Nhà lãnh đạo Xô viết Leonid Brezhnev: Sự thật còn lại trong ký ức người thân

Cách đây 44 năm, ngày 10/11/1982, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev đã qua đời ở tuổi 76 sau hơn 18 năm ở trên vị trí lãnh đạo cao nhất quốc gia. Khi công cuộc cải tổ mới bắt đầu và nhất là khi nước Nga vừa chuyển đổi sang thể chế mới, hình ảnh Brezhnev thường bị đồng nghĩa với sự trì trệ. Thế nhưng, chính ông đã là một trong những nhà lãnh đạo Xôviết có vai trò tối quan trọng trong việc đưa Liên Xô trở thành một siêu cường hùng hậu và đại đa số các công dân Xôviết bình thường cảm thấy “ấm lưng” mà sống trong cơ chế xã hội chủ nghĩa thời đó.

Một người siêu phàm

Đúng là hoạt động của Brezhnev trong các giai đoạn khác nhau không được đánh giá đồng nhất. Nhưng đóng góp của ông vẫn là to lớn nên không ngẫu nhiên mà cho tới nay, nhiều người Nga vẫn nhớ tới ông với những tình cảm tốt đẹp. Nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Liên Xô, nguyên Thượng tướng Yuri Churbanov (1936-2013), từng là con rể của Brezhnev, cho tới ngày cuối cùng của cuộc đời mình vẫn coi ông như một vĩ nhân. Sau khi Brezhnev qua đời, do những mưu mô chính trị của một số thế lực, năm 1986, Churbanov bị bắt và năm 1988, đã bị đưa vào tù với những tội danh vu vơ nhưng rất khó thanh minh. Tuy nhiên, chỉ 5 năm sau, ông đã được trả lại tự do trước thời hạn… Ông đã không hề giận dữ ai và dùng những lời lẽ thán phục nhất khi kể về người bố vợ cũ. Khi biết chàng sĩ quan trẻ định cưới cô con gái đa đoan của mình, Brezhnev  chỉ đặt ra đúng một câu hỏi: “Anh chị đã suy nghĩ chín chắn chưa?” Tướng Churbanov kể tiếp:

– Tôi đáp, thưa, đã. Chúng tôi đăng ký tại một địa điểm bình thường của quận Gagarin, đó là quyết định của Brezhnev. Sau đó chúng tôi quay về khu trại nghỉ, tại đó khách khứa đã chờ sẵn. Brezhnev rất thích những cuộc họp mặt vui vẻ, ông ấy cũng là người hay bông đùa, thuộc rất nhiều thơ Esenin. Brezhnev lên nắm quyền ở tuổi 58, thời ấy thế là bình thường. Ông ấy trong gia đình là một người rất sống động, năng nổ và tuyệt vời.

PV: Ông hình dung ra ông ấy đúng như thế ư?

– Đối với tôi, ông ấy là một người siêu phàm. Bằng cách nào mà tôi, một trung tá nội vụ lại có thể có mặt trong một gia tộc như thế?! Nhưng giữa chúng tôi đã hình thành những mối quan hệ rất hồn hậu. Một lần, ông ấy bảo: “Sao con lại làm việc trong cơ quan coi tù nhỉ? Phương Tây người ta không thể hiểu đươc đâu!” Ngay ngày hôm sau, Bộ trưởng Shelokov gọi tôi lên và đưa ra hai vị trí còn trống để lựa chọn: Cục Nhà trường Bộ Nội vụ và Cục Chính trị lực lượng nội vụ. Thế là tôi trở thành Cục phó Cục Chính trị với quân hàm đại tá trước thời hạn. Đến giờ tôi vẫn ngạc nhiên, làm thế nào mà khi ấy tôi đang là đại tá mà hơn nửa năm sau đã trở thành thượng tướng?! Tôi không thể nào hiểu nổi có những động cơ nào mà có thể đẩy người ta lên nhanh được như thế!

Brezhnev gặp gỡ tại Nhà Trắng, 19 tháng 6 năm 1973

Brezhnev rất thích xe hơi. Ông từng có xe hơi loại gì?

– Ông ấy từng tặng tôi xe Renau 16. Xe tốt lắm. Tôi thích lái nó. Brezhnev cũng rất thích phóng xe nhanh. Nhà lãnh đạo thứ hai thích xe phóng nhanh la nguyên soái Ustinov (nguyên Bộ trưởng Quốc phòng). Còn Suslov lại không thể chịu được tốc độ cao, xe ông ấy chỉ đi với tốc độ 40 km/giờ…

Ông nhận tin về sự qua đời của Brezhnev như thế nào?

– Tôi đang ở chỗ làm việc. Galina gọi điện thoại tới và tôi quay trở về khu trại nghỉ. Khi tôi tới, mọi sự đã muộn. Khi đó tôi đã hiểu ra ngay rằng, mọi sự sẽ tồi tệ, cho cả gia đình và cả nhân dân…

Lực bất tòng tâm

Trong ký ức của Andrei  Brezhnev, hình ảnh ông nội luôn là tốt đẹp. Anh kể:

“Chúng tôi với ông nội đã có những mối quan hệ thật gần gụi, thân mật. Ông tôi không bao giờ lẫn lộn việc công với việc nhà. ở nhà, chúng tôi không bao giờ đả động đến công việc của ông. Đó là điều cấm kỵ. Ông nội không bao giờ đưa người nhà đi theo trong các chuyến công tác ra nước ngoài. Nếu theo nghi thức cần phải đưa phu nhân theo thì chỉ khi đó, bà nội mới đi cùng ông. Theo trí nhớ của tôi thì chỉ có 1-2 lần cô tôi đi tháp tùng ông, nhưng cũng theo chương trình làm việc riêng của mình.

Tôi có hạnh phúc sinh ra trong một Gia đình được trọng vọng. Chỉ tới năm 15-16 tuổi, tôi mới mơ hồ hiểu ra rằng, ông nội tôi không chỉ là một người ông, mà còn là một nhà lãnh đạo quốc gia. Tôi luôn luôn nhớ điều này. Cha mẹ tôi và cô tôi luôn nhắc nhở rằng, tôi cần phải học giỏi, ăn mặc gọn gàng, vì mọi người luôn để ý tới tôi như một thành viên của Gia đình. Thoạt đầu cũng cảm thấy gò bó vì thế nhưng dần dần rồi cũng quen.

Tôi không bao giờ phải nhờ ông nội làm hộ việc gì, riêng cái họ cũng đủ giải quyết xong xuôi mọi việc. Nhưng tôi cũng không quá lợi dụng cái họ của mình-tôi học trong một trường trung học bình thường, rồi thi vào Học viện quan hệ quốc tế Moskva (MGIMO), trúng tuyển một nửa nhờ kiến thức cá nhân, một nửa nhờ cái họ của mình. Cha tôi có mua cho tôi một cái xe hơi nội Zhiguli- tôi đã không thể cho phép mình đi xe ôtô ngoại vì mọi người sẽ để ý. Xin được cấp nhà ư? Để làm gì? Khi đó tôi còn chưa lập gia đình. Khi anh tôi cưới vợ, anh tôi nhờ qua bà nội và ông nội đã giúp anh được cấp căn hộ. Chúng tôi đã sống trong một hệ quy chiếu của một thời khác, với những tiêu chí khác. Giờ bạn có thể cười nhưng ngày đó, tôi không thể đi nước ngoài chỉ vì tôi là thành viên Gia đình.

Tôi không thể kể là ông nội đã có thời giờ đọc sách  cho tôi nghe hay chơi đùa với tôi. Có thể khi tôi còn bé tí thì ông nội đã làm thế với tôi nhưng giờ tôi không nhớ nổi nữa. Tôi chỉ nhớ là ông nội lúc nào cũng rất quan tâm tới con cháu. Khi tôi còn nhỏ, ông tặng quà cho tôi, toàn những thứ quà bình thường thôi: chú lính chì,  rồi xe đạp. Có lần ông nội tặng tôi đồng hồ. Giờ tôi vẫn lưu giữ những cái bình hay lọ hoa mà ông nội đã tặng.

Ông nội đã là một người vui tính. Khi chúng tôi theo ông đi câu cá hay đi săn, ông rất hay kết chuyện tiếu lâm. Nếu không phải là công việc hay cương vị của ông thì nhìn từ bên ngoài vào, có thể nghĩ ông chỉ là một người dân thường.

Ngày làm việc của ông thường diễn ra như sau. Sáng dậy, ông ăn sáng. Nói chung, ông ăn bữa sáng hay bữa trưa hoặc tối cũng chỉ mất có 8 phút. Tôi không rõ ông lấy từ đâu thói quen đó. Có thể từ thời chiến tranh. Sau bữa sáng, ông chuẩn bị đi làm và tới 9 giờ đã có mặt ở văn phòng. Tối trở về nhà, ông thay đồ và mặc vào bộ quần áo thể thao màu xanh mà người ta đã may riêng cho ông. Sau bữa tối, ông xem truyền hình, chủ yếu là chương trình thời sự; ông rất thích xem loạt phim châm biếm Fitil. Khi ông còn chưa nhiều tuổi, ông hay đi dạo cùng bà hoặc ngồi vào vườn. Nhưng thường thì ông lên tầng hai, vào phòng làm việc, các sĩ quan tuỳ tùng mang lên theo ông cặp tài liệu. Ông làm việc tới khuya. Thế là hết một ngày. Ông hầu như không còn phút nào dành riêng cho cá nhân mình nữa. Nếu ông có thời gian rảnh dành cho việc săn sóc mình, hẳn ông trông đã khỏe hơn và đã sống được lâu hơn!

Thế là cái ông gọi là nhà sử học Roy Medvedev lại bảo rằng ông thích hưởng lạc?! Giá quý vị cũng được nhìn thấy khung cảnh mà họ gọi là xa hoa của ông nội tôi! Quý vị có biết ông tôi thích ăn món gì không? Có thể quý vị không tin,  nhưng đấy chỉ là món mì ống đen. Hẳn quý vị biết, đó là món mì ống mà khi nấu chín, dai nhoanh nhoách như cao su. Thế mà ông nội tôi lại thích ăn chúng thường xuyên. Đun nóng bơ cho bơ chảy ra, rưới lên mì và ăn. Ông còn thích ăn món nầm rán. Thế mà là xa hoa ư? Tại trang trại có các đầu bếp từ Điện Kremli tới, họ có thể nấu bất cứ sơn hào hải vị nào. Nhưng bà nội đã “huấn luyện” lại họ và họ chỉ nấu những món mà thông thường bà nội ngày trước vẫn nấu- xúp củ cái đỏ, xúp rau chua, chả thịt bằm… Vì ông nội răng không được tốt lắm nên ông thích những món mềm…

Toàn bộ đại gia đình – cả những người thân nội ngoại của ông và bà-chỉ họp lại cùng nhau vào dịp đón năm mới và dịp sinh nhật của ông nội. Còn trong những ngày nghỉ hay những ngày lễ khác thì chỉ có ông bà nội, cha mẹ tôi, cô và chú tôi cùng bọn trẻ chúng tôi. Đôi khi trong những ngày lễ,  gia đình có thêm khách là các thành viên Bộ Chính trị như Yuri Andropov, Dmitri Ustinov, Adrey Gromyko… Quan hệ giữa các thành viên trong Bộ Chính trị mang tính thân hữu, đồng nghiệp. Sau giờ làm việc, ai về nhà nấy. Cũng có nhiều người mời ông nội tới thăm nhà nhưng theo tôi nhớ, hình như ông không đến nhà riêng của ai cả.

Người ta kể lại với tôi rằng, năm 1978, ông nội đã định nghỉ hưu; ông đã bàn việc này với cả bà nội. Thế nhưng, người ta lại không cho. Họ bảo: “Sao đồng chí lại thế, không ai thay được đồng chí đâu. Đồng chí rất tài năng, kiệt xuất, giàu kinh nghiệm…” Thế là ông lại không về hưu…”.

Ngọc Báu

Daidoanket.vn

Facebook Comments