Vũ cũng phải chuẩn bị cho việc làm phim tốt nghiệp.
Cả lớp, gần như mỗi người đều chọn cho mình một đề tài, viết thành kịch bản, nhưng chỉ một số ít được chọn làm phim. Kịch bản Trăng đêm mưa của Trần Vũ không được duyệt. Trong khi đó, nhà trường lại quy định, ai có kịch bản phim được thông qua, người ấy sẽ đứng ra đạo diễn.
Trần Vũ, sau những ngày chờ việc, cuối cùng được giao làm phó cho Nguyễn Văn Thông, tác giả của Câu chuyện một bài ca nổi tiếng viết về kỷ niệm thời chống Pháp. Dựa trên cơ sở truyện ngắn này, Nguyễn Văn Thông đã viết thành kịch bản phim với tên gọi ban đầu là Cô lái đò, để rồi qua nhiều lần sửa chữa, thay đổi và thêm bớt, đã trở thành Con chim vành khuyên, một trong những bộ phim tiêu biểu của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam.
Phim được quay ở Thanh Hóa, nơi có bối cảnh gần giống như trong kịch bản, với các diễn viên như Tư Bửu, Tố Uyên, Thúy Vinh… Nhiều năm đã trôi qua nhưng Trần Vũ vẫn nhớ lần đầu tiên những người đi chọn diễn viên vào vai bé Nga đã gặp Tố Uyên như thế nào. Cô bé hiếu động bị gia đình “nhốt” ở trong nhà đã phải đưa chìa khóa qua cửa để cho các vị khách mở cửa giúp mình. Ngay lập tức, Trần Vũ thốt lên trong đầu: “Bé Nga đây rồi!”.
Quả thật, Tố Uyên đã không phụ lòng tin của các tác giả bộ phim. Vai diễn đầu tiên ấy của cô trên màn ảnh đã để lại một dấu ấn không bao giờ phai nhạt trong tâm trí người xem về một cô bé hồn nhiên, trong sáng đã hy sinh cuộc đời mình cho cách mạng. Hình ảnh cảm động nhất trong phim là khi Tố Uyên diễn tả bé Nga trước khi lìa đời, vẫn kịp tháo chiếc kim băng cài túi áo, thả con chim vành khuyên nhỏ bé bay đi… Bộ phim kết thúc với âm hưởng thật bi tráng và xúc động.
Trong suốt quá trình làm phim, mọi người đã gắn bó với nhau, làm việc hết mình. Tất cả đều rất say mê, chẳng ai suy tính riêng tư. Phim làm xong, chiếu duyệt, được các cơ quan có thẩm quyền tỏ ý tán thành. Còn chuyên gia Ibraghimốp sau khi về nước nghỉ hè sang, xem phim xong đã gọi điện ngay cho Nguyễn Văn Thông và Trần Vũ để chúc mừng, nhưng rất tiếc cả hai đều đi công tác vắng.
Con chim vành khuyên được đi dự liên hoan phim ở Cáclôvy Vary (Tiệp Khắc) năm 1962. Bè bạn nước ngoài ngạc nhiên, thú vị về phong cảnh, đất nước, con người Việt Nam ở trong phim và thực sự xúc động bởi ý nghĩa nhân văn của nó. “Thật là tuyệt vời!”, “Một bộ phim đầy chất thơ!”. Người ta đã kêu lên như thế với sự trầm trồ thán phục. Con chim vành khuyên đã trở thành một trong những bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh Việt Nam đoạt giải Liên hoan phim Quốc tế, để rồi mười một năm sau, tại LHP Việt Nam lần thứ II, nó được trao tặng giải Bông sen Vàng.
Từ Cáclôvy Vary trở về, đạo diễn Nguyễn Văn Thông rất vui khi thấy Trần Vũ có mặt trong số những người ra đón ông tại ga Hàng Cỏ. Họ ôm chầm lấy nhau và Nguyễn Văn Thông chỉ cho Trần Vũ xem chiếc cúp có dòng tên của hai người được đặt ngang hàng. Đây là một cử chỉ đầy trân trọng mà Nguyễn Văn Thông dành cho người đồng sự, đồng tác giả của ông.
Cho đến bây giờ, mỗi khi xem lại Con chim vành khuyên, có lẽ nhiều người trong chúng ta vẫn không khỏi bồi hồi xúc động trước câu chuyện giản dị, trong sáng và chất thơ bàng bạc tỏa ra từ đầu đến cuối bộ phim. Rõ ràng là tác giả đã biết cách kể lại câu chuyện ấy thông qua hình tượng cha con ông lái đò trong bối cảnh làng quê Việt Nam kháng chiến. Thanh bình đấy, nhưng lại đầy ác liệt; thơ mộng đấy, nhưng ẩn chứa nhiều hiểm nguy. Chất bi tráng hòa quyện với tính lãng mạn cách mạng đã dẫn tới kết thúc tất yếu của bộ phim: bé Nga hy sinh, nhưng cuộc sống thì tồn tại, và linh hồn em dường như hóa thân vào con chim vành khuyên bé nhỏ, bay lên… Bộ phim gần như đã trở thành mẫu mực về công tác diễn viên, nguyên tắc tạo hình, thủ pháp dựng phim và cả lối dẫn chuyện (lời nói sau khuôn hình), tiết chế nhưng hiệu quả; góp phần làm cho ý nghĩa của câu chuyện trở nên lắng đọng rất sâu. Và ống kính tài hoa của nhà quay phim Nguyễn Đăng Bảy cũng đã đóng một vai trò quan trọng vào thành công của bộ phim này. Có thể nói, trước Con chim vành khuyên, làng quê, bến nước, con đò của Việt Nam chưa bao giờ hiện ra đẹp đẽ và thân thương như thế.
Sau Con chim vành khuyên, Trần Vũ làm phó đạo diễn cho Mai Lộc trong bộ phim Đi bước nữa dựa theo truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Thế Phương. Quá trình làm phim với Mai Lộc đã cung cấp thêm cho Trần Vũ ít nhiều kinh nghiệm để rồi năm sau (1965) ông bắt tay vào xây dựng Làng nổi với tư cách đạo diễn chính, Huy Thành là tác giả kịch bản kiêm đồng đạo diễn. Từ câu chuyện có thật về nữ anh hùng lao động Phạm Thị Vách, các tác giả bộ phim đã xây dựng khá thành công nhân vật Ngát trong cuộc đấu tranh chống lại thiên nhiên, cải tạo ruộng đất quê hương, góp phần đem lại cuộc sống ấm no cho mọi người. Thông qua mâu thuẫn giữa bố và con, Huy Thành và Trần Vũ đã cho thấy được những mâu thuẫn giữa cái tiến bộ và lạc hậu, giữa cái mới và sự bảo thủ trì trệ, nhưng không lộ liễu và áp đặt một chiều. Các diễn viên Tư Bửu, Minh Nguyệt, Phi Nga… và nhà quay phim Nguyễn Đăng Bảy đã góp phần đem lại cho Làng nổi Bằng khen tại LHP Việt Nam lần thứ I, năm 1970.
Với trách nhiệm công dân và ý thức của người nghệ sĩ, năm 1967, Trần Vũ cùng Nguyễn Thụ đã viết kịch bản và làm phim Khói, dựa theo truyện ngắn cùng tên của Anh Đức. Thông qua bộ phim, các tác giả muốn bày tỏ tình cảm và lòng ngưỡng mộ của mình với đồng bào miền Nam đang chiến đấu đồng thời ca ngợi tình đoàn kết quân dân – một trong những yếu tố giúp chúng ta làm nên chiến thắng vẻ vang, đó cũng chính là sức mạnh mà không kẻ thù nào có thể vượt qua.
Tuy nhiên, phải đến bốn năm sau, với bộ phim Chuyện vợ chồng anh Lực, Trần Vũ mới thực sự khẳng định vị trí của ông trong điện ảnh. Từ kịch bản do nhà văn Vũ Lê Mai viết, Trần Vũ đã bàn bạc, trao đổi và cùng biên kịch bổ sung thêm những chi tiết mới, làm cho hình tượng nhân vật dày dặn, phong phú hơn lên và câu chuyện, cũng nhờ thế, có sức thuyết phục hơn.
Ai cũng biết rằng, xây dựng nhân vật chính diện bao giờ cũng khó, và lại càng khó hơn nếu đem đặt họ trong cuộc đấu tranh chống lại cái xấu và lạc hậu. Chỉ cần non tay một chút, các tác giả sẽ rơi vào tình trạng công thức, minh họa cho một ý đồ có sẵn, gây nên sự nhàm chán cho người xem. May mắn thay, Trần Vũ đã tránh được nhược điểm này. Các nhân vật như Hương, anh Lực, ông Củng… trong phim không những đại diện cho số đông ở ngoài đời mà còn có cái gì đó thật sự là của riêng họ. Vì thế, những người xem trong buổi chiếu ra mắt đã vỗ tay hoan hô bộ phim Chuyện vợ chồng anh Lực. Hai năm sau, tại LHP Việt Nam lần thứ II, Vũ Lê Mai và Trần Vũ đã giật giải Bông sen Vàng. Tuệ Minh, Trần Vũ và Vũ Lê Mai đã được biểu dương ở Liên hoan.
Để có được thành công như thế, Trần Vũ luôn luôn cho rằng cần phải “gạn đục khơi trong”, tìm những cái hay trong kịch bản, phát huy nó lên và khắc phục những khiếm khuyết nếu có. Ông cũng hiểu, đạo diễn cho dù tài năng đến mấy thì cũng vẫn chỉ bắt đầu quá trình sáng tạo của anh ta sau khi đã có kịch bản văn học điện ảnh trong tay. Anh ta chính là người thể hiện và dàn dựng, cụ thể hóa ý đồ sáng tạo của nhà biên kịch. Một yếu tố quan trọng hàng đầu của mỗi bộ phim chính là vấn đề do nó đặt ra. Tuy vậy, do trình độ, khả năng, vốn sống… rất khác nhau, nên mỗi đạo diễn lại cảm nhận, nắm bắt và giải mã ý tứ kịch bản ấy theo cách của riêng mình. Vì vậy, nếu cho nhiều đạo diễn độc lập làm phim theo đúng chỉ một kịch bản thôi, thì kết quả cũng vẫn sẽ có những bộ phim khác hẳn nhau; tùy theo tài năng và tay nghề của từng đạo diễn.
Năm 1974 đánh dấu một giai đoạn mới trong lao động nghệ thuật của đạo diễn Trần Vũ, với sự hợp tác của nhà biên kịch Bành Bảo. Ít người biết được rằng Đến hẹn lại lên được manh nha hình thành ý tưởng từ một bộ phim tài liệu, và lẽ ra do Bắc Sơn làm đạo diễn. Đã có nhiều ý kiến trao đổi ở các cấp có liên quan, cuối cùng, phương án phim truyện được chấp nhận, và kịch bản do Bành Bảo viết cùng với Vương Đan Hoàn. Thông qua một mối tình éo le, dang dở tại vùng quê Kinh Bắc, nơi có những làn điệu dân ca nổi tiếng, các tác giả đã khéo léo gài vào đó tư tưởng: chỉ có đi theo Cách mạng, tình yêu và nghệ thuật mới được giải phóng và phát triển. Có lẽ đây cũng chính là suy nghĩ của bản thân Trần Vũ, bởi vì ông luôn cho rằng nhờ có Cách mạng, ông mới trở thành đạo diễn điện ảnh – một công việc mà ông khát khao mơ ước đã từ lâu, và vì nó, ông sẵn sàng cống hiến tất cả.
Một trong những cái khó của Đến hẹn lại lên là làm thế nào cho có chuyện, và cho dù nói về những “liền anh liền chị” dân ca quan họ Bắc Ninh thì bộ phim tương lai cũng vẫn không được biến thành “phim ca nhạc”. Mặt khác, Đến hẹn lại lên không đi theo hướng “mêlô”, mà tình yêu trắc trở của các nhân vật chính phải được đặt trên nền bối cảnh xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945, khiến cho ý nghĩa của câu chuyện được mở rộng ra và có sức nặng hơn.
Truyện phim Đến hẹn lại lên được mở ra từ cuộc gặp gỡ bất ngờ tại Trường Sơn, giữa ba người đứng tuổi là Nết, nữ nghệ sĩ dân ca quan họ đi biểu diễn phục vụ chiến trường, với Chi và An, hai cán bộ quân giải phóng. Họ mừng mừng, tủi tủi, nhớ lại câu chuyện hơn hai mươi năm về trước…
Nết và Chi quen biết nhau qua những lần đi hát hội Lim và đã đem lòng yêu thương, cảm mến nhau. Nhưng cả hai đều quá nghèo, nên chưa thể nào thành vợ thành chồng. Rồi đến dịp hội xuân, Bình – gã con nhà giàu, anh trai của An đã tìm cách chiếm đoạt cô gái quan họ xinh đẹp. Hắn bày mưu tính kế với bà chị Tư Nhung, vu khống cho Chi làm Cộng sản. Mặt khác, Tư Nhung còn lợi dụng sự cả tin của ông cậu ruột Nết đẩy cô vào thế đường cùng.
Chi bị bắt nhưng sau đó, nhờ sự giúp đỡ của mọi người, đã trốn thoát. Anh rủ Nết cùng đi, nhưng lúc đó bà cụ thân sinh của cô đang ốm nặng nên cô không thể nào thuận theo anh được. Vì thương cháu, ông cậu của Nết cố dàn xếp để cô nhận lời lấy Bình, vừa để có chốn an nhàn, vừa có tiền chạy chữa, thuốc thang cho bà cụ. Đám cưới chạy tang diễn ra đúng lúc bà mẹ của cô dâu vừa qua đời. Nết như người mất hồn vì nỗi đau thương quá lớn, bị kéo theo đám đưa dâu, nhưng cô đã kịp thời bỏ trốn ngay khi vừa tới nhà chồng.
Cách mạng tháng Tám bùng nổ. Chi trở thành cán bộ, lãnh đạo dân làng vùng lên cướp chính quyền. Rồi kháng chiến, Chi lại cùng với An có mặt trong đoàn quân Nam tiến…
Vai Nết lúc trẻ được giao cho Như Quỳnh trong lúc cô đang phải đóng phim cho đạo diễn Trần Đắc. Còn Nết hơn hai mươi năm sau, đoàn làm phim phải nhờ cậy đến Kim Xuân (mẹ của Như Quỳnh) – người đã từng tham gia đóng phim Kiếp hoa từ năm 1953. “Cũng chẳng biết làm thế nào được vì nghệ thuật hóa trang của ta không đủ khả năng biến Như Quỳnh bỗng chốc trở thành một phụ nữ tuổi ngoại tứ tuần”, Trần Vũ cho biết. Và cũng chỉ vì điều kiện kỹ thuật thiếu thốn mà trong khi cơn lốc cuốn những dải lụa trên bờ đê rối tung như nỗi lòng của Nết, thì những hàng cây ở hậu cảnh của phim vẫn đứng im phăng phắc.
Cũng giống như mấy bộ phim trước của Trần Vũ, phần hình ảnh trong Đến hẹn lại lên vẫn do Nguyễn Đăng Bảy thực hiện. Người xem thật khó có thể quên hình ảnh hội làng, giếng nước; cảnh Chi và Nết gặp gỡ trong đêm và những ngọn đuốc chạy dài, đầy vẻ ma quái; hình ảnh Nết lả đi trong đám cưới chạy tang, bị người nhà của Bình lôi xềnh xệch; chi tiết Bình nhẹ nhàng bẻ cành hoa ở trong lọ và gương mặt thảng thốt, ánh mắt hoảng loạn của Nết khi cô bừng tỉnh, nhận ra mình đang ở nơi nào… Có thể thấy Trần Vũ đã cẩn thận, lao tâm khổ trí, tính toán, chăm chút cho từng khuôn hình một.
Đến hẹn lại lên đã thật sự gây được tiếng vang, chiếm được cảm tình của rất nhiều người và vượt qua biên giới đến các nước anh em. Tại LHP Việt Nam lần thứ III (năm 1975), phim đã giành được giải Bông sen Vàng. Như Quỳnh đăng quang với giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất. Hai giải đạo diễn và quay phim được trao cho Trần Vũ và Nguyễn Đăng Bảy. Một năm sau, Đến hẹn lại lên vinh dự được nhận Giải thưởng chính tại LHP Quốc tế Cáclôvy Vary, 1976. Cũng từ đó, tên phim đã trở thành cụm danh từ chung, câu nói cửa miệng của rất nhiều người, để chỉ nhiều sự việc. Nhưng điều quan trọng hơn, Đến hẹn lại lên chính là sự mở đầu tốt đẹp trong mối quan hệ rất có hiệu quả giữa Bành Bảo và Trần Vũ cho những năm tháng sau này.
( Còn tiếp)
Nguyễn Hậu
Facebook Comments