Nhà báo là ai?

Để bước vào nghề báo, để cầm bút hay cầm máy ghi hình…thì người làm báo phải chú ý những nhận thức sau đây, theo chúng tôi.
Thứ nhất: Làm báo là tham gia trực tiếp vào hoạt động chính trị, cái này thì phải rõ ngay từ đầu. Ai định sống chết với nghề thì phải nhớ như đinh đóng cột rằng: Mình làm báo tức là mình tham gia trực tiếp vào hoạt động chính trị, chứ đây không có lang thang nghệ sĩ gì trong cái chuyện này hết và phải rõ như thế thì mới có thể làm báo được!
Và vì vậy, nhận thức chính trị của một nhà báo phải hết sức sắc bén.Nếu không, mình mơ hồ một chút, ngơ ngẩn một chút trong vấn đề này thì sự nghiệp sụp đổ ngay và người ta không thừa nhận mình làm báo được. Đấy là cái rõ ràng chứ không phải là vấn đề sáng tác nghệ thuật, vấn đề gì đấy mà mình có thể thả hồn bay bổng. Không có cái chuyện ấy! Làm báo chính là như thế đấy!
Và vì thế, tất cả những phẩm chất của người làm chính trị mình phải có đấy. Và ở đây, chúng tôi xin mở một dấu ngoặc khi nói rằng làm báo là trực tiếp tham gia vào hoạt động chính trị. Và vì vậy, nó có một yêu cầu là phải nâng cao nhận thức chính trị để mình có một nhận thức sắc bén.
Điều đó phải hiểu một nét tinh tế sau đây: Khi nói rằng mình phải có một nhận thức sắc bén có nghĩa là gì? Có nghĩa là khi đưa tin, viết bài, ghi hình hay làm gì đấy trong cái nghiệp vụ báo chí của mình, thì người làm báo phải nhớ rằng: Người làm báo phải phục vụ cho một mục đích chính trị, một yêu cầu chính trị, một chế độ chính trị. Cái đấy phải rõ! Và ở đây, phải có một sự phân biệt hết sức tinh tế là thế này: Đứng về phương diện triết học người ta phân biệt ra thành kiến trúc thượng tầng.
Trong kiến trúc thượng tầng như chính trị, văn nghệ, văn hóa, luật pháp, tôn giáo, tín ngưỡng, đạo đức … Đấy là những yếu tố cấu thành, tạo thành cái gọi là kiến trúc thượng tầng. Đấy là một bình diện, nhưng có một bình diện thứ hai phải nhớ tức là về bình diện xã hội, thì mọi yếu tố đều phải phục tùng yếu tố định hướng chính trị. Đấy là yếu tố chính trị. Và vì vậy văn nghệ, văn hóa, giáo dục, luật pháp, báo chí tất cả đều phải phục vụ cái định hướng này tức là chính trị. Và vì vậy, nếu mình nhận thức như thế về mặt khoa học thì không ai ép buộc mình cả!
Cái ngộ nhận của cụ Phan Khôi là trong đấy cụ viết truyện ngắn có một cái ý là như thế này : Tôi và Anh – văn nghệ và chính trị chúng ta cùng vỗ vai nhau đi lên. Cái đấy là cái ngộ nhận! Và vì vậy báo chí khi đã bước vào đây rồi, các anh các chị đã chọn cái nghề này, làm cái nghề của mình thì phải nhớ như đinh đóng cột rằng mình phải phục vụ cho một mục đích chính trị. Và cái gì đã đi ngược lại thì đều không thể được! Đây là lẽ đương nhiên, vì đây là nhận thức khoa học chứ không phải là một sự ép buộc gì hết cả!
Nguyễn Tri Niên

Facebook Comments