VTVnet – Tạp chí truyền hình (TCTH) Kì 2 tháng 6: Vốn con nhà nòi, được cha hướng đi theo nghiệp biên kịch, song con đường mà Hoàng Tích Thiện đã chọn lại là quay phim. Đó là cách anh muốn trải nghiệm bằng những chuyến rong ruổi đi đến các vùng miền của đất nước, khám phá con đường mới, góc quay mới. Anh đã có giải thưởng Quay phim xuất sắc nhất tại Cánh diều Vàng 2017 với bộ phim Thương nhớ ở ai…
Tôi được biết, ngày nhỏ, anh đã có một ước muốn rất thú vị là trở thành một người lái xe?
Hồi học phổ thông, tôi từng ước mơ làm tài xế xe tải đường dài để có cơ hội được đi đây, đi đó. Thần tượng của tôi lúc đó là anh hàng xóm làm nghề lái xe. Tôi luôn bị mê đắm bởi những câu chuyện hấp dẫn mà anh kể lại sau những chuyến đi. Tuy nhiên, bố tôi đã làm cho tôi hiểu ra còn nhiều những nghề khác vẫn có thể được đi, được khám phá rất nhiều và một trong những nghề đó là nghề quay phim…
Nhưng bố anh là một nhà biên kịch rất có tiếng?
Chính vì làm biên kịch, làm nghệ thuật mà bố tôi có tác động rất lớn đên sự lựa chọn nghề nghiệp của tôi. Từ thưở bé tôi đã sống trong môi trường điện ảnh, được tiếp xúc với các cô chú văn nghệ sĩ. Đặc biệt, ngay từ nhỏ tôi được bố cho đọc rất nhiều sách báo. Trong môi trường ấy, dần dần mình bắt đầu có tình yêu với văn chương, nghệ thuật.
Nghiệp quay phim chính thức đến với anh từ khi nào?
Thời tôi mới vào nghề, quay phim là một vực mới, rất thú vị. Nó đặc biệt cuốn hút và phù hợp với đàn ông. Tôi cũng rất thích. Mặt khác, bố tôi cũng không phản đối gì, ông chỉ nói, làm công việc gì cũng cần phải có đam mê. Vậy là tôi theo lớp quay phim. Năm 1996 khi tôi về thực tập tại Trung tâm nghe nhìn (nay là Trung tâm sản xuất phim truyền hình – VFC). Thời điểm đó tôi được giao làm phụ quay cho dự án phim Gió qua miền tối sáng. Ngay khi phim bắt đầu bấm máy, vì một vài lí do khách quan, tôi đã được tin tưởng giao cho trọng trách quay phim bộ phim này. Sau khi bộ phim này hoàn thành,tôi được kí hợp đồng chính thức.
Phản ứng của bố anh lúc ấy?
Ông rất giận khi tôi quyết định chọn VFC là nơi gắn bó sự nghiệp của mình, vì ông mong muốn tôi sẽ về cơ quan ông đang công tác. Thời điểm đó, với một người trẻ mới ra trường như tôi thì làm truyền hình là một cách thể hiện mới mẻ. Tôi đã có cuộc nói chuyện thẳng thắn với bố về tất cả những suy nghĩ của mình, tôi muốn tự tìm cho mình một lối đi riêng, có dấu ấn cá nhân và dám trải nghiệm, càng mới mẻ càng phải khám phá. Cuối cùng bố lại ủng hộ tôi.
Quay phim tại VTV có rất nhiều mảnh đất để phát huy năng lực như làm phóng sự, phim tài liệu, giải trí… sao anh lại chọn lĩnh vực phim truyền hình?
Trong lĩnh vực bao gồm nhiều thể loại như truyền hình thì thể loại mà tôi luôn đam mê đó là phim truyện truyền hình. Thứ nhất đó là địa chỉ, là lĩnh vực mà tôi có cơ duyên gắn bó ngay từ ngày mình chưa có khái niệm gì về lĩnh vực này. Thêm nữa, phải là người trong cuộc mới biết, phim truyền hình có những thú vị mà các thể loại, các lĩnh vực khác không có được, nó có cả sự chặt chẽ,chuẩn chỉ của kĩ thuật lẫn sự bay bổng, độ “phiêu” của nghệ thuật. Được sống giữa những điều đó là một cảm giác rất tuyệt vời.
Trải qua hơn 20 năm làm nghề, theo anh, những yếu tố cần có cho một nhà quay phim các tác phẩm điện ảnh là gì?
Tôi nhớ tới lời nói của bố tôi cách đây hơn 20 năm, làm công việc gì cũng cần phải có đam mê. Quay phim không thể không có tình yêu và sự đam mê dành cho công việc và tỉ mỉ trong từng khung hình.Muốn có thước phim đẹp thì anh cũng cần có cảm xúc, cảm hứng để nắm được cái thần của diễn viên. Nếu nghĩ quay phim chỉ là công việc đứng sau ống kính thì thực sự sai lầm. Tôi nhớ mãi cảm xúc khi làm phim Ranh giới. Đó là bộ phim không biết bao nhiêu lần tôi đọc kịch bản và khóc. Kịch bản quá hay và đặc biệt, dù nghiệp dư nhưng diễn viên nhí vào vai rất đạt. Có cảnh khóc tôi đã quay lại 2 đúp nhưng cô bé không thể khóc được. Cả đoàn đang ngồi chơi thì cô bé bỗng dưng oà khóc nức nở. Tôi vồ lấy máy và chộp được khoảnh khắc xuất thần đó. Đến khi cảnh quay xong, mọi người sững sờ lặng đi. Muốn có cảnh quay đẹp, lạ mắt đòi hỏi người quay phim phải sáng tạo. không đi theo lối mòn. Tôi tâm niệm hình ảnh phải là tấm gương phản ánh rõ nét nhất cảm xúc của nhân vật trong từng thời điểm.
Ấn tượng đáng nhớ nhất của anh trong những tháng ngày làm phim Thương nhớ ở ai là gì?
Cảm xúc mạnh nhất của tôi trong Thương nhớ ở ai là khi ghi hình phân đoạn diễn viên Jimmy Khánh hát (tửu ca) ở đình Chu Quyến. Khi thể hiện đoạn này, Jimmy Khánh đã có những diễn xuất rất bản năng, hài hước và đáng yêu đã thay đổi cảm xúc cả đoàn phim.
Anh luôn cố gắng để không đi theo lối mònXin được hỏi, đây có phải bộ phim anh ưng ý nhất về mặt chuyên môn?
Có lẽ, sau hơn 20 năm làm nghề, đây là một bộ phim khiến tôi bị ám ảnh vì câu chuyện của các nhân vật trong phim. Đặc biệt, khi ngồi cùng đạo diễn Bùi Thọ Thịnh xem bản hoà âm cuối cùng của phim, tôi vẫn còn nguyên cảm xúc ấy. Đúng là trong lĩnh vực của mình, đây là tác phẩm mang lại nhiều chất xúc tác để tôi thăng hoa.
Công nghệ cùng những kĩ thuật quay hiện đại trong Thương nhớ ở ai đã được các anh áp dụng như thế nào?
Đây là dự án phim có yêu cầu rất cao về hình ảnh, nó đòi hỏi ngay từ những bước đầu tiên của dự án phải có sự đồng bộ giữa đội ngũ làm kĩ xảo và ekip quay phim. Quan trọng hơn cả là khán giả thấy sự sinh động và chân thực của một ngôi làng với những nét đặc trưng của đồng bằng Bắc bộ. Ngôi làng đó được lắp ghép từ 18 ngôi làng trên toàn quốc. Thương nhớ ở ai là bộ phim truyền hình được sử dụng khối lượng kĩ xảo khổng lồ với hơn 2000 cảnh. Nói rõ thì rất khó nhưng có thể khẳng định, đây là một trong những bộ phim có cảnh quay đẹp, kì công, được kết hợp hài hòa từ kĩ thuật hiện đại, sự thăng hoa của con người trên nền một kịch bản truyện tuyệt vời.
Kế hoạch sắp tới của anh là gì?
Kế hoạch sắp tới của tôi là chuẩn bị cho mình tâm trạng và thể lực tốt nhất để đón nhận các dự án mới.
Nguyễn Văn Quân
VTVnet
Facebook Comments