Nhiều người tiếc, Phan Khôi là tên tuổi lớn nhưng không có được những tác phẩm lớn vì ông chỉ là… nhà báo. Nhưng làm báo như ông xưa nay ít ai sánh kịp!
Phan Khôi và gia đình. |
Phan Khôi (1887-1959) là một nhà nho, nhà duy tân, nhà cách mạng, nhà thơ, nhà phê bình văn học, dịch giả, nhà ngôn ngữ, nhà phản biện xuất sắc… Nhưng tất cả những “nhà” ấy đều “làm nên” hoặc “từ” nhà báo mà ra. Nói đến Phan Khôi dù ở lãnh vực nào người ta đều gọi: nhà báo Phan Khôi.
Nhà báo xuất sắc
Lê Minh Quốc trong “Người Quảng Nam” (Nxb Đà Nẵng, 2001) viết: “Ngoài cụ Huỳnh Thúc Kháng, nếu phải chọn lấy một nhà báo tiêu biểu nhất của xứ Quảng trong thế kỷ 20, tôi sẽ chọn lấy Phan Khôi. Đó là hình ảnh kỳ lạ nhất, cô độc nhất, bản lĩnh nhất của lịch sử báo chí Việt Nam hiện đại”.
Còn nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân thì cho rằng: “Phan Khôi hiện diện trước xã hội, trước cuộc đời này chỉ với tư cách nhà báo; người ta biết ông chủ yếu qua những gì ông viết ra đăng lên báo chí; nhưng, qua hoạt động báo chí, Phan Khôi chứng tỏ mình còn là một học giả, một nhà tư tưởng, một nhà văn…” (Tạp chí Tia Sáng). TS.Nguyễn Hưng Quốc cũng cùng quan điểm: “Tự bản chất, ông là một nhà báo hơn là một nhà văn”. Nhưng nhà báo Phan Khôi lại có cái rất riêng: “Mải mê theo đuổi chân lý, Phan Khôi quan tâm đến rất nhiều khía cạnh khác nhau: đề tài của ông, ngoài chuyện thơ văn, còn là chuyện chính trị, chuyện xã hội, chuyện triết học và ngôn ngữ học… Là một nhà báo chuyên nghiệp, nhưng ông lại không quan tâm đến thời sự mà chỉ quan tâm đến cái lý đằng sau các biến động, các sự việc của thời sự. Văn chương báo chí của ông, bởi vậy, nặng tính chất lý luận hơn là tường thuật. Lý luận của ông, do gắn liền với thực tế, xuất phát từ thực tế, thường xuyên va chạm với các thành kiến, thiên kiến của xã hội, do đó, mang nhiều yếu tố luận chiến…”. (Một nửa cuốn sách).
Xin giới thiệu một số điều mang tính “thống kê” và “giai thoại” về cuộc đời làm báo của ông để thấy ông là một nhà báo “hoành tráng”!
Thứ nhất, Phan Khôi đã dùng gần 56% của 72 năm cuộc đời mình (1887-1959) cho việc viết báo (gồm: 6 năm tuổi nhỏ, 16 năm học chữ Hán và đi thi, 2 năm tham gia phong trào Duy tân, 3 năm ở tù, 40 năm làm báo). Bài báo đầu tiên của ông đăng trên Nam Phong vào năm 1918, bài cuối cùng của ông đăng trên Tạp chí Văn (Hội Nhà văn Việt Nam) năm 1958.
Thứ hai, để làm nhà báo Phan Khôi đã rời gia đình ở quê (làng Bảo An, Điện Bàn), một mình lưu lạc khắp cả nước, hết ra Bắc (Hà Nội, Hải Phòng) lại vào Nam (Sài Gòn) rồi lại về Trung (Huế). Ông cũng đã từng xuống tận Cà Mau và lên tận Việt Bắc và với chỉ một mục đích: làm báo!
Thứ ba, Phan Khôi đã viết hàng ngàn bài báo về đủ mọi đề tài, cộng tác với ít nhất là 27 tờ báo khác nhau, một con số khó tin nhất là vào thời kỳ nền báo chí nước ta còn phôi thai, có thể kể: Nam Phong, Lục tỉnh Tân văn, Thực nghiệp dân báo, Hữu Thanh, Đông Pháp thời báo, Thần Chung, Phụ nữ tân văn, Trung lập, Quần Báo, Hoa Kiều, Ngọ Báo, Đông – Tây, Phổ Thông, Phụ Nữ Thời đàm, Tràng An, Sông Hương, Hà Nội báo, Đông Dương tạp chí, Thời vụ, Dư Luận, Tao Đàn, Điện tín, Dân báo, Nhân Dân, Văn Nghệ, Nhân văn, Văn… Và ông ký ít nhất 15 bút danh khác nhau: Chương Dân, K, Kh, CD, Tân Việt, Khải Minh Tử, TC, Thần Chung, PNTV, Thông Reo, T.A, Tuệ Tinh, Sao Đuôi, Hy Tô, Thạch Bổ Thiên….
Ông cũng là người đã từng nhận nhuận bút… khủng. Nhà phê bình Thiếu Sơn cho biết: “Hồi đó, vào khoảng 1930, một bài văn được trả 5 đồng tiền nhuận bút là hậu lắm rồi. Vậy mà Phụ nữ tân văn dám trả 25 đồng một bài cho ông Phan. Một tháng 4 bài 100 đồng, tức hơn lương công chức ngạch cao cấp ở huyện, phủ. Như vậy thì đâu phải văn chương hạ giới rẻ như bèo”. Vào năm 1930, giá một tạ gạo chỉ vào khoảng 8,6 đồng. Như vậy một tháng chỉ với 4 bài báo Phan Khôi đã nhận nhuận bút… gần 1,2 tấn gạo!
Và hai điều… tiếc!
Hệ lụy thứ nhất là việc lấy vợ bé. Phan Khôi là người lên án nặng nề chế độ đại gia đình, ủng hộ nhiệt tình cho nữ quyền nhưng vì nghề báo nên bản thân ông không thể làm gương được cho việc này. Phan Thị Mỹ Khanh trong “Nhớ cha tôi – Phan Khôi” cho biết: “Vào khoảng cuối năm 1932 cha tôi ở Sài Gòn viết thư về cho ông ngoại tôi xin phép được lấy vợ bé với lý do là cần có người đi theo để giúp đỡ việc ăn uống, giặt giũ vì không thể cứ đi làm việc mà ăn cơm hàng quán mãi được. Mẹ tôi thì lại không được bỏ ông tôi, cơ ngơi nhà cửa và đàn con mà đi theo chồng…” (Nxb Đà Nẵng, 2001). Và đích thân vợ ông phải đi tìm vợ bé cho ông. Không vừa ý, sau này ông tự đi tìm. Rất may là mọi chuyện đều tốt đẹp!
Thứ hai, hậu thế tiếc giá ông không phải là… nhà báo. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hưng Quốc cho rằng Phan Khôi “Là một tên tuổi lớn, nhưng không phải là một nhà thơ lớn, không phải là một nhà văn lớn, không phải là một học giả lớn” vì ông… chỉ viết báo: “Phan Khôi đi tiên phong trong rất nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, cái mới, cái lớn của Phan Khôi lại hiếm khi kết tinh vào trong tác phẩm. Tác phẩm của Phan Khôi thường chỉ là các bài báo, rải rác và tản mạn, nổi bật giữa cơ man các bài báo khác ở những cách nhìn và cách viết sắc sảo, độc đáo, nhưng, dù sao, chúng vẫn là những bài báo, gắn liền với những thời điểm, những biến cố cụ thể, nhất định. Chúng khó mà đứng vững với thời gian”. Vì thế “ông là một khuôn mặt lớn, một phong cách lớn mà lại không có tác phẩm lớn tương xứng. Ông là thứ cây chỉ ra mỗi một đợt trái đầu mùa, rồi thôi. Nói theo ngôn ngữ bóng đá, ông là người phát bóng cực giỏi nhưng bản thân ông thì lại ít khi ghi được bàn thắng. Đọc ông, có cảm giác như mới đọc một nửa cuốn sách. Tuyệt hay, nhưng chỉ có một nửa. Nửa kia, nằm ở cuộc đời của ông” (Một nửa cuốn sách).
Nhưng nói đi phải nói lại, phải với ngòi bút của nhà báo, Phan Khôi mới có thể “đâm thẳng” vào tất cả “ngõ ngách” của thời sự, những vấn đề rất ư nhạy cảm của xã hội ta vào lúc đó. Làm một nhà biên khảo liệu ông có được cơ hội để bàn về vấn đề nữ quyền, đại gia đình, vấn đề viết đúng chính tả và ngữ pháp, vấn đề sự thật lịch sử, vấn đề “học phiệt”… và rất nhiều vấn đề mới mẻ và “nhạy cảm” khác để châm ngòi cho nhiều cuộc bút chiến, làm sáng tỏ thêm nhiều câu chuyện của đất nước.
Và vì vậy, chỉ cần là nhà báo thôi, Phan Khôi cũng đã hết sức “hoành tráng” dưới mắt hậu thế!
LÊ THÍ
baoquangnam.vn
Facebook Comments