Nhà báo Vũ Quang: “không nên làm báo nếu không…!”

(QBĐT) – Hơn 30 năm gắn bó với nghề báo, cuộc đời ông là những tháng ngày rong ruổi khắp các miền quê, cần mẫn trên từng trang viết và chăm chút cho từng thước phim tài liệu. Niềm vui của nhà báo, đạo diễn Vũ Quang, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo-Bồi dưỡng nghiệp vụ truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam còn là được đứng lớp, truyền dạy kiến thức cho nhiều thế hệ phóng viên, nhà báo. Trò chuyện cùng ông trong những ngày ông tham gia giảng dạy cho lớp tập huấn nghiệp vụ do Báo Quảng Bình tổ chức, tôi mới thấy ở người đàn ông sinh năm 1958 này có một tình yêu đặc biệt với nghề báo, dù con đường đưa ông đến với nghề cũng khá gập ghềnh.
– Ông đến với nghề báo như thế nào, thưa ông?
– Tôi yêu nghề báo khi còn là học sinh cấp 3 của trường Việt Đức, Hà Nội, nhưng không hiểu sao lại chọn thi sư phạm, rồi rớt. Tháng 10-1976, tôi nhập ngũ và đầu quân vào Sư đoàn 386. Tôi mang những quyển sách tiếng Nga trong balo và âm thầm học trong suốt 5 năm quân ngũ. Ra quân vẫn không được thi vào Phân viện Báo chí và Tuyên truyền vì khi đó họ chỉ tuyển cán bộ, phóng viên đi học. Năm 1982, tôi xin đi làm việc ở Liên Xô để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ nuôi các em nhưng vẫn không quên ước mơ làm báo ngày trước. Vừa làm, tôi vừa tập tành viết báo.
Năm 1986, bài báo đầu tiên của tôi được đăng trên trang 3 Báo Quân đội nhân dân. Sau hàng chục bài báo, cuối cùng, tháng 8-1987, tôi đã thi đỗ vào Phân viện Báo chí và Tuyên truyền, nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Sau 4 năm học tập, tôi nhận tấm bằng cử nhân báo chí chuyên ngành truyền hình và gắn bó với VTV đến khi nghỉ hưu.
Phóng viên Báo Quảng Bình tác nghiệp tại phá Hạc Hải (huyện Lệ Thủy).
– Thì ra con đường đến với nghề báo của ông cũng khá gian nan. Vậy ai là người thầy đầu tiên trong nghề của ông?
– Đó là nhà báo Lê Phúc Nguyên. Năm 1986, ông là Phó phòng Biên tập quân sự, Báo Quân đội nhân dân. Sau này, ông lên cấp trung tướng và là Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân.
Tôi nhớ, khi mới từ Liên Xô (cũ) trở về, đến gặp ông ở tòa soạn, ông hỏi tôi: “Quang học trường nào ở Liên Xô?”. Tôi trả lời: “Em là công nhân ở một nhà máy ắc-quy tại Liên Xô”. Ông thực sự sửng sốt vì không nghĩ một công nhân lao động xuất khẩu lại viết báo tốt! Rồi ông hướng dẫn và giúp đỡ tôi rất nhiều. Tôi thực sự cảm ơn ông, người thầy đầu tiên biên tập cho tôi-một người viết báo theo bản năng.
– Và cả nước Nga nữa chứ ạ?
– Đúng vậy! Tôi phải cảm ơn đất nước Nga, tiếng Nga đã giúp tôi bước vào nghề báo dù trước đó, chưa một ngày được học báo chí.
– Ông từng chia sẻ, ngay từ ngày còn là học sinh, ông vốn không thích nghề sư phạm nhưng vì sao bây giờ nhà báo Vũ Quang lại là giảng viên báo chí?
– (Cười) Năm 1999, sau 8 năm làm phóng viên truyền hình, tôi nhận được lời mời về làm Trưởng phòng Giáo vụ của Trung tâm Đào tạo-Bồi dưỡng truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam. Vì vị trí công tác nên tôi phải đứng bục giảng dạy. Chứ không lẽ một trưởng phòng đào tạo lại không đứng lớp? Tôi học tập và rèn luyện để đến bây giờ có thể giảng từng chuyên đề 60 tiết đến 90 tiết cho sinh viên báo chí, truyền hình và các khóa học của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam. Đến giờ, tôi cũng không biết duyên cớ gì mà từ một chàng trai không thích nghề giáo lại trở thành một ông giáo dạy báo chí và truyền hình?!
– Trong xu thế phát triển của báo chí hiện đại, các cơ quan báo chí có cả báo nói, báo viết và truyền hình. Điều đó đòi hỏi những phóng viên, nhà báo cần những phẩm chất gì, thưa ông?
– Trong thời này, một nhà báo cần phải thường xuyên cập nhật nhiều thứ. Ngoài việc cập nhật công nghệ để phục vụ cho việc sáng tạo tác phẩm, nhà báo cần cập nhật kiến thức chuyên ngành. Tư duy về hình ảnh của truyền hình khác với cách tư duy bằng câu chữ của báo viết bởi hình ảnh trong truyền hình là chính văn, ngôn ngữ là thứ văn. Còn với báo viết đương nhiên ngôn từ là chính văn còn hình ảnh trở thành thứ văn.
– Và còn thêm những yếu tố nào nữa để làm nên thành công của một nhà báo?
– Nhiều chứ. Ai đó đã nói: Nhà báo là người luôn tìm thấy cái bất thường trong cái bình thường. Rõ ràng, dù ở thời nào thì kiến thức, kinh nghiệm của nhà báo là tìm kiếm và phát hiện đề tài. Có được góc nhìn hay nhìn thấy từng nhát cắt vô cùng phong phú, đa tầng của cuộc sống chính là tài năng của mỗi nhà báo. Một nhà báo giỏi không bao giờ cạn đề tài và ý tưởng. Thêm nữa, họ phải là một người phỏng vấn hay. Đây là kỹ năng cần thiết số 1 của nhà báo dù làm báo viết, phát thanh hay truyền hình. Với tôi, “không có nhân vật tồi chỉ có nhà báo phỏng vấn tồi”.
Nhà báo, đạo diễn Vũ Quang tại Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (huyện Lệ Thủy).
– Ông từng chia sẻ: “Khi các bạn không quan tâm đến thân phận của con người trong xã hội thì các bạn không nên làm báo, không nên làm nghệ thuật”. Vì sao vậy, thưa ông?
– Nhắc đến điều này, tôi muốn kể cho bạn nghe về kỷ niệm này. Đó là năm 1999, tôi làm phim “Chuyện ở phá Tam Giang” với câu chuyện của đôi vợ chồng ngư dân mù chữ có 9 đứa con sống trong chiếc thuyền vỏn vẹn 8m2. Câu chuyện đời của họ thực sự rất buồn. Buồn đến mức mà cả khi bấm máy cho đến tận bây giờ, hơn 20 năm trôi qua, nhưng cuộc đời của các nhân vật trong phim vẫn cứ ám ảnh tôi mãi không thôi.
Nói vậy để hiểu, làm báo là lao động sáng tạo vì con người và vì sự phát triển văn minh của xã hội. Cách tốt nhất của làm báo là kể lại câu chuyện của con người một cách chân thực và sinh động nhất. Dù là phóng sự hay phim tài liệu thì cách làm hay nhất là chính là bằng nhân vật.
– Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này. Kính chúc ông có một ngày lễ kỷ niệm 21-6 thật sự ý nghĩa!
Nhà báo, đạo diễn Vũ Quang tên thật là Vũ Văn Quang, sinh năm 1958 tại Hà Nội. Ông nguyên là Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo-Bồi dưỡng nghiệp vụ truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam. Trong cuộc đời làm báo của mình, ông đã có nhiều tác phẩm để lại dấu ấn và gặt hái nhiều giải thưởng tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc, Giải báo chí Quốc gia… Ông hiện là giảng viên của các trường: đại học Sân khấu-Điện ảnh, đại học Hòa Bình và đại học Văn hóa-Nghệ thuật quân đội. Ông cũng là thành viên Ban giám khảo của Giải Báo chí Quốc gia từ năm 2013 đến nay.
Diệu Hương (thực hiện)

Facebook Comments