Tôi làm phóng sự về chợ “Người”

Nhà báo Vũ Quang: Cuối năm 1992, cách đây 25 năm, tôi và nhà quay phim Hoa Đình Đạt làm phóng sự “Người”theo cách gọi dân dã. Câu chuyện về những người lao động từ thôn quê đổ ra thành phố sẽ là câu chuyện dài cho đến tận ngày hôm nay.

Người lao động đang chờ việc tại một con phố ở Hà Nội. Ảnh minh họa

Chuyện xúc động về người nông dân

Sau khi đọc một bài viết trên Thời báo kinh tế về hiện tượng những người nông dân đổ ra thành phố tìm kiếm việc làm, tôi lập tức muốn thực hiện ngay một phóng sự truyền hình. Tôi và nhà quay phim Hoa Đình Đạt (Người anh hơn tôi đúng 10 tuổi) đến đường Giảng Võ, quận Ba Đình – Hà Nội để khảo sát hiện trường.

Hồi đó dọc con đường Giảng Võ của thủ đô Hà Nội tràn ngập những người nông dân của các tỉnh thành phía Bắc ra tìm kiếm việc làm. Hà Nội dường như lam lũ, lộn xộn hơn…Đó là góc nhìn của một số người lãnh đạo, công chức của Sở Lao động – Thương binh xã hội của thủ đô.

Tôi lại nghĩ khác, sau khi tiếp cận những người lao động chất phác đang ngơ ngác giữa chốn phồn hoa.

Xuất hiện trên đường Giảng Võ, phía sau là hậu cảnh những người nông dân ngơ ngác, lam lũ… Tôi dẫn mở đầu phóng sự: ” Chúng tôi đang có mặt trên đường Giảng Võ của Hà Nội, và ở đây, chúng tôi thấy có những người cần bán sức lao động và cả những người cần mua sức lao động và như vậy đã hình thành một thị trường sức lao động dù nhỏ bé và tự phát…” Cần phải nhắc lại hồi đó trong giới lý luận lạc hậu xa rời thực tế của nước ta còn đang tranh cãi có hay không “Thị trường lao động” ở Việt Nam?

Và phóng sự “Chợ lao động – Bài toán chưa có lời giải” được thực hiện với góc nhìn chia sẻ với những người lao động nghèo khó, không có sự ác cảm, coi thường trong hình ảnh và lời bình của phóng sự. Nó ngay lập tức được phát trên sóng VTV1 trong chương trình truyền hình thanh niên và nhận được sự phản hồi tích cực từ dư luận xã hội và đồng nghiệp. Thầy tôi, nhà giáo Mai Ngữ – giảng viên khoa Kinh tế của Học viện Báo chí và Tuyên truyền khen: ”Cái hay của phóng sự là phóng viên xuất hiện tại hiện trường khẳng định chúng ta đang có thị trường lao động trong khi giới lý luận còn tranh cãi: Có hay không thị trường lao động?!”.

Gặp nhà báo Trần Đăng Tuấn khi đó là Phó ban Thời sự quốc tế của Đài truyền hình Việt Nam sau ngày phát sóng, ông nói: “Hôm qua tôi vừa xem phóng sự chợ lao động của ông!” Tôi sung sướng hỏi: Anh thấy thế nào? Ông cắp đít đi thẳng sau khi châm một điếu thuốc tôi mời! Sau này gặp đồng nghiệp Trần Bảo Khánh mới biết thế là thầy “Tuấn kính” khen đấy!

Những “lát cắt” của cuộc sống

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, việc phóng viên xuất hiện dẫn tại hiện trường chưa phổ biến, các phỏng vấn hiện trường thiếu sự chân thực vì một số nhà báo có xu hướng “uốn” nhân vật nói theo ý định chủ quan của mình. Vì vậy phương pháp tiếp cận sự thật của nhóm tác giả chúng tôi theo phong cách đó đã thuyết phục được người xem truyền hình.

Những người lao động đến từ nhiều vùng quanh Hà Nội

Tôi và anh Hoa Đình Đạt cưỡi chiếc xe máy Honda 70 phân khối máy cánh “cà tàng” vè vè đến với làng Thổ Tang từ sáng sớm một sáng chớm hè năm 1993. Ông chủ tịch xã to béo, tiếp đoàn phóng viêncủa VTV rất cởi mở.

Thì ra dân làng Thổ Tang từ những năm 20 của thế kỷ 20 đã biết thuê những người nông dân ở vùng khác đến làm ruộng cho họ, còn họ thì đi buôn. Tuy nhiên cái cách ứng xử của họ thật tuyệt! Sáng sớm khoảng 5h, họ nấu cơm xong xuôi rồi ra đón người làm thuê từ làng khác đến. Trong bữa ăn họ giao công việc, tiền công và rồi đưa người làm thuê ra ruộng rồi mới tất bật đi buôn bán.

Trẻ con nơi đây sau giờ học, mỗi đứa thường có một chiếc mẹt nhỏ với ít táo, nhót, vài quả ớt… theo mùa đi bán hàng rong ngoài chợ và trong các ngõ hẻm của làng. Câu chuyện của người em ruột cụ Nguyễn Thái Học kể cho chúng tôi đều là câu chuyện rất thú vị về cách nghĩ, cách làm “đi trước thời đại” của dân làng Thổ Tang. Chính vì thế làng Thổ Tang trở thành một trong những làng giàu có nhất nhì tỉnh Vĩnh Phúc…

Thời 1992, nhiều người còn đang tranh cãi có hay không “Thị trường lao động” ở Việt Nam?
Nhà báo Vũ Quang
Nhà báo Vũ Quang

Trở về Hà Nội, chúng tôi tiếp tục ghi hình thêm một số việc làm khá thụ động và phỏng vấn những cán bộ của Sở Lao động Thương binh xã hội Hà Nội. Một số trạm đăng ký việc làm được dựng lên tại đường Láng và một số nơi khác, nhưng số người mua và muốn bán sức lao động đến rất thưa thớt. Trong khi trên phố Giảng Võ, người xe vẫn tấp nập, nhốn nháo người thuê kẻ mướn…

Phóng sự được hoàn tất để dự Liên hoan truyền hình toàn quốc tại thành phố Đà lạt tháng 6 năm 1993. Hồi đó cả nước còn nghèo nên tác giả chỉ ở nhà trông chờ kết quả! Tác phẩm của chúng tôi đoạt huy chương Bạc tại Liên hoan danh giá của Việt Nam vào thời điểm ấy và được đồng nghiệp cả nước đánh giá cao.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là phóng sự “Chợ lao động – Bài toán chưa có lời giải” của chúng tôi cùng với phóng sự của các đồng nghiệp Đài phát thanh truyền hình Cao Bằng “Người nghèo cũng khóc” không hiểu vì sao không được phát sóng. Tôi trực tiếp hỏi nhà báo Đình Thanh – Trưởng Ban Thư ký biên tập về việc này và nhận được câu trả lời đại ý: “Phóng sự của các cậu gai góc quá nên không phát sóng dù được giải…”

Kể lại câu chuyện nghề nghiệp này, tôi muốn chia sẻ với các đồng nghiệp trẻ làm truyền hình hôm nay một kinh nghiệm: Một phóng sự truyền hình tốt trước hết cần chọn được chủ đề (Focus) mà mọi người quan tâm, nhưng quan trọng nhất là góc nhìn của nhà báo về hiện tượng xã hội đó. Đó chính là ”Lát cắt cuộc sống” của nhà báo. Cái này tôi học được ở nhà báo, nhà ngôn ngữ học Nguyễn Tri Niên trong những giờ phút hiếm hoi trên giảng đường môn học Ngôn ngữ báo chí. Và hơn thế, những nhà báo hãy biết yêu quý, trân trọng những người lao động trong xã hội!

Hơn 20 năm, kể lại câu chuyện làm nghề truyền hình mới thấm thía cái gọi là đạo đức nghề báo!

Vũ Quang

Facebook Comments