Nhà báo Đặng Văn Nghiệp, trưởng Phòng Thời sự – Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Ngãi:
… Trong những năm gần đây, nhờ có Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Quảng Ngãi đã được xếp là 1 trong 10 tỉnh thành có số thu ngân sách cao nhất nước. Mặc dù vậy, Quảng Ngãi vẫn là một tỉnh nghèo, các hoạt động kinh tế-xã hội chưa thực sự sôi động. Đây là một vấn đề khó đối với những người làm báo truyền hình địa phương trong việc tìm kiếm và phát hiện đề tài để sản xuất. Hơn nữa sản phẩm báo chí phải đáp ứng được yêu cầu: phong phú và hấp dẫn cả về nội dung cũng như hình thức. Bối cảnh đó đã buộc những người làm báo ở địa phương phải tìm ra cho mình những hướng đi để vượt qua rào cản của một địa phương ít có các hoạt động, sự kiện diễn ra hàng ngày, hàng giờ.
Trong quá trình tìm lối đi cho mình, những người làm báo ở Quảng Ngãi đã rút ra cho mình một bài học quý cho tác nghiệp, đó là một địa phương có nền kinh tế-xã hội còn thấp không đồng nghĩa với việc cũng “nghèo về các vấn đề” cho báo chí phản ảnh, “nghèo đề tài”. Thực tế đã chứng minh. Từ trong cái khó của dải đất miền Trung nắng lửa và mưa lầy, tin tức, phóng sự của miền Trung đã được các phóng viên từ các địa phương phản ảnh khá nhanh nhạy, kịp thời, chính xác và phong phú trên các tờ báo của trung ương, của địa phương và trên các kênh truyền hình. Quảng Ngãi được đánh giá là một trong những nơi làm báo khá năng động của miền Trung. Vào trang báo mạng “Baomoi” và gõ “Quảng Ngãi”, hầu như ngày nào cũng xuất hiện các tin, phóng sự diễn ra ở Quảng Ngãi. Cùng với phóng viên báo in, báo mạng, đài phát thanh, các phóng viên truyền hình cũng luôn theo kịp và bám sát hơi thở của cuộc sống, làm cho các chương trình thời sự trong tỉnh luôn sống động, luôn có “vấn đề”. Và tất nhiên, những tin nóng, những phóng sự hay này cũng sẽ có mặt trên các kênh truyền hình của trung ương.
Một trong những yếu tố giúp cho các phóng viên ở Quảng Ngãi liên tục có được tin, phóng sự tốt để in, để phát sóng ở địa phương cũng như ở trung ương, trước hết phải kể đến tính cần cù chịu khó, năng động và sáng tạo được kết tinh trong mỗi con người miền Trung. Từ trong cái khó, các phóng viên của Quảng Ngãi đã phải “cày”, phải biết “tìm” và “nhặt” ra những con số, những chi tiết, những hiện tượng để hình thành nên những bản tin; hay phóng sự phản ánh những mâu thuẫn, những nhân tố mới cần phát huy, những yếu kém trì trệ cần loại bỏ trong quá trình vận động đi lên của địa phương. Có lẽ từ trường học thực tế cộng với sự cần cù, sáng tạo đã cho những nhà báo ở Quảng Ngãi hình thành được phản xạ luôn nhận biết và “nhìn ra vấn đề” theo góc độ phản ảnh của báo chí. Theo lý thuyết, đây là việc phóng viên cần phải đọc, phải nghe các báo, đài, thông tấn xã khác để lấy tin.
Quá trình hoạt động báo chí ở Quảng Ngãi cũng cho thấy, một phóng viên hoạt động đơn lẻ thường không thành công. Muốn thành công, các phóng viên phải đặt mình trong mối quan hệ khăng khít với quần chúng nhân dân, với đội ngũ cộng tác viên và liên kết thông tin giữa phóng viên các cơ quan báo với nhau. Có như vậy, phóng viên mới liên tục nắm bắt được thông tin thời sự và trên cơ sở đó, từng phóng viên sẽ tìm ra những gì cần phản ảnh cho báo của mình. Tức là phải có quan hệ rộng.
Để cho các chương trình thời sự luôn nóng và hấp dẫn, bộ phận tổ chức sản xuất và biên tập đóng vai trò rất quan trọng trong việc cùng phóng viên, cộng tác viên thu thập nguồn tin, phân tích và ra quyết định. Ở Phòng Thời sự Đài PT-TH Quảng Ngãi, chúng tôi xác định: muốn có tin, phóng sự nóng và hay, trước hết phải có thông tin. Phòng phải thực sự là trung tâm thu nhập, xử lý và điều hành. Nếu Phòng chỉ thụ động chờ tin của phóng viên, cộng tác viên chuyển tới thì sẽ khó thành công trong việc tổ chức sản xuất được các phóng sự như mong muốn. Để làm được điều này, chúng tôi đã phân công rõ trách nhiệm cho từng lãnh đạo Phòng. Còn các biên tập viên theo dõi thông tin theo từng mảng, ngành địa phương; theo dõi thông tin trên các báo, liên kết chặt chẽ với cộng tác viên và phóng viên các cơ quan báo trung ương và địa phương khác … Với cách làm này, Phòng Thời sự Đài PT-TH Quảng Ngãi luôn theo dõi sát được các sự kiện nóng đang diễn ra trên địa bàn tỉnh. Mọi thông tin khi xuất hiện sẽ được các thành viên báo cáo với lãnh đạo Phòng để biết và cùng bàn bạc, ra quyết định phân công phóng viên hoặc đặt bài cộng tác viên. Song song với quá trình này, chúng tôi thông báo các sự kiện, các vấn đề đang diễn ra cho tất cả phóng viên của Phòng đang tác nghiệp ở các nơi và cộng tác viên ở Đài truyền thanh huyện (qua hệ thống thư điện tử). Cách làm này rất có hiệu quả. Đó là tạo cho đội ngũ phóng viên và cộng tác viên luôn theo dõi sát sự kiện. Trên cơ sở những sự kiện đã được Phòng thông báo, các phóng viên, cộng tác viên có thể tìm ra được những tin, phóng sự liên quan đến sự kiện hoặc vấn đề mà Phòng thời sự phát sóng đang diễn ra ở địa phương. Xin đơn cử về tính hiệu quả của cách làm này.
Những trận động đất tại huyện miền núi Bắc Trà My (Quảng Nam) đã từng xuất hiện liên tiếp, ảnh hưởng đến các tỉnh lân cận. Khi biết được thông tin động đất, Phòng Thời sự đã đưa vào hệ thống theo dõi và chuyển cho phóng viên, cộng tác viên của Đài theo dõi. Trên cơ sở này, các phóng viên Đài huyện tìm hiểu và biết được một số vùng ở địa phương mình cũng bị ảnh hưởng dư chấn động đất Sông Tranh II. Họ đã nhanh chóng phản hồi về Phòng. Trên cơ sở thông tin của cộng tác viên, Phòng đã nhanh chóng hình thành đề cương cho một phóng sự về dư chấn động đất từ Quảng Nam ảnh hưởng đến Quảng Ngãi.
Hoặc qua những sự kiện đơn lẻ nhưng có tính chất giống nhau được đưa vào kế hoạch sản xuất, theo dõi hàng ngày do các phóng viên, cộng tác viên đăng ký với Phòng, nhiều đề tài hay cũng đã được phát hiện từ Ban biên tập hoặc từ phóng viên, cộng tác viên.
Ví dụ như qua theo dõi và nghiên cứu bảng đăng ký tin, phóng sự trong ngày, một nhóm phóng viên đã quan sát thấy ở Quảng Ngãi trong một thời gian ngắn liên tục xuất hiện những vấn đề bạo hành phụ nữ. Từ những sự kiện mang tính chất đơn lẻ nhưng có tính chất giống nhau và lặp đi lặp lại như vậy, nhóm phóng viên này đã tìm hiểu và đưa ra được một phóng sự “vấn đề”: không phải kể lại các sự vụ chồng hành hạ vợ mà là chỉ ra được bản chất của câu chuyện. Phóng sự được đánh giá cao.
Hoặc cũng từ một tin Hội nghị “Lý Sơn tập huấn bảo tồn nhà cổ” của cộng tác viên Đài Lý Sơn chuyển vào phát trên sóng truyền hình tỉnh, một nhóm phóng viên khác theo dõi đã đặt câu hỏi: “Tại sao phải tập huấn bảo tồn nhà cổ Lý Sơn?”. Đi tìm câu trả lời cho cái “tại sao” đó, nhóm tác giả này đã phát hiện ra giá trị vô giá của những ngôi nhà này không chỉ là ở thời gian hàng trăm năm tuổi mà cao hơn thế, mỗi ngôi nhà là một bảo tàng sống khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Phóng sự nhanh chóng đi vào “vấn đề” cần cấp bách bảo tồn 24 ngôi nhà cổ trên quê hương Đội hùng binh Hoàng sa. Phóng sự được phát sóng đã giúp cho các cấp chính quyền nhận thấy cần phải kịp thời bảo tồn và phát huy giá trị những ngôi nhà cổ trên đảo Lý Sơn.
Song song với việc xây dựng Phòng Thời sự truyền hình trở thành trung tâm thu nhận, phân tích, xử lý và ra quyết định, chúng tôi còn tạo cho phóng viên, cộng tác viên có thói quen quan sát, phân tích và xâu chuỗi các hiện tượng, sự việc lại với nhau để tìm ra “vấn đề” bản chất của sự vật.Quan điểm của chúng tôi: bất cứ một hiện tượng nào dù nhỏ hay to cũng đều phản ảnh một bản chất của sự việc. Phóng viên, cộng tác viên không được bỏ qua.
Ví dụ một ống thuốc lạ bị bỏ rơi xung quanh khu vực làng sản xuất giá trên cát ở Quảng Ngãi đã trở thành nghi vấn của một nhóm phóng viên. Quan sát và tìm hiểu, nhóm phóng viên này đã phát hiện: các làng sản xuất giá ăn trên cát không phải như mọi người nghĩ là chỉ làm giá bằng đậu xanh, cát vàng và nước sạch như trước nữa mà bây giờ còn có cả hóa chất không rõ nguồn gốc, có in chữ Trung Quốc, làm cho giá trắng và dai. Phóng sự được phát sóng đã gây bất ngờ cho ngay cả các cơ quan quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bàn thảo và xây dựng kế hoạch sản xuất, kế hoạch phát sóng cùng với phóng viên, cộng tác viên cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho việc tìm và phát hiện ra đề tài có “vấn đề” cho thời sự. Hàng ngày, Phòng Thời sự Quảng Ngãi đều làm việc với phóng viên trong phòng và các cộng tác viên thông qua nhiều hình thức. Qua làm việc, nhiều đề tài có “vấn đề” được phát hiện từ thông tin có được do phóng viên, cộng tác viên cung cấp. Hoặc cũng từ những thông tin của Phòng, cộng tác viên, phóng viên nẩy ra được “vấn đề”.
Ví dụ, từ thông tin của cộng tác viên Đài truyền thanh Ba Tơ: “Mấy bữa nay có mấy trẻ em dân tộc Hre ở Ba Điền chết không rõ nguyên nhân”. Qua trao đổi, Phòng Thời sự và cộng tác viên đều thấy được “có vấn đề” xung quanh những cái chết này. Một phản ảnh về vấn đề thương tâm này được phát sóng đã buộc các ngành phải tìm hiểu. Sau này “vấn đề” đã được làm rõ: những cái chết của trẻ em Ba Điền có liên quan đến Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân … Hoặc qua làm kế hoạch sản xuất với phóng viên, từ các phản ảnh về tình trạng giành giật cổ vật, khai thác con tàu cổ; từ những câu hỏi tại sao Khảo cổ Việt Nam chậm vào cuộc khai thác con tàu cổ bị đắm ở Bình Châu-Bình Sơn-Quảng Ngãi đã nẩy ra “vấn đề”: khoảng trống về khảo cổ dưới nước. Phóng sự được phát sóng và được nhận định là phóng sự nêu được “vấn đề” hay.
Trên đây là một số kinh nghiệm của Phòng Thời sự Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Ngãi trong việc tìm và phát hiện “vấn đề” để tổ chức sản xuất phóng sự cho thời sự. Qua quá trình hoạt động, chúng tôi đã rút ra rằng: dù ở một địa phương có nền kinh tế-xã hội còn thấp nhưng nếu chịu khó quan sát, biết tìm và nhặt ra những chi tiết của cuộc sống thì sẽ không thiếu “vấn đề” cho chương trình thời sự. Bởi lẽ, dù kinh tế phát triển hay chậm phát triển thì nó vẫn đang vận động. Và quá trình vận động thì luôn có “vấn đề” cho phóng sự thời sự.
Trên đây là một trong nhiều lý thuyết và kinh nghiệm của nghề báo, được rút ra từ thực tế tác nghiệp. Dù thế nào đi chăng nữa cũng có thể kết luận: để làm tốt nghề báo, phóng viên biên tập cần phải đọc, phải nghe ngóng, phải có quan hệ rộng rãi và từ đó phải biết tự phân tích vấn đề. Một giảng viên của Phân viện Báo chí – Tuyên truyền đã từng hài hước mô tả về diện mạo của nhà báo như sau: “Nhà báo là một người có đôi tai dài và vểnh giống như cần ăng-ten để nghe ngóng từ mọi phía.”
Facebook Comments