Trần Vũ – những bước đi không mỏi ( Kỳ cuối)

Nhà biên kịch Nguyễn Hậu: Trong lịch sử Điện ảnh Cách mạng Việt Nam, Trần Vũ luôn luôn được coi như một trong những đạo diễn tài năng, có phong cách riêng và đã đóng góp một phần nhất định vào sự phát triển của điện ảnh nước nhà. Ông là tác giả hoặc đồng tác giả từ kịch bản đến đạo diễn của hàng loạt bộ phim từng được đông đảo người xem mến mộ như: Con chim vành khuyên, Đi bước nữa, Chuyện vợ chồng anh Lực, Khói, Đến hẹn lại lên, Chuyến xe bão táp, v.v…

Bài viết này đã được  đăng trong cuốn sách  Nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam của Trung tâm nghiên cứu nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh Việt nam, xuất bản năm 2003).

Chân dung đạo diễn Trần Vũ

Khó ai có thể biết được đã bao nhiêu lần, đôi bạn tâm đầu ý hợp này tranh cãi, bàn luận trước khi kịch bản của họ được thực hiện thành phim. Cũng không thể nhớ hết, bao nhiêu lần họ tiễn chân nhau từ phố Trần Quốc Toản về Bùi Thị Xuân hay ngược lại, vì mãi, câu chuyện vẫn chưa dứt được. Đến nỗi, hơn một lần, Bành Bảo hoặc Trần Vũ hoặc cả hai cùng thốt lên: “Thôi chết, khuya quá mất rồi!” và chỉ lúc đó họ mới chịu ai về nhà nấy. Dần dà, điều ấy đã trở thành thói quen trong quá trình làm việc của hai người; có lẽ vì họ hiểu rằng mối quan hệ giữa biên kịch và đạo diễn cần phải được xây dựng trên cơ sở đồng cảm, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau đến mức tối đa.

Ba năm sau Đến hẹn lại lên, Bành Bảo và Trần Vũ lại đứng tên đồng tác giả kịch bản Chuyến xe bão táp để trên cơ sở đó, Trần Vũ xây dựng thành bộ phim có thể coi như thuộc loại “chống tiêu cực” đầu tiên của Việt Nam. Cái độc đáo của phim này là câu chuyện xảy ra chỉ trên một chuyến xe chở khách, kể từ khi mọi người chen chúc xếp hàng mua vé cho đến sáng hôm sau, khi xe về đến bến, qua bao nhiêu biến cố dọc đường. Tham gia đóng phim, bên cạnh những diễn viên kỳ cựu như Trịnh Thịnh, Mai Châu… là hai gương mặt mới: Vũ Đình Thân và Thanh Quý thuộc lớp diễn viên điện ảnh khóa II (1973-1977). Đặc biệt, qua chỉ đạo diễn xuất của Trần Vũ, anh lái xe thật ở ngoài đời của công ty xe khách đã vào vai ông “tài xế tiêu cực” một cách suôn sẻ.

Phim Chuyến xe bão táp thu hút được sự chú ý trong dư luận xã hội, với những cách đánh giá khác nhau. Nhưng giải Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ IV, năm 1977 đã khẳng định sự thành công của bộ phim, và giải Kịch bản khá nhất thuộc về Bành Bảo – Trần Vũ. Thanh Quý được biểu dương về diễn xuất trong vai Vân và được tằng Bằng khen của Hội Điện ảnh Việt Nam tại LHP này. Đến đây, thiết tưởng cũng nên mở ngoặc nói thêm đôi chút là lẽ ra, Chuyến xe bão táp có thể còn được đánh giá cao hơn nhưng trong bối cảnh đất nước vừa mới hòa bình thống nhất, đề tài chiến tranh và cách mạng được chú ý hơn. Vì vậy, Bông sen Vàng lần ấy đã được trao cho phim khác.

Nhớ lại quá trình thực hiện Chuyến xe bão táp, Trần Vũ không khỏi tiếc cho một tình huống bất ngờ. Số là, theo kịch bản, có một cháu bé trên xe bị sốt. Bí quá, không biết làm thế nào, ông Bình (Trịnh Thịnh đóng) phải xuống xe cùng với Sơn (Vũ Đình Thân) tìm cách đưa cháu đi bệnh viện. Thấy một đoàn tàu từ xa lao tới, ông Bình bối rối, vẫy đại đoàn tàu ấy. Và điều kỳ diệu đã xảy ra: đoàn tàu giảm tốc độ, từ từ dừng lại. Người lái tàu lo lắng hỏi Trịnh Thịnh xem có chuyện gì. Chỉ đến lúc biết rằng đó là cảnh diễn của đoàn làm phim ông ta mới cho tàu chạy tiếp. “Dại quá, giá lúc ấy mình cứ cho bấm máy ghi lấy hình ảnh đoàn tài dừng lại thật, rồi sửa kịch bản sau thì có khi lại còn hay hơn”, Trần Vũ nói. Vâng, đúng như thế thật, vì theo nguyên tắc, tàu hỏa có được phép dừng lại giữa đường bao giờ. Phải có tấm lòng thương yêu, quan tâm đến đồng loại, người lái tàu mới có hành động cao đẹp như thế!

Thành công của Chuyến xe bão táp đã khuyến khích Bành Bảo viết tiếp Những người đã gặp, được coi như phần thứ hai của bộ phim trên. Nhờ vậy, người xem được gặp lại Sơn và Vân, hai nhân vật chính trong Chuyến xe bão táp, lúc họ phải đối mặt với những vấn đề phức tạp để có thể vào đại học… Và một trong những cái hay của các tác giả bộ phim là ở chỗ, cho đến nay, những vấn đề được đặt ra ở trong phim vẫn còn giữ nguyên giá trị thời sự nóng hổi. Cũng qua bộ phim này, Trần Vũ lại có thêm một Bông sen Vàng; Bành Bảo nhận giải Biên kịch và Trần Trung Nhàn giải Quay phim LHP Việt Nam lần thứ V, năm 1980.

Rồi Trần Vũ và Bành Bảo được giao nhiệm vụ phụ trách Xưởng làm phim III, Xí nghiệp phim truyện Việt Nam (sau này là Hãng). Công việc bận rộn hơn và ít thời gian làm phim hơn. Nhưng bù lại, Trần Vũ có niềm vui là giúp những anh chị em trẻ mới vào nghề được nhiều hơn. Ông cũng thường phải đi công tác và đôi lúc còn tham gia giảng dạy.

Trần Vũ và Bành Bảo cùng với các bạn người Đức làm phim hợp tác đầu tiên và cũng là cuối cùng giữa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Đức. Kịch bản có tên gọi Ngọn tháp Hà Nội, nói về tình cảm của nhân dân Việt Nam đối với những hàng binh người Đức trong quân đội Pháp. Không ít người trong số họ đã đứng vào đội ngũ của chúng ta, chống lại cuộc chiến tranh do Pháp gây ra. Tình bạn, tình yêu, tình hữu nghị… tạo nên ẩm hưởng chủ đạo cho bộ phim sau này được biết đến với cái tên Những mảnh đời rừng.

Xen giữa quá trình làm phim hợp tác, Trần Vũ còn thực hiện phim Anh và em (biên kịch Dương Thu Hương). Đó là câu chuyện của người còn sống đối với người đã chết, một trong những vấn đề gay gắt, tồn tại sau cuộc chiến tranh đằng đẵng hàng chục năm trời. Qua đó, Trần Vũ muốn đưa ra một cách nhìn nhận, đánh giá về thái độ quan tâm đối với những người đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc; lên án sự thờ ơ, coi trọng sức mạnh đồng tiền của một số kẻ vô ơn, bỏ qua những giá trị đạo lý và tinh thần của con người.

Khác với kịch bản văn học ban đầu, Trần Vũ đã thêm bớt, thay đổi một số tình huống và chi tiết, đặc biệt là phần kết. Nếu như trong kịch bản, hài cốt của người hy sinh được đem về thành phố, thì trong phim, anh vẫn nằm lại đó, với những đồng chí, đồng đội của mình, như những ngày họ kề vai sát cánh chiến đấu bên nhau, và hiến dâng cả tuổi xuân của mình cho đất nước.

Có người hỏi tại sao lại làm như thế thì Trần Vũ nửa đùa nửa thật mỉm cười: “Thế mới là phim của tôi, nếu không thì đã là phim của người khác mất rồi!”.

Đó cũng là phim cuối cùng của Trần Vũ thời bao cấp, sau đó ít lâu, ông nhận quyết định về hưu.

Nhìn lại những chặng đường đã qua, Trần Vũ không vui mà cũng chẳng buồn. Với thái độ tỉnh táo và khách quan với chính mình, ông cho rằng ông đã làm được những gì cần thiết và có thể. Còn đánh giá điều đó như thế nào thì công việc ấy lại thuộc về người khác. Tuy nhiên, không phải không có lúc Trần Vũ băn khoăn, cho rằng mình đã chọn nhầm nghề. Bởi vì trước khi đến với điện ảnh, sở trường của Trần Vũ là dựng kịch, vẽ tranh, viết báo và đã có thời, ông làm thơ với bút danh Mặc Túy. Rõ ràng là so với điện ảnh, những công việc trên tỏ ra độc lập hơn nhiều, thậm chí hầu như không có sự phụ thuộc vào nhau; tất cả đều “tự mình” quyết định. Nhưng dù sao, với Trần Vũ, điện ảnh vẫn cứ là một niềm say mê lớn mà ông theo đuổi đến trọn đời.

Gia đình đạo diễn Trần Vũ

Nhà biên kịch Bành Bảo kể:

– Tôi quen Trần Vũ từ hồi kháng chiến, ở lớp báo Huỳnh Thúc Kháng, năm 1949. Chúng tôi nói chuyện với nhau, thấy hợp, trở thành bạn thân, gắn bó với nhau hàng chục năm trời. Ông ấy thông minh, giỏi tiếng Pháp, am hiểu sâu về văn học nghệ thuật và cực kỳ cẩn thận trong công việc.

Nếu như các nhà lý luận phê bình điện ảnh có thể đưa ra những cách đánh giá khác nhau về phong cách làm phim của Trần Vũ thì người xem lại nhận thấy dường như ông không hề “đao to búa lớn” bao giờ. Có cảm giác nhà đạo diễn chỉ muốn thông qua những cốt truyện giản dị, với những thân phận con người cụ thể được đặt trên một cái nền bối cảnh xã hội nhất định mà hành động, yêu thương, đấu tranh, căm giận lẫn nhau… Qua đó, ông gợi ra, nhắn gửi một điều gì đấy tới người xem. Và phim nào của Trần Vũ cũng đều bảng lảng một chất thơ dung dị rất đời thường, từ trong ý tứ, chi tiết đến bố cụ khuôn hình, ánh sáng v.v… Ngôn ngữ điện ảnh của ông là thứ ngôn ngữ trẻ trung, hài hước đầy thú vị.

Đã có người gọi phong cách sáng tác của Trần Vũ là phong cách hiện thực tâm lý.

Có sinh viên lý luận phê bình điện ảnh chọn đề tài nghiên cứu về ông làm luận văn tốt nghiệp.

Và không hẳn ngẫu nhiên mà Trần Vũ là một trong số ít các đạo diễn điện ảnh Việt Nam có tên trong từ điển điện ảnh nước ngoài. Ông cũng là người Việt Nam duy nhất được mời tham gia Ban giám khảo phim truyện tại LHP quốc tế Mátxcơva mùa hè năm 1979.

Giai đoạn thứ ba trong cuộc đời sáng tạo của Trần Vũ, nếu có thể gọi được như thế, lại bắt đầu sau khi ông đã về hưu. Đó chính là lúc mà điện ảnh của ta không còn được bao cấp như trước và phim video “mì ăn liền”, phim “ăn khách” được tự do phát triển.

Với Trần Vũ, gần như vẫn chẳng có gì khác biệt. Nếu có chăng, chỉ là ở chỗ, thay vì chờ được giao phim thì nay ông phải tự mình xoay xở lấy. Từ video đến phim nhựa, từ gia công đến đặt hàng. Với đủ các tư cách như đạo diễn, đồng đạo diễn, cố vấn hay biên tập… Có thể kể ra một số phim như Lan và Điệp, Tiền ơi!, Giọt lệ Hạ Long, Tình yêu thời siđa… và gần đây nhất là Những ngày tháng đẹp. Qua những bộ phim này, có thể thấy Trần Vũ đã cố gắng “cách tân”, tự đổi mới mình, để tác phẩm của ông đến được với nhiều người hơn.

Tất nhiên, thay đổi phong cách sáng tác đâu phải chuyện giản đơn, nhất là khi phong cách ấy đã trở thành máu thịt của mỗi người. Nhưng Trần Vũ đã làm được điều đó. Phải xem những phim có Trần Vũ tham gia thực hiện hay do chính ông đạo diễn trong những năm gần đây mới biết ông đã băn khoăn, trăn trở đến như thế nào để tự “lột xác” mình. Có thể nói, bên cạnh yếu tố đời thường, chân chất, dễ đi vào lòng người, giờ đây trong những bộ phim của ông lại có thêm cả yếu tố châm biếm những thói hư tật xấu của người đời. Nhưng nếu tinh ý một chút, khán giả sẽ nhận ra một cái gì đó thoáng bùi ngùi, vẫn còn đó những vấn đề buộc chúng ta phải suy nghĩ về quá khứ và hiện tại, hay chí ít, cũng phải ngẫm lại mình đôi chút. Đấy phải chăng chính là điều “bất biến” của nhà đạo diễn?

Còn có thể nói gì thêm nữa về Trần Vũ? Vâng, có đấy! Rằng ông là một con người nhất quán cả trong nghệ thuật lẫn cuộc đời. Không cao ngạo, khoe khoang, trái lại, luôn biết tự giễu mình. Trong căn phòng của gia đình ông, lúc còn ở phố Bùi Thị Xuân, sau chuyển về 62 Hoàng Hoa Thám hay ở khu tập thể Nghĩa Tân… không bao giờ thấy treo những bằng khen, huân huy chương hay những giải thưởng mà ông đã giành được bằng tất cả mồ hôi, công sức và trí tuệ của mình. Và trong đống sổ sách giấy tờ của Trần Vũ, vẫn còn những quyển vở cũ đủ loại, ghi chép những nhận xét cụ thể của ông về từng nhân vật, xung đột, tình huống… cùng với phương án sửa chữa, nâng cao hoặc thay đổi. Bên cạnh đó là những phác thảo khuôn hình, bố cục cảnh quay và các ý đồ dựng phim…

Nhận xét về điều kiện làm phim hiện nay, Trần Vũ cho rằng dù sao cũng hơn trước rất nhiều. Các nhà biên kịch, đạo diễn, quay phim… được đào tạo một cách bài bản hơn, có điều kiện tiếp cận và tìm hiểu kỹ hơn đủ các loại hình điện ảnh đông tây kim cổ. Máy móc, trang thiết bị cũng khá hơn, và quan niệm cũng thoáng hơn. Tuy nhiên, ông không thể chấp nhận được lối làm ăn cẩu thả, tắc trách của một số người. Và mối nguy lớn đối với một số đạo diễn trẻ hiện nay là ở chỗ, dường như họ không đủ độ say mê, nghiêm túc với nghề và thiếu những kiến thức sâu rộng về mọi mặt.

Công bằng mà nói, không phải phim nào của Trần Vũ cũng đều toàn bích, và số lượng phim ông sáng tác cũng không nhiều. Nhưng rõ ràng, tác phẩm nào của ông cũng đặt ra được một vấn đề gì đó, thu hút sự quan tâm, chú ý của mọi người. Đặc biệt hơn là những vấn đề ấy vừa mang tính thời sự cấp thiết, lại vừa có ý nghĩa lâu dài. Vì thế, phim ông ít nhiều mang tính dự báo, vượt trước thời gian, không bị già, bị cũ đi. Tất nhiên, người xem hẳn sẽ có cái nhìn cảm thông với Trần Vũ khi biết rằng trong suốt một thời gian dài, mỗi năm, điện ảnh Việt Nam chỉ sản xuất được vài ba phim truyện, không hơn. Và chỉ với từng ấy phim, đoạt bấy nhiêu giải thưởng, Trần Vũ đã làm được cái mà không phải ai cũng đạt tới.

Dù sao, Trần Vũ cũng không hề ngộ nhận về những danh hiệu, giải thưởng. Ông không cao đạo, không triết lý, trái lại còn tự nhận mình là người đi làm phim “tuyên truyền”. Và Trần Vũ còn luôn từ chối việc nói về mình, cũng chẳng muốn ai làm phim hay viết về ông, chỉ vì ông không thích, thế thôi. Ông hiểu, so với văn học, điện ảnh nước nhà còn chưa thật nhiều thành tựu, và vì thế, các nhà làm phim Việt Nam còn phải cố gắng rất nhiều.

Cho đến tận bây giờ, ở tuổi ngoài bảy mươi, Trần Vũ vẫn tiếp tục những bước đi không mỏi của mình. Ông vẫn tham gia làm phim khi có điều kiện. Thỉnh thoảng, người ta còn thấy ông ngồi trên ghế Ban giám khảo Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, rồi đi đây đi đó… Ông vẫn không ngừng trăn trở suy tư về điện ảnh nước nhà.

 Nguyễn Hậu

Facebook Comments