Nhà báo khác với một người đưa tin thông thường như ngày nay người ta vẫn làm trên mạng xã hội là ở tính trách nhiệm. Nhà báo không phải chỉ là người dùng công cụ để đưa tin, cứ có những gì mắt thấy tai nghe được là đưa lên, mà còn là người xử lí thông tin, thẩm định thông tin, truyền tới công chúng những thông tin có trách nhiệm. Đó là trăn trở của GS Nguyễn Lân Dũng về công việc của những nhà báo trong guồng quay thông tin đa dạng và dồn dập hiện nay.
GS Nguyễn Lân Dũng.
PV: Thưa giáo sư, làm báo trong bối cảnh thông tin lan truyền trên mạng xã hội nói riêng và trên internet nói chung rất nhanh chóng vừa là cơ hội cũng là thách thức lớn đối với phóng viên nói riêng và mỗi tòa soạn nói chung. Giáo sư chia sẻ gì về suy nghĩ này?
GS Nguyễn Lân Dũng: Chắc chắn là như vậy. Trách nhiệm phóng viên, biên tập viên bây giờ không chỉ là đưa tin nhanh, kịp thời đến độc giả mà còn phải chính xác, tức là cần phải kiểm chứng thông tin trước khi đăng để tránh làm ảnh hưởng đến độc giả.Chúng ta biết rằng khi nói về nhà báo Bác Hồ đã căn dặn:“Viết phải thiết thực, nói có sách mách có chứng, tức là nói việc ấy ở đâu, thế nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả ra sao”. Khi được hỏi về kinh nghiệm viết báo, làm báo thì Bác nói:“ Kinh nghiệm viết báo của Bác là phải viết chính xác, phải đọc đi đọc lại bài viết của mình”.
Đặt trong bối cảnh hiện nay, với nhiều phương tiện để lan truyền thông tin và mọi thông tin đều có quyền và có điều kiện để xuất hiện thì không phải chỉ nhà báo mới có thể cung cấp thông tin đến công chúng. Mặt tích cực như chúng ta đã biết là thông tin luôn phong phú, đa dạng, cực kỳ nhanh nhạy. Nhưng vì không có ai kiểm chứng, không ai chịu trách nhiệm về nguồn gốc của thông tin nên nếu thông tin được thổi phồng, thậm chí thông tin theo hướng cố tình bẻ cong sự thật vì động cơ nào đó thì rõ ràng sẽ gây hoang mang dư luận. Ngay cả khi đã có thông tin cải chính mạnh mẽ thì việc nói lại, phản biện lại cũng không dễ dàng gì.
Vậy cách nào để phân biệt đâu là thông tin của nhà báo đưa ra và đâu là tin trên mạng thông thường? Đó chính là sự trung thực, phản ánh hiện thực khách quan, nói cách khác là trách nhiệm của nhà báo khi thể hiện bất cứ tác phẩm báo chí nào, dù chỉ là một tin vài trăm chữ hay một bài báo lên đến hàng vạn chữ.
Trách nhiệm của báo chí, như giáo sư đã nói là phản ánh hiện thực khách quan một cách trung thực. Nhưng có phải sự việc nào cũng cần đưa lên mặt báo và đưa như thế nào để không làm độc giả bất an cũng là một câu chuyện đáng để suy nghĩ, thưa giáo sư?
– Như tôi đã nói ở trên, mọi thông tin đều có quyền xuất hiện trên mặt báo. Nhưng báo chí khác mạng xã hội ở chỗ biết “lọc” những thông tin cần thiết cho độc giả. Đó là lý do nếu anh em phóng viên cứ “chạy” theo, thậm chí bị chi phối nhiều bởi thông tin trên mạng xã hội thì có thể khai thác được những vấn đề nóng theo nghĩa là những câu chuyện được nhiều người comment, chia sẻ. Nhưng trong những đề tài đó, không phải vấn đề nào cũng quan trọng, thiết yếu đối với đời sống của một quốc gia. Vai trò định hướng dư luận của báo chí có nguy cơ bị xem nhẹ.
Bên cạnh đó, tôi cũng cho rằng báo chí khi phản ánh hiện thực nhưng cũng đồng thời qua đó giúp độc giả tin vào sự tích cực, không cảm thấy bất an, để con người đứng trước cái xấu mà không cảm thấy tuyệt vọng. Tất nhiên, để làm được điều đó không chỉ đòi hỏi một trình độ nghề nghiệp vững vàng mà cần đến cả cái tâm của một nhà báo chân chính!
Về trách nhiệm quản lý, giám sát và phản biện xã hội của báo chí thì sao, thưa ông?
– Một trong những chức năng cơ bản của báo chí là tham gia quản lý, giám sát và phản biện xã hội. Báo chí quản lý, giám sát, phản biện xã hội bằng dư luận xã hội. Chỉ có thông qua dư luận xã hội, báo chí mới làm tròn trách nhiệm của mình là cầu nối quan trọng của Đảng, nhà nước với nhân dân; là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, diễn đàn của quần chúng nhân dân.
Báo chí, bằng chức năng, nhiệm vụ của mình đã hàng ngày, hàng giờ thực hiện công tác giám sát- phản biện xã hội một cách tích cực. Để làm tốt hơn nữa chức năng này của báo chí, theo tôi cần nâng cao về nhận thức của xã hội đối với giám sát-phản biện xã hội, hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm đảm bảo cho quá trình giám sát-phản biện xã hội có thể đi đến tận cùng của vấn đề.
“Mỗi người làm báo cần thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, không “uốn cong ngòi bút” trước những cám dỗ, tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường.
Trân trọng cảm ơn giáo sư!
Thu Hương (thực hiện)
Daidoanket.vn
Facebook Comments