(NB&CL) – “Từ xóm liều đến thảo nguyên xanh tươi” của nhà báo Phùng Nguyên là cuốn sách đáng đọc, đáng để chúng ta suy ngẫm. Thời nào cũng vậy, hướng ngòi bút vào số phận con người bình thường, những con người có số phận éo le, oan khuất, khổ đau…là những đề tài tưởng cũ nhưng lại luôn luôn mới, nếu người viết có một tấm lòng, một cách nhìn, một cách tiếp cận mới”… Nhận xét ấy của nhà báo Dương Kì Anh về tuyển tập phóng sự của Nguyễn Hữu Phùng Nguyên vừa xuất bản đã khiến tôi tìm gặp Phùng Nguyên. Cuộc trò chuyện với cây bút phóng sự “máu nghề”, đam mê viết ấy đã mang đến cho tôi nhiều điều đáng suy ngẫm.
Nhà báo Phùng Nguyên trong một chuyến tác nghiệp.
Tôi đứng về phe nước mắt!
+ “Từ xóm liều đến thảo nguyên xanh tươi” – một cái tên có vẻ gợi nhiều tò mò và sự cuốn hút, thưa nhà báo?
– Đó là tên một tác phẩm mà tôi rút ra làm tên cho tuyển tập phóng sự này. Tác phẩm là một câu chuyện về cô gái từ “xóm liều” và với nghị lực, may mắn cô đã vượt qua để đến được với một “thảo nguyên xanh tươi”. Đó không phải là một thảo nguyên cụ thể mà là một thảo nguyên của đời sống tinh thần, của tâm hồn, của môi trường… Hơn 10 năm ở báo Tiền Phong đi và viết phóng sự, tôi đã qua nhiều “xóm liều” và đã đến các thảo nguyên xanh tươi, ở đó có những phận đời, những chuyện đời, nhân tình thế thái lẩn khuất trong cỏ… Và vì thế, trong cuốn sách dù rất đa dạng về đề tài nhưng tôi đều có một khao khát rằng, những nhân vật của mình, câu chuyện của mình sẽ đi từ “xóm liều” đến “thảo nguyên xanh tươi”.
+ Một nhà báo dành trọn vẹn gần hết cuốn sách để viết về những gương mặt, những thân phận bình thường, những cảnh đời, tình người trong xã hội. Nhưng theo tôi, đó là một…lối đi không mới, thưa anh?
– Tôi thích một câu thơ của nhà thơ Nga – Evghenhi Aleksandrovich Evtushenko: Chẳng có ai tẻ nhạt trên đời / Mỗi số phận mang một phần lịch sử… Có thể bạn thấy ngạc nhiên vì trong thế giới báo chí hiện đại, đó không phải là chủ đề câu khách, giật gân, câu view. Nhưng với tôi, thì chẳng có gì cũ hơn và cũng chẳng có gì mới hơn số phận con người. Tôi cảm thấy đằng sau những số phận ấy, những con người tôi gặp, có những vẻ đẹp riêng, chứa đựng nhiều thông điệp trong cuộc sống mà những người cầm bút có thể khám phá. Giống như một giọt nước mà đi sâu vào có thể tìm thấy cả một đại dương lung linh. Họ bình dị, nhỏ nhoi nhưng cuộc đời họ có thể phản ánh được tiến trình lịch sử, một giai đoạn lịch sử nào đó… Mỗi người một kho sách, quan trọng là chúng ta biết cách đọc như thế nào mà thôi. Tôi cảm giác có những người vô danh, bình dị… dưới gầm trời này họ không có một tiếng nói nào và tôi muốn đem đến cơ hội ấy cho họ. Và tôi luôn thích một câu của nhà văn Dương Tường: Tôi đứng về phe nước mắt!
+ Những con người rất đỗi bình thường lại dệt nên tấm lòng, tình yêu, đam mê… Tôi cứ tưởng đó là những câu chuyện cổ tích giữa đời thường?
– Đúng vậy. Phải nói rằng, không phải ai cũng có thể trở thành nhân vật trong một tác phẩm phóng sự. Họ có rất nhiều điều đặc biệt, họ có câu chuyện, vấn đề, diễn biến, chiều sâu tâm lý. Họ có sự khác lạ. Chẳng hạn như câu chuyện của một người cha gạt nước mắt viết đơn xin hiến xác con trai khi đứa con trai nhiều năm liền nằm chết thực vật… Câu chuyện tưởng như tàn nhẫn mà rất nhân văn, khi người cha ấy quyết định dâng hiến một phần cơ thể của con mình cho xã hội. Hay một người vợ trẻ, khi chồng nằm chết thực vật, đã dồn hết tiền của, công sức chăm sóc chồng, quyết tâm cứu sống chồng dù còn một tia hy vọng…Hay câu chuyện về người vợ cả của Dũng “đui”, người đã bị hắt hủi nhiều năm, một mình nuôi con nhưng khi chồng bị đi tù, bị nghiện, tất cả mọi người ruồng bỏ thì chị vẫn quay lại chăm lo, yêu thương…Đó là những câu chuyện rất lạ với cuộc sống hôm nay, cần được “khai quật” để nhân lên. Hầu hết các nhân vật mà tôi viết đều có một cuộc đời chìm nổi, nhưng luôn có tấm lòng, nghị lực vươn lên…Đó cũng là những “xóm liều” vươn đến “thảo nguyên” bằng sức lực, trí tuệ và trái tim khao khát sống.
Phóng sự đã đến thời có thể “bật lên”
+ Đã có một thời phóng sự được coi là “đại bác” là “đặc sản” trên các tờ báo. Nhưng tôi thấy, vài năm trở lại đây, phóng sự đang đi xuống, đang “thất sủng”. Phải chăng, những cây viết phóng sự đã…hết đam mê rồi?
– Đúng vậy, có một thời phóng sự là thể loại làm nên một tờ báo. Báo Văn nghệ, An ninh Thế giới, Lao Động, Tiền phong… Từ các tờ báo đó, nhiều tên tuổi phóng sự được biết đến như Huỳnh Dũng Nhân, Nguyễn Quang Vinh, Xuân Ba, Mạnh Việt, Đỗ Doãn Hoàng… Nhưng khoảng mấy năm gần đây, phóng sự đang nhạt dần đi, không có những cây bút phóng sự nổi bật nữa. Tôi cũng đang đi tìm nguyên nhân. Tôi nghĩ một phần cũng là do thói quen đọc báo của độc giả đã thay đổi. Bây giờ báo mạng phát triển mạnh quá. Ngày xưa, công chúng tìm tên tác giả để đọc, còn ngày nay họ tìm tít để đọc. Mặt khác, cũng là bởi những người quản lý báo chí, những người làm báo cũng đang bị choáng ngợp trước xu hướng đó nên người ta phải chạy theo thông tin nhanh, chứ không còn chuộng những bài phóng sự nữa.
+ Nhưng với báo in, liệu phóng sự có thể coi là “cứu cánh” trong cuộc cạnh tranh với báo điện tử hay không, thưa anh?
– Tôi cũng đã nghĩ đến việc đó. Có thể thấy rằng, báo mạng đang phát triển quá nhanh và báo in đang ở… bước đường cùng. Nhưng có một nhược điểm thấy rõ của báo điện tử chính là những thông tin na ná nhau, không có nhiều tác phẩm đặc sắc, để lại dấu ấn. Còn với báo in, sẽ là lợi thế nếu như biết tận dụng phóng sự. Đã đến lúc muốn phát triển thì báo in phải quay về phục vụ một nhu cầu đọc chậm, đọc suy ngẫm… và không có gì phù hợp hơn chính là việc quan tâm đến các tác phẩm phóng sự. Phóng sự sẽ tạo nên sự khác biệt và kéo độc giả tìm đến tờ báo. Tôi nghĩ, bây giờ phóng sự đã đến thời có thể “bật lên”. Nhưng quan trọng là lãnh đạo tờ báo có thể nhìn thấy được điều đó hay không, có tạo cơ chế đặc thù hay không, từ thời gian, công sức, thời lượng… dành cho phóng sự cũng khác biệt so với các thể loại khác. Các tờ báo in không thể cạnh tranh độ nhanh, độ cập nhật, độ hot với báo mạng được thì quân át chủ bài, rất có thể là phóng sự, phóng sự sẽ quay trở lại. Tất nhiên, phải với một hình hài mới.
+ Một hình hài mới, cụ thể là thế nào, thưa anh?
– Phóng sự hấp dẫn phải là một cái tôi chủ động, tương tác với nhân vật, với độc giả. Đó là cái tôi trải nghiệm, chiêm nghiệm, quan sát, cảm nhận chứ không chỉ là cái tôi: tôi đi, tôi đến, tôi viết nữa. Bởi mọi vùng miền đều có dấu chân người, thông tin trong một thế giới phẳng hẳn là khó có được những sự lạ, sự mới mẻ… Điều quan trọng là, nhà báo phải tìm thấy trong cái cũ, cái đời thường những góc cạnh mới hay cách thể hiện mới. Người đọc bây giờ thông minh và sắc sảo hơn nhiều. Bình mới rượu cũ hay bình cũ rượu mới đều không tốt cả. Trong các tác phẩm của tôi, tôi luôn cố gắng nhìn nhân vật dưới góc độ nhân văn, mới lạ và thể hiện bằng một lối viết không lên gân lên cốt, ngắn gọn, cố gắng trong từng câu không bị thừa chữ, vừa vặn để người đọc đón nhận một cách thư thái, chậm rãi và có thời gian suy ngẫm. Cuộc sống cho mình những chi tiết và gạn đục khơi trong để chọn được những chi tiết đắt chính là cách mà tôi sáng tạo tác phẩm của mình.
+ Vâng, xin cảm ơn anh!
Hà Vân (Thực hiện)
Congluạn.vn
Facebook Comments