Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Phải viết làm sao để chạm tới trái tim độc giả?!

(CLO) “Tôi nghĩ phóng sự mà không có tính văn học và được thể hiện bằng bút pháp văn học thì khó mà hay được. Nhưng cốt lõi phải viết bằng cái tâm, làm cho bạn đọc rung động bằng sự việc mình nêu và cách nhìn vấn đề của mình chứ không phải chỉ ở kỹ thuật viết. Tất nhiên, nêm nếm văn chương vào phóng sự cũng như nêm muối vào canh, nêm vừa đủ nồi canh sẽ ngọt.” – Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân – cây bút phóng sự nổi tiếng đã chia sẻ như vậy khi bàn về phóng sự – thể loại được coi là “khẩu đại bác” của làng báo.

+ Xin ông cho biết, lao động của một nhà báo chuyên viết phóng sự có điểm gì khác so với lao động của một nhà báo nói chung?

Nhà báo chuyên viết phóng sự là người tác nghiệp độc lập cho mảng chủ lực của một tờ báo. Do vậy, các công đoạn lao động sáng tạo một tác phẩm phóng sự hầu như đều do nhà báo suy nghĩ và chủ động đề xuất tất cả những gì liên quan đến hình thức và nội dung để cho ra đời một phóng sự hoàn chỉnh.

Điều khác biệt thứ hai là tính chủ quan của nhà báo. Chúng ta đều biết nhà báo là phải khách quan, viết đúng   sự thật, có thế nào viết như thế ấy, nhưng bạn đọc không chỉ muốn nhìn sự việc như cái nó đã xảy ra mà muốn biết cái bên trong sâu kín nhất của vấn đề. Theo tôi, nhà báo viết phóng sự có thể đem đến cho mọi người một cái nhìn khác thể hiện quan điểm riêng của mình.

Điều khác biệt thứ ba là khả năng khá toàn diện của người viết phóng sự. Anh vừa là người phỏng vấn giỏi, vừa biết quan sát tinh tế, vừa có thể tác nghiệp trong điều kiện khó khăn nhất, vừa biết sử dụng các phương tiện hiện đại… Bên cạnh đó, anh cũng phải biết viết nhiều thể loại để khi cần anh có thể viết tin, sau tin có thể là phản ánh rồi mới đến thể loại chính: phóng sự. Anh cũng phải là người biết thể hiện nhiều giọng điệu: bi, hài, sâu sắc, tự sự, phân tích, phê phán…Và anh cũng phải là người chụp ảnh tốt để có thể khắc họa được những vấn đề chứ không phải là chụp minh họa cho có.

Khác biệt thứ tư, người viết phóng sự phải là người có cá tính. Tức là anh biết bảo vệ quan điểm của anh trước Ban biên tập và biết thể hiện cá tính trong bài viết, khiến bài của anh có màu sắc riêng, phong cách riêng.

Khác biệt thứ 5, đó là chất văn chương của người viết phóng sự. Chính chất văn giúp phóng sự có độ bền, sức sống và trường tồn với thời gian. Cũng có quan điểm cho rằng báo chí phải khách quan, làm gì có khả năng sáng tạo, chỉ cần mô tả sự việc trung thực mà thôi. Nhưng theo tôi, đã viết là sáng tạo, anh phải viết làm sao để chạm tới trái tim độc giả.

                 Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân từng là một cây bút phóng sự nổi tiếng của báo Lao động

+ Vậy theo ông, để đạt tới các yêu cầu đó, những người muốn thử sức mình ở thể loại báo chí này cần phải rèn luyện những gì?

Theo tôi, năng khiếu đóng vai trò quan trọng nhất. Bởi chỉ có năng khiếu mới giúp tác phẩm phóng sự “đứng” được với tờ báo, bạn đọc, và khẳng định tên tuổi với nghề. Bởi có những người không được đào tạo bài bản nhưng có sẵn năng khiếu viết lách, có đam mê, có bản lĩnh, có cái nhìn riêng… là họ viết được.

+ Xin phép được quay trở lại quá khứ, thời ông là một trong những cây bút phóng sự “sung sức” nhất của báo Lao động. Đã có biết bao thế hệ đọc tác phẩm nổi tiếng“Tôi đi bán tôi”, thậm chí có nhiều nhà nghiên cứu báo chí “mổ xẻ” từng con chữ để chỉ ra cái chất phóng sự mang đậm phong cách Huỳnh Dũng Nhân. Riêng tôi, tôi tò mò muốn biết quá trình ông sáng tạo tác phẩm báo chí ấy diễn ra như thế nào?

Như đã nói ở trên, đề tài do tôi tự đề xuất. Khi suy nghĩ về vấn đề hậu chiến, tôi nhận thấy có một thực tế chua xót là đất nước thống nhất rồi, giải phóng rồi, biết bao nhiêu chàng trai từ mặt trận trở về dù sức khỏe tốt, lý lịch tốt, thành tích tốt nhưng không có nghề nghiệp, không nuôi được vợ con và chính bản thân mình, cho nên họ khăn gói quả mướp ra Hà Nội bán sức lao động đang dư thừa nhất, dồi dào nhất.

Tôi chọn viết theo dạng nhập cuộc: Tôi thử đi “bán tôi” xem có được không? Do đó, tôi dễ dàng hòa vào dòng người đang đứng ngồi đầy ở khu Giảng Võ, và nhập cuộc, hỏi chuyện, quan sát, lắng nghe, cảm nhận nỗi lo âu, mặc cảm của dân quê ra thành thị, cảm nhận cái đói, cái nỗi lòng không đem được đồng nào về cho vợ con mình. Tôi “thuê” hẳn một người ra quán nhậu hỏi về những chuyện mà chỉ có bia rượu mới khiến người ta nói ra mà thấm thía được nhiều câu chuyện nhân tình thế thái họ đã trải qua. Sau một ngày nhập cuộc như thế, tôi viết xong phóng sự, được dư luận và cơ quan đánh giá cao. Nói như thế để thấy rằng, đề tài không ở đâu xa, ngay xung quanh ta, vấn đề là ta nhập cuộc thế nào. Cách nhập cuộc khác nhau sẽ dẫn đến cách viết khác nhau.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân hiện là giảng viên khoa báo chí nên thường xuyên tổ chức cho sinh viên đi tác nghiệp để có những tác phẩm hay.


+ Nhưng làm báo theo kiểu nhập cuộc như ông khó có thể ghi âm hay ghi chép được. Có khi nào, ông chỉ nhớ trong đầu rồi viết ra?

Theo tôi, ghi chép, ghi âm bắt buộc phải có nhưng những trường hợp không thể thì phải cố mà nhớ, tối về ghi ngay cho khỏi quên.

Ví dụ, khi viết phóng sự “Lụ man tang” về những phụ nữ là công nhân giao thông, giáo viên, thanh niên xung phong,… sống trên vùng cao quá lứa lỡ thì đành nhắm mắt đưa chân kiếm đứa con ngoài giá thú, tôi nhớ là chủ yếu chứ ít ghi chép. Trong chuyến đi xe khách lên Sơn La, tôi được một chị ngồi cạnh kể cho nghe chuyện này. Lên tới nơi, nhân cuộc họp Công đoàn tỉnh Sơn La, tôi gợi ý chị Chủ tịch Công đoàn đưa đề tài này ra trao đổi thử. Thế là các chị ở công đoàn cơ sở báo cáo tình hình và lúc đó tôi mới ngồi ghi chép. Nhưng ghi trong cuộc họp không thể nào có chuyện hay được mà phải có nhiều chi tiết thông qua những cuộc hỏi chuyện, trao đổi tâm tình. Biết hóng hớt cũng là nghệ thuật của những người viết phóng sự.

Hoặc có lần tôi cùng đoàn nhà báo đi xuyên Việt, ngày đi đêm viết. Ban ngày đi gặp vô số chuyện nhưng cái đầu mình phải giống như bộ lọc, lọc lại cái gì cần nhớ. Được cái đi trên đường có thời gian nghiền ngẫm tư liệu, có chủ định viết về cái gì nên tối tối, tranh thủ lúc mọi người ngủ, tôi viết rồi fax về tòa soạn. Vì thế, cứ đều đặn hai ngày tôi lại có bài đăng báo.

+ Cách “làm phóng sự giống như đi chơi” của ông cũng không dễ bắt chước, bởi sau đó, ông không chỉ viết nhanh mà còn viết giỏi, “cái chất phóng sự và chất văn học hòa quyện bằng những chi tiết ghi chép rất báo chí như có lần nhà nghiên cứu ngôn ngữ báo chí PGS.TS Vũ Quang Hào nhận xét. Vậy chất phóng sự và chất văn học quý giá ấy bắt nguồn từ đâu?

Tôi có hai thuận lợi, được ĐỌC NHIỀU và HỌC NHIỀU. Lớn lên, sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn TP.HCM, tôi là một trong 13 người được Ban tuyên huấn TW chọn ra Bắc học báo chí…

Có lẽ nhờ được sống trong môi trường văn chương, báo chí, nghệ thuật, tập viết từ sớm nên sau này tôi viết rất nhanh, đi nhanh, tìm tư liệu, chọn chi tiết cũng rất nhanh và ít khi bí đề tài. Tôi nghĩ phóng sự mà không có tính văn học và được thể hiện bằng bút pháp văn học thì khó mà hay được. Nhưng cốt lõi phải viết bằng cái tâm, làm cho bạn đọc rung động bằng sự việc mình nêu và cách nhìn vấn đề của mình chứ không phải chỉ ở kỹ thuật viết. Tất nhiên, nêm nếm văn chương vào phóng sự cũng như nêm muối vào canh, nêm vừa đủ nồi canh sẽ ngọt.

+ Xin cảm ơn ông!

 Ngô Hồng Minh (Thực hiện )

Congluan.vn

Facebook Comments