Sách kể chuyện những người châu Âu đầu tiên đến Việt Nam

Cuốn “Xứ Đàng Trong” và “Mô tả vương quốc Đàng Ngoài” khắc họa một phần văn hóa – xã hội Việt Nam thế kỷ thứ 17.

Tác phẩm Xứ Đàng Trong (của Cristoforo Borri) và Mô tả vương quốc Đàng Ngoài của (Samuel Baron) là hai đầu sách lịch sử phát hành gần đây.

Đại Việt thế kỷ thứ 17 tồn tại hai chính thể quyền lực: Vua Lê – Chúa Trịnh. Sau khi Đoan quận công Nguyễn Hoàng trấn thủ Thuận Hóa, đất nước lúc đó xuất hiện một thế lực chính trị mới, mở đầu cho công cuộc Nam tiến của cha ông, theo đó là mở đầu cho sự đứt gãy về mặt văn hóa.

Cách đây hơn 400 năm, một giáo sĩ dòng Tên là Cristoforo Borri đã đến Đàng Trong. Trong 5 năm, ông chuyên tâm nghiên cứu về tiếng An Nam, một việc mà rất ít người nước ngoài thời đó làm được. Theo lời kể của giáo sĩ, các cha truyền đạo trước đây không học ngôn ngữ bản địa và không mặn mà trong việc truyền bá Kinh Thánh, nhất là sách Phúc Âm, cho người dân cho đến khi một linh mục khác là cha Francesco Buzome dạy cho họ được rửa tội, các bổn phận, đặt tên thánh… Từ đó, các cha xứ người Bồ Đào Nha không chỉ truyền bá đức tin tại xứ Đàng Trong mà còn ghi lại những lời của người dân An Nam bằng cách phiên âm sang ngôn ngữ Latin, đặt nền móng cho quốc ngữ hiện nay.


Cũng theo Borri, không khí ở An Nam trong lành bởi người dân chưa biết đến dịch hạch. Các loại vàng bạc, lụa là, và nhiều đặc sản quý hiếm khác dồi dào. Hải cảng dễ dàng ra vào và thuận lợi cho buôn bán, người dân chan hòa, lương thiện, phóng khoáng. Đây là xứ sở hùng mạnh, không chỉ vì quân sự, vũ khí mà còn vì địa thế tự nhiên bao quanh nó, một mặt giáp biển, một mặt giáp núi non hiểm trở.Với Borri, dường như xứ Đàng Trong là xứ sở của tự do. Trong sách, ông viết: “Vị Chúa hiền nhân rất quý mến các linh mục và dành nhiều thiện cảm cho người Bồ Đào Nha… Truyền bá đức tin ở xứ Đàng Trong mới thuận lợi làm sao, chúng tôi chẳng hề gặp một trở ngại nào như ở những xứ khác khắp phương Đông…, bởi họ chấp nhận mọi thứ lạ lẫm và cho phép mỗi người sống theo đạo của mình”.

Còn cuốn Mô tả Vương quốc Đàng Ngoài của Samuel Baron nhằm giới thiệu  vùng đất này với người Anh, đồng thời để phản bác lại những sai lạc trong tập du ký về vương quốc đàng ngoài của Jean Taverniere. Là một thương nhân nhiều năm sinh sống ở Kẻ Chợ (Thăng Long) và có quan hệ thân thiết với phủ Chúa, Baron có điều kiện tiếp xúc với giới quý tộc và cả tập tục đời thường của người dân vùng kinh kỳ.

Phần đầu tiên của sách kể về các đặc điểm địa lý, tên gọi, thổ nhưỡng và đặc sản vùng: “Địa hình Xứ Đàng Ngoài phần lớn thấp và bằng phẳng, không khác xứ Hà Lan là mấy, nhất là những con kênh mương và hệ thống đê điều. Rừng núi tạo thành biên giới của vương quốc ở các hướng tây, bắc và nam”. Phần thứ hai kể về nền kinh tế xã hội, chính trị và văn hóa của Đàng Ngoài.

Qua quan sát của Baron, Đàng Ngoài được phân tích đầy đủ với nhiều đặc điểm gần gũi đời sống người Việt thời bấy giờ. Ví dụ, những loại hoa quả đặc sản mà chỉ có xứ nhiệt đới có mùa hè nóng “không chịu nổi” vào tháng bảy và tháng tám mới có như vải, nhãn, đu đủ… Một trong những điều ông cho là thói xấu của người Việt Nam là tính phàm ăn. Khi ngồi ở mâm cơm họ sẽ cắm cúi ăn mà không nói với nhau câu nào, không phải là do thiếu lịch sự hay lễ phép với người bề trên mà bởi muốn “ních cho thật đẫy cái dạ dày” và vì sợ người bên cạnh sẽ lẳng lặng ăn hết cả mâm. Còn ai uống rượu khỏe sẽ được coi là dũng cảm.

Khi gặp nhau người dân An Nam không chào hỏi sức khỏe kiểu “cậu khỏe chứ” mà là “đi đâu thế” hay “dạo này làm gì?”. Còn nếu biết người mình gặp vừa ốm dậy thì sẽ chào theo kiểu “mỗi bữa ăn được mấy bát cơm” và “cậu có ăn ngon miệng không?”.


Bên cạnh những tác phẩm quan trọng của Alexandre de Rhodes – người có công lớn trong việc tạo ra quốc ngữ, sách Xứ Đàng Trong và Mô tả vương quốc Đàng Ngoài chứa đựng nhiều thông tin qua góc nhìn của người phương Tây viết về Việt Nam xưa. Dù vẫn còn những sai sót, nhầm lẫn về chi tiết lịch sử, sự kiện (do hạn chế của bối cảnh lịch sử cũng như thiên kiến của tác giả), các mô tả và chuyện kể của hai nhân vật thuộc thế hệ những thương nhân, giáo sĩ châu Âu đầu tiên đến Việt Nam có thể giúp độc giả phần nào hình dung đời sống xã hội, hoàn cảnh chính trị đất nước thời bấy giờ.Về phần chính trị, ở góc nhìn của mình, Samuel Baron giải thích họ Trịnh không lên kế vị ngai vàng không phải vì ông tôn trọng pháp luật hay không tham quyền lực, mà là do tính chính danh của vua Lê trong việc điều hành đất nước. Cả chúa Nguyễn và Trung Quốc đều nhăm nhe chống lại Chúa Trịnh nếu có một kẻ không phải dòng dõi nhà Lê cướp ngôi. Như thế chẳng khác nào rước họa vào thân. Dù không nắm trong tay hư danh, nhưng quyền hành của Chúa là vô tận và tuyệt đối. Vua được gọi bằng một danh xưng to nhưng vô vị. Vậy nên dù người dân kính vua nhưng lại rất sợ Chúa, người luôn được vô số lời xu nịnh bởi ông có quyền lực tối thượng trong tay.

Vũ Khuê

VN Express

Facebook Comments