Dưỡng khí của nghề báo

 Từng tự bạch: “Báo chí – Nghề nghiệt ngã” , “Văn chương – Nghề nhọc nhằn”! Thế nhưng, tham dự buổi giao lưu với nữ nhà văn, nhà báo Marta Rojas về tình hình văn học, báo chí, về đất nước Cu Ba hiện tại và tương lai, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hà Nội hồi giữa tháng 4, khiến tôi thêm ngẫm ngợi.

Nhân loại được như hôm nay có nhẽ cũng nhờ tính tò mò của con người

Tò mò giúp nhân loại sáng tỏ muôn vàn bí ẩn

Nguyên cớ nào khiến Marta Rojas trọn đời đam mê với nghề và thành đạt lớn cả văn lẫn báo? Marta Rojas buông lời nhẹ bâng: Bởi tính tò mò. Tò mò làm nên con người tôi! Ngừng giây lát, bà diễn giải: Thời nhỏ, có ý định vào Ngành Y. Thấy tôi có tính tò mò nên bạn bè khuyên: Hãy theo nghề báo, nghề văn! Thế rồi, hai nghề này cột lấy cuộc đời tôi. Nay, đã 80, tôi vẫn nặng tính tò mò! Vẫn say viết báo, viết văn!

Nhờ bản năng thiên bẩm về tính tò mò của con người nên chúng ta mới có cuộc sống tươi đẹp, phong phú như ngày nay! Đối mặt với sự tò mò có nghĩa là chúng ta phải lùng sục thông tin; chứng minh, cắt nghĩa nguyên cớ, lý giải bản chất của vấn đề, vụ việc, sự kiện dù đó là lĩnh vực tự nhiên hay xã hội. Tò mò, vốn dĩ là đức hạnh, là công việc thường nhật của nhà văn – nhà báo!…

Marta Rojas sôi nổi nói về sự “tò mò”, về khám phá, phát hiện, thu thập thông tin với vô vàn gian khó, tỉ mẩn, hiểm nguy của bản thân để tạo nên thiên phóng sự chính xác đến từng giây từng phút, cùng những bình luận, đánh giá sát thực về “Phiên tòa Môn-ca-đa” với Phidel, trước mọi sự tàn độc của Đế quốc… Tò mò, giúp bà viết thành công tiểu thuyết tình yêu “Bí ẩn ngọt ngào” ngay lúc còn ngồi ghế trường phổ thông trung học… Tò mò, thôi thúc bà đến với miền Nam Việt Nam làm phóng viên chiến trường từ những năm 60 của thế kỷ trước; là thành viên sáng lập ra Ủy ban đoàn kết Cu Ba – Việt Nam; thành viên của Ủy ban tại Mặt trận miền Nam Việt Nam năm 1963… để rồi cho ra đời các cuốn sách: “Miền Nam Việt Nam vũ khí chiến lược và nhân dân”, “Câu chuyện về Việt Nam” và “Truyện ngắn về Việt Nam”…

Đức hạnh lớn lao nhất ở Marta Rojas chính là tính tò mò, khát khao cháy lòng, cháy dạ cho sự thật, cho công bằng và lẽ phải của con người; không bao giờ, vì bất kỳ lý do gì mà quay lưng lại với cuộc đời. Bởi thế, Marta Rojas mới trở thành nữ nhà báo – nhà văn lớn, tỏa sáng trên đất nước Cu Ba!

Theo cách nghĩ của người Việt chúng ta, người có tính tò mò là người hay dò hỏi, săm soi, hiếu trí, hiếu kỳ; ham hiểu biết, thích tìm tòi cho ra nhẽ tuốt tuồn tuột bất cứ điều gì nhằm thỏa mãn sự hiểu biết hoặc lòng ham muốn nào đó. Nhìn theo hướng tích cực, đó là đức hạnh tự thân cần có và rất đáng quý của con người. Nó chính là yếu tố giúp loài người ngày càng chiếm lĩnh đỉnh cao của khoa học, giúp con người có được cuộc sống phong phú như ngày hôm nay.

Cho nên, tò mò chính là tố chất của nhà báo ẩn sâu trong thông tin là tính khoa học, văn hóa và tính mục đích (chính trị). Lao động báo chí là lao động có tính nghệ thuật, sáng tạo, lao động tư duy. Tò mò là nguồn sinh khí bồi đắp sức sống cho nghề báo… Mọi thể loại báo chí đều phải có luận cứ, chứng cứ khoa học vững chắc đúng bản chất sự thật mới thuyết phục được người đọc, người nghe, người xem tin theo, làm theo.

Buổi gặp gỡ giao lưu với những người bạn Cuba tại Hà Nội

Không để trí tò mò sa đà vào mọi thứ

Sự đồng hành son sắt của báo chí Việt Nam với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc gần thế kỷ qua là của cải vô giá, là biểu tượng của những tâm hồn ngồn ngộn sinh lực của các thế hệ nhà báo tạo lập nên.

Hơn nữa, tò mò khi tìm kiếm, thu thập thông tin, cắt nghĩa lý giải vấn đề, sự kiện giúp nhà báo bồi đắp, mở mang thêm kiến thức, tầm nhìn lớn rộng, làm mới tư duy. Là nhà báo có đức hạnh, chắc chắn công việc sáng tạo tác phẩm sẽ hiệu quả hơn, hay hơn, đúng, trúng, ít sai sót. Bởi chi tiết, vấn đề nêu lên đều được kiểm định ở nhiều góc độ, không mòn sáo, dập khuôn khiến nhà báo luôn lạc quan, đam mê gắn bện với nghề.

Lẽ sống cao đẹp nhất của nhà báo là công bằng và lẽ phải cho mỗi con người và xã hội. Cho nên mọi thông tin do nhà báo sáng tạo ra trước khi quyết định loan tin, nhất thiết phải đúng sự thật, đúng bản chất. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào tầm nhìn của nhà báo, về sự tò mò trong khai thác tài liệu. Khi tầm nhìn và kiến thức mở rộng, kết hợp với đức tính tò mò vốn có, nhà báo sẽ phân định rõ đâu là hiện tượng, đâu là bản chất cho dù chúng đều tồn tại khách quan, liên kết, đan xen với nhau. Nghĩa là, nhà báo luôn phải dùng trí tò mò để tìm đúng mối liên hệ tất nhiên tạo thành bản chất của sự vật, tức là cái tồn tại khách quan gắn liền với sự vật.

Nói tò mò là một đức tính quan trọng với mỗi nhà báo, không có nghĩa là tùy tiện để trí tò mò sa đà vào mọi thứ. Bởi lao động của nhà báo bao giờ cũng có tính mục đích rõ ràng, nên phải biết kiềm chế; đâu là đích đến, đâu là nơi nên dừng… Chỉ như thế, thông tin của nhà báo mới giá trị, ít sai lạc, ít cải chính, không làm tổn hại thanh danh bản thân, cơ quan và báo giới!

Nhà báo, vốn phải cập nhật thông tin kịp thời; nhanh không có nghĩa là bỏ qua kiểm chứng. Cho nên, cần tĩnh tâm, suy nghĩ thấu đáo rồi hãy quyết định loan tin. Chỉ như thế mới mong bổ ích, mới tròn vẹn chức phận định hướng dư luận và hành động cho công chúng, bạn đọc. Cuộc sống hối hả, dòng đời xô bồ, cái xấu, cái ác chất chứa thừa thủ đoạn và mưu mẹo, thông tin vội vã, hấp tấp thiếu kiểm định bằng sự thông minh của trí tò mò, sẽ vô vàn nguy hại!

Muôn điều nên học, nên rèn thì tò mò thực sự là đức hạnh của mỗi nhà báo; dù tác nghiệp cho bất kỳ phương tiện thông tin nào. Ít tò mò, dễ cả tin, tư duy lười biếng không là nơi thương thân cho nghề nghiệp vốn rất “nghiệt ngã” này!

Nguyễn Uyển

nguoilambao.vn

Facebook Comments