Nhà báo Đình Khải: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”

Nhà báo Đình KhảiNăm 2001 tôi đã không được Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam giao cho một chức trách cao hơn. Đó là thay anh Hoàng Trọng Đan, Trưởng Ban Thời sự nghỉ hưu. Khi ấy, tôi đang là Đảng ủy viên Đảng bộ Đài Tiếng nói Việt Nam, Bí thư Chi bộ Thời sự và Phó Trưởng Ban Thời sự. Tôi lại là một nhà báo năng nổ, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt, từng tham gia hầu như tất cả những công việc quan trọng của đất nước được phản ánh trên sóng Thời sự.

Tôi cũng được đồng nghiệp đánh giá là có uy tín trong công tác đối nội, đối ngoại và đặc biệt là được bạn nghe đài cả nước yêu mến. Nhưng, có lẽ vì nhiều lý do zik-zak và tế nhị bên ngoài cuộc sống mà tôi không biết, hoặc biết mà không tiện nói ra, tôi đã không được đề bạt thay anh Hoàng Trọng Đan làm Trưởng Ban Thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Những ngày trước đó, đã có lần một anh bạn phóng viên của Ban Thời sự mời tôi đi uống cà phê. Anh nói với tôi:

– Theo tôi, ông nên đến thăm nhà ông Trần Mai Hạnh. Nếu ông không biết nhà, hoặc là ông ngại ngần điều gì, thì tôi dẫn ông đi.

Tôi thật thà hỏi lại:

– Nhưng, tôi đến nhà ông Trần Mai Hạnh để làm gì?

– Ông lạ thật đấy. Thế mà cũng phải hỏi. Quà cáp một chút. Nhưng quan trọng hơn là ông trao đổi thêm về tâm tư nguyện vọng của mình để ông ấy quan tâm, tạo điều kiện cho mình thì càng tốt chứ sao. Đài đang tìm người thay thế ông Đan, mà sao ông cứ dửng dưng như không vậy?

Suy nghĩ một lúc, tôi nói với ông bạn:

– Mình nghĩ là không cần. Bởi nếu ông Trần Mai Hạnh đã quyết định bổ nhiệm ai làm Trưởng Ban Thời sự thay ông Đan thì mình đến gặp ông ấy lúc này cũng không cần thiết nữa. Còn nếu không, cũng chẳng nên đến làm phiền ông ấy làm gì.

Cũng phải nói thêm là trong suốt thời gian ông Trần Mai Hạnh về làm Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi chưa đến thăm nhà riêng của ông. Chẳng phải vì tôi lãnh cảm hay thậm chí là coi thường ông ấy. Công việc chuyên môn ở Ban Thời sự quá bận rộn. Tôi lại hay phải đi công tác. Thêm nữa, suốt ngày gặp nhau ở cơ quan, thậm chí đêm giao thừa tôi và ông ấy còn chúc mừng nhau, sau khi tôi hoàn thành cầu phát thanh trực tiếp mừng năm mới. Phải đến hai năm sau, khi ông Trần Mai Hạnh bị quản thúc ở nhà riêng vì vướng vào vòng lao lý liên quan tới vụ án Năm Cam, tôi mới tìm đến nhà riêng thăm ông. Mặc dù lúc ấy tôi nghe nói trước cửa nhà ông luôn có những nhân viên an ninh theo dõi. Nhưng tôi không ngại. Bởi tôi có làm điều gì khuất tất đâu. Tôi đến để thăm hỏi sức khỏe và động viên ông ấy hợp tác với cơ quan điều tra. Tôi không quên lời dạy của người đi trước, rằng những người bạn cùng trang lứa và là đồng nghiệp cùng một cơ quan “lúc hoạn nạn càng cần có nhau”.

Cũng có một chuyện nữa liên quan tới tôi và ông Trần Mai Hạnh. Chuyện xảy ra sau khi tôi không được đề bạt làm Trưởng Ban Thời sự, còn ông Trần Mai Hạnh thì đang bị quản thúc ở nhà riêng. Đó là khi Ủy ban Kiểm tra trung ương về làm việc với Đảng ủy Đài Tiếng nói Việt Nam để xem xét hình thức kỷ luật với ông ấy. Tôi là Đảng ủy viên nên tham dự cuộc làm việc này.

Tại cuộc làm việc, đồng chí đại diện Ủy ban Kiểm tra trung ương nêu ra bốn hình thức kỷ luật và đề nghị các Đảng ủy viên của Đảng ủy Đài Tiếng nói Việt Nam lựa chọn một trong bốn hình thức kỷ luật ấy để bỏ phiếu kỷ luật đối với ông Trần Mai Hạnh. Tôi đã xin phép phát biểu ý kiến:

– Tôi được biết những sai phạm mà đồng chí Trần Mai Hạnh vướng phải xảy ra từ khi đồng chí ấy còn làm việc tại Hội nhà báo Việt Nam. Còn từ khi về làm Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi thấy đồng chí Trần Mai Hạnh đã có nhiều đóng góp trong việc cùng Đảng bộ và Lãnh đạo Đài đổi mới nội dung tuyên truyền, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phát thanh và nâng cao đời sống cho cán bộ công nhân viên toàn Đài. Vì thế, theo nguyên tắc “án tại hồ sơ”, tôi đề nghị đồng chí cung cấp những bằng chứng sai phạm của đồng chí Trần Mai Hạnh, để dựa trên cơ sở đó chúng tôi mới có thể bỏ phiếu hình thức kỷ luật đồng chí ấy được.

Đồng chí đại diện Ủy ban Kiểm tra trung ương hỏi lại tôi:

– Đồng chí Khải phát biểu như vậy có quá thiên về tình không?

Tôi trả lời:

– Chúng ta đều là những con người. Vì thế, phải sống có tình. Tình gì? Tình đồng chí trong Đảng, tình đồng nghiệp, đồng hương, đồng học. Đó là những tình cảm trong sáng. Tôi nghĩ nếu trong Đảng không còn những tình cảm trong sáng ấy, sẽ là một mối nguy.

Sau khi tôi nói thế, đồng chí đại diện Ủy ban Kiểm tra trung ương mới cúi xuống lấy cái cặp tài liệu để bên cạnh ghế ngồi. Đồng chỉ ấy mở cặp và rút ra những tài liệu mà theo đồng chí ấy, bên Công an mới chuyển sang, về những sai phạm của đồng chí Trần Mai Hạnh, để chúng tôi dựa vào đó lựa chọn hình thức bỏ phiếu kỷ luật.

Nhắc lại vài chuyện có liên quan tới ông Trần Mai Hạnh như thế để thấy cái tính cách bộc trực, thằng thắn nhưng có phần thiếu mềm mỏng và tế nhị từ ngày trai trẻ vẫn theo tôi cho đến suốt cuộc đời. Cái tính, cái nết đã hình thành trong mỗi con người từ nhỏ chẳng dễ gì thay đổi được đâu. Tôi nghĩ thế. Lại nhớ tới lời dạy của người xưa: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Cũng vì thế, tôi đã không ít lần thua bạn, kém bè. Nhưng, tôi không tiếc. Bởi bằng sự phấn đấu không mệt mỏi trong suốt cuộc đời, những gì tôi nhận được cũng đâu có ít…

Còn có vài chuyện nữa liên quan tới việc tôi không được đề bạt thay ông Hoàng Trọng Đan làm Trưởng Ban Thời sư. Chẳng hạn, có hôm ông Hoàng Trọng Đan thông báo với tôi: “Cơ quan an ninh Hà Nội cho người sang gặp mình, thông báo rằng ở Ban Thời sự có ai đó cung cấp thông tin cho Sứ quán Mỹ…”  Không khó để tôi hiểu ngay rằng thông tin này là nhằm vào tôi. Bởi cả Ban Thời sự chỉ có một mình tôi liên quan tới Sứ quán Mỹ, vì con gái tôi đang làm nhân viên ở đó…

Cũng bởi thế mà từ sau cái hôm nghe Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Trần Mai Hạnh đọc quyết định đề bạt Trưởng ban Thời sự mới mà không phải là tôi, tôi đã không buồn mà ngược lại, tôi vẫn làm việc rất tận tình, với tinh thần trách nhiệm cao nhất cả trong công tác Đảng và công tác chuyên môn cho đến ngày nghỉ hưu. Lại nghĩ tới chuyện “tái ông thất mã”. Biết đâu trong cái rủi lại chẳng có điều may. Với tôi, đúng là như thế. Bởi nếu tôi làm Trưởng ban Thời sự, thì chắc chắn sẽ rất bận rộn với những công việc hàng ngày ở cơ quan, chứ làm gì còn có thời gian mà đi đây, đi đó đến khắp các sân cỏ của cả nước mà tường thuật bóng đá trong suốt những năm qua.

 

ĐÌNH KHẢI

Facebook Comments