Để khóa đào tạo nghề truyền hình hiệu quả

Nhà báo Vũ Quang: Tạp chí người làm báo số xuân Canh Tý có bài viết ” Để một khóa đào tạo truyền hình hiệu quả” là chia sẻ của tôi trong 20 năm tham gia giảng dạy tại đài truyền hình Việt nam và các đài phát thanh truyền hình địa phương. Nó cũng là những kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm của tôi trong quá trình làm truyền hình và qua các khóa đào tạo quốc tế. Hy vọng bài viết sẽ có những thông tin bổ ích cho những nhà báo kiêm nhiệm giảng dạy các khóa đào tạo truyền hình . Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc của daotaotruyenhin.vn

Tôi nghe và tôi quên, tôi nhìn và tôi nhớ, tôi làm và tôi biết”. Đó là lời mở đầu cho khóa học đào tạo giảng viên ở Đài truyền hình Việt nam của một giảng viên của viện đào tạo làn sóng Đức (DW Akademie).

Vậy thế nào là một khóa đào tạo nghề ngắn hạn?

Tiêu chí một khóa đào tạo ngắn hạn

Một khóa học cần xác định các tiêu chí sau:  Mục tiêu của khóa học, đối tượng đào tạo, nội dung của khóa học, cấp độ đào tạo, sản phẩm báo chí, sự mới mẻ của khóa học, tính chất đào tạo nghề.

Tám yếu tố trên sẽ cho phép chúng ta tổ chức thành công các khóa học ngắn hạn cho những người đang làm nghề truyền hình. Mục tiêu của khóa học sẽ chế định tất cả 7 yếu tố cấu thành một khóa học ngắn hạn đào tạo nghề báo chí.

Mục tiêu của khóa học được xác định theo ba tiêu chí: Thứ nhất là kiến thức (Các khái niệm, lý thuyết…), kỹ năng (Áp dụng lý thuyết vào thực tế thông qua thực hành), thái độ (Giá trị, động lực, đạo đức)

Mục tiêu học tập được xác định thông qua: Nội dung và cấu trúc khóa học, cung cấp định hướng cho các phương hướng đào tạo, chỉ số để đánh giá khóa học.

Mục tiêu của khóa học là yếu tố chi phối toàn bộ quá trình đào tạo, vì “Nếu tôi không biết nơi tôi đi đến, tôi sẽ không bao giờ biết được liệu tôi có đến”

Đối tượng khóa học khi chiêu sinh cần chú ý những yếu tố sau: Độ tuổi, giới tính, trình độ, chuyên môn của học viên, vị trí địa lý, đơn vị công tác của học viên, khả năng của học viên, nhu cầu của học viên, mục đích của học viên khi tham gia khóa học, cấp độ đào tạo của khóa học, nội dung của khóa học.

Theo nghiên cứu khoa học có 5 cấp độ học từ thấp đến cao là: Nghe, nhìn, nghe nhìn, ghi chép, thực hành. Giảng viên, nhà tổ chức khi trình bày bài giảng cần cô đọng, đơn giản, chính xác, kích thích, cấu trúc bài giảng logic và có điểm nhấn liên tục.

Các công cụ đào tạo của khóa học gồm: Bảng, bút, ảnh, video, đồ vật, giấy khổ lớn, tấm card và cả ngôn ngữ cơ thể của giảng viên.

Các giảng viên nên áp dụng phương pháp trực quan hóa, hiện thực hóa bằng cách sử dụng tối đa các phương tiện nghe nhìn đạt được các hiệu quả cao trong đào tạo: Học viên dễ nhớ, dễ hiểu thông qua từ chủ chốt, làm thay đổi phương pháp và không khí tiếp nhận, tạo sự hứng thú cho học viên, học viên được thực tập, được tham gia tích cực, quản lý được thời gian giảng dạy, học viên tập trung vào bài giảng; giúp hệ thống hóa, so sánh giữa kiến thức và kỹ năng, lưu lại tài liệu, tư liệu hóa thông tin, thể hiện tính chuyên nghiệp của giảng viên, giúp định lượng chất lượng giảng viên và học viên, sử dụng lại tài liệu trực quan tạo hình ảnh linh hoạt và năng động của giảng viên.

Các quy định của khóa học hiện đại: Học viên chấp hành đúng giờ học, nghỉ giữa giờ, điện thoại tắt hoặc để chế độ rung, không nói xen khi một người đang nói, góp ý khi có sự khác biệt.

Chương trình đào tạo hiện đại bắt đầu từ phân tích nhu cầu của học viên, cơ sở có nhu cầu và giảng viên; tiếp đến là lập kế hoạch, thiết kế chương trình, thực hiện, đánh giá. Phương pháp luận của các giảng viên được cụ thể hóa rất sinh động và rõ ràng: Đó là phương pháp thảo luận trong khóa học, giao bài tập cho nhóm nhỏ, bản đồ tư duy, tạo sự thi đua trong các nhóm và từng học viên, các trò chơi, cho học viên đóng các vai khác nhau, giao bài tập cho nhóm và học viên.

Nắm bắt tâm lý

Trong 8 yếu tố về học viên, chúng ta cần chú ý nếu 50% tiêu chí trên được thỏa mãn thì chúng ta có thể tiếp nhận học viên vào khóa học.

Chúng ta có bốn cách để chiêu sinh cho các khóa học: Gửi thông báo chiêu sinh, quảng bá qua trang web, báo chí, truyền hình… Điện thoại trực tiếp, thư mời cho cá nhân.

Hình thức thư mời cho cá nhân có ưu điểm nổi bật so với ba hình thức trên. Nội dung của thư mời cần có tên khóa học, mục tiêu và sản phẩm báo chí sau khóa học; Chân dung giảng viên: Cái mới của khóa học: Thời gian và kinh phí của khóa học.

Về khía cạnh tâm lý của khóa học được chia làm bốn giai đoạn:

+ Giai đoạn đầu của khóa học là tâm lý bỡ ngỡ, làm quen nên giảng viên cần tạo lập tâm lý cho khóa học.

+ Giai đoạn thứ hai là tâm lý thách thức giảng viên, tranh luận khi khóa học bước vào các mođun. Giảng viên cần giữ đúng vị trí, vai trò của người chủ khóa học trong điều phối, hướng dẫn học viên.

+ Giai đoạn tâm lý thứ ba của khóa học là tâm lý hợp tác nên rất hiệu quả. Đây là giai đoạn giảng viên cần tận dụng đưa kiến thức và kỹ năng cho học viên.

+ Giai đoạn tâm lý thứ tư là phân tán vào giai đoạn kết thúc khóa học. Giảng viên chú ý tổng kết những kiến thức, kỹ năng quan trọng cho học viên và kết thúc khóa học ấn tượng.

Việc cấp chứng chỉ, trao tài liệu và quà cho học viên tạo nên không khí tốt đẹp cho mối quan hệ giữa giảng viên và học viên. Đây cũng là cơ hội cho các học viên thể hiện tình cảm với giảng viên và mở ra sự hợp tác nghề nghiệp và quan hệ đồng nghiệp, sự hợp tác quốc tế…

Trước hết chương trình đào tạo hiện đại cần được nhìn nhận, thẩm định theo các tiêu chí sau: Mục tiêu của khóa học, phân bổ thời gian, sự phù hợp với thực tiễn, sự mới mẻ về chuyên môn, phù hợp với học viên và tính khả thi.

Từ thực tiễn đào tạo truyền hình nói riêng và báo chí nói chung của Thế giới và Việt Nam chúng ta xác định được các hình thức sau:

Khóa học đào tạo dài hạn ( Khoảng 3 tháng), Khóa học ngắn hạn ( Từ 1tuần đến 4 tuần), Khóa học cơ bản, Khóa học nâng cao, Khóa học chuyên sâu, Khóa học theo sự kiện, Khóa học theo kíp, Khóa học tại chỗ, Khóa học theo nhu cầu, Khóa học dịch vụ, Khóa học hợp tác, Khóa học qua DVD ( Ghi hình toàn bộ khóa học, in đĩa DVD và phát hành đến tay người học).

Mười hai loại khóa học được thống kê trên cho thấy sự đa dạng của các loại khóa học nhằm đáp ứng đa dạng các nhu cầu, tính kinh tế, sự phù hợp của từng cá nhân, tổ chức, cơ quan báo chí, công ty truyền thông…

Quản trị các khủng hoảng của khóa học là công việc của những điều phối viên các khóa học cùng những người quản lý các cấp của cơ sở đào tạo.

Các biểu hiện cụ thể: Sự bất hợp tác giữa giảng viên và học viên; Học viên bỏ học ( trên 50% số học viên thì nên  kết thúc khóa học); Công cụ đào tạo ( trang thiết bị đào tạo như bảng viết, bảng xốp để ghim giấy, camera, thiết bị ánh sáng và âm thanh, bàn dựng…); Phiên dịch không đáp ứng nhu cầu; Giảng viên “cháy” giáo án; Chương trình không đáp ứng nhu cầu của học viên; Học viên không có ý thức.

Tiêu chí lựa chọn giảng viên

Giảng viên của khóa học ngắn hạn cần đáp ứng những tiêu chí sau: Là người có nghề truyền hình, là người biết cách truyền nghề, là người am tường nghề truyền hình, hiểu biết về công nghệ, có năng lực tổ chức thực hành và đánh giá sản phẩm thực hành, có trách nhiệm với khóa học, dẫn dắt học viên tiếp cận chuyên môn, đáp ứng nhu cầu phát sinh của học viên, tạo không khí dân chủ, chuẩn bị tốt tài liệu và công cụ đào tạo, chiếm lĩnh không gian lớp học.

Trong mỗi khóa học có 4 bước trong giảng dạy (For stepp): Chuẩn bị cho mở đầu khóa học. Giảng viên cần chuẩn bị tâm thế, tư tưởng của học viên; Giảng viên trình bày bài giảng; Học viên bắt chước. Giảng viên sẽ uốn nắn kỹ càng cho học viên; Học viên thực hành. Đây là giai đoạn áp dụng kiến thức vào thực tiễn.

11 tiêu chí lựa chọn và thẩm định giảng viên, trong thực tế chúng ta không dễ để tìm được giảng viên đáp ứng toàn bộ nhưng tối thiểu cần đáp ứng một nửa các tiêu chí trên. Giảng viên là người xử lý hài hòa 3 chủ thể khác nhau là học viên, giảng viên và nhà tổ chức. Theo tiêu chí giảng viên tốt của viện đào tạo DW là có chuyên môn giỏi, có kỹ năng sư phạm tốt và có tâm với công tác đào tạo.

Giảng viên kết hợp giảng bài với xem, nghe chương trình, kể kinh nghiệm. Cần chú ý nghệ thuật kể chuyện theo chương hồi theo phong cách Á Đông.

Giảng viên cần lấy học viên là trung tâm và thực hiện 8 công việc sau:  Mục tiêu của khóa học cần cụ thể và phù hợp với thực tế; Thực hiện đúng nội dung của khóa học; Thay đổi môi trường đào tạo; Phương pháp luận giảng dạy; Các biện pháp truyền thống ( Bảng, kẹp giấy, máy chiếu); Giao tiếp, tương tác với học viên và điều chỉnh tốc độ cho phù hợp; Nắm chắc trình độ và cá tính của học viên; Phối hợp nhịp nhàng với giảng viên thứ hai hoặc trợ giảng.

Giảng viên cần chú ý ngôn ngữ cơ thể là một phần quan trong làm khóa học đạt được kết quả cao. Đó chính là những kỹ năng của một giảng viên.

Giảng viên cần chú ý tiếp xúc và giao tiếp bằng mắt với tất cả học viên; Quan tâm đến mọi học viên, không bỏ qua ai và bất cứ điều gì trong suốt khóa học; Sử dụng ngôn ngữ cơ thể và sự biểu đạt của gương mặt, Sử dụng âm lượng thích hợp; Di chuyển linh hoạt trong suốt khóa học.

Giảng viên cần chú ý đến những tín hiệu cảnh báo từ học viên qua gương mặt; Tiếng thì thầm trong lớp; Sự vi phạm các nguyên tắc ứng xử; Những hành động vô thức của học viên.

Giải mã những hành động vô thức của học viên sẽ cho phép giảng viên làm chủ các tình huống và làm chủ toàn bộ khóa học.

Quan niệm lấy học viên làm trung tâm của khóa học, giảng viên cần linh hoạt, cởi mở đồng thời là người điều phối, người hướng dẫn học viên.

Có ba loại phương pháp nhằm đưa kiến thức, kỹ năng cho học viên: Nhấn mạnh hình ảnh, chữ, biểu đồ; Giúp học viên nghe bài giảng, Hoạt động thông qua bài tập, thực hành, trải nghiệm, hoạt động thân thể.

Một thực tế qua các khóa đào tạo trong và ngoài nước chúng ta sẽ có ba kiểu khóa học. Đó là khoa học có một giảng viên, Hai giảng viên (một giảng viên và một trợ giảng) và hai giảng viên chính. Khoa học có hai giảng viên chính sẽ tạo ra sự khách quan so với một giảng viên. Nó sẽ tránh được sự nhàm chán cho học viên. Hơn thế làm tăng hiệu quả của khóa học và giảm thời gian vô ích cho học viên. Tuy nhiên kiểu khóa học có hai giảng viên cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chi tiết cho từng modun và sự phối hợp nhịp nhàng của hai giảng viên.

 

Thạc sĩ , nhà báo Vũ Quang

Nguyên phó giám đốc trung tâm đào tạo – VTV

 

Facebook Comments