Nhà báo Vũ Quang: Tạp chí người làm báo số 435 tháng 5/2020 có bài viết “Đặt câu hỏi trong phỏng vấn và tọa đàm truyền hình”. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc của daotaotruyenhinh.vn!
Để có một cuộc phỏng vấn hay cuộc trò chuyện trong toa đàm hấp dẫn chúng ta cần có những câu hỏi tốt cho nhân vật của mình. Vậy thế nào là câu hỏi tốt? Một trong những kỹ năng của người phỏng vấn và dẫn chương trình tọa đàm (Talkshow) là nghiên cứu kỹ chủ đề và nhân vật. Chủ đề cuộc phỏng vấn cũng như phóng sự cần làm hẹp hết mức. nói cách khác là chúng ta cần tìm trọng tâm của câu chuyện. Nói như nhà báo Mỹ Terry Anzus: “ Truyền hình là một cuộc trò chuyện phóng to”. Ví dụ trong thời điểm hiện nay khi cả nước đang tập trung phòng chống dịch covid19 các chủ đề cần được làm hẹp lại như: Trang thiết bị y tế dành cho đội ngữ y bác sĩ; Các biện pháp tránh lây chéo trong bênh viện; Bệnh viện dã chiến ở Hà Nội…
Về nhân vật chúng ta mời phỏng vấn và tọa đàm cần mời đúng nhân vật. Đúng là thế nào? Dựa vào Trong tâm ( Focus) của cuộc phỏng vấn hay tọa đàm chúng ta cần mời nhân vật đúng với chủ đề . Ví dụ với chủ đề bệnh viện dã chiến thì nên mời giám đốc sở y tế Hà nội. Có thể thay nhân vật là phó giám đốc sở có chuyên môn. còn với chủ đề tránh lây chéo trong cộng đồng chúng ta sẽ mời một chuyên gia y tế và một nhà quản lý có uy tín giàu kinh nghiệm của đất nước
Hai yếu tố chủ đề và nhân vật sẽ quyết định sự thành bại trong phỏng vấn và tọa đàm. Nó cũng sẽ quyết định các câu hỏi phỏng vấn của chúng ta. Khi đã hiểu rõ chủ đề và nhân vật nhà báo sẽ lên các câu hỏi dự kiến cho nhân vật.
Câu hỏi thông tin: Dạng câu hỏi này được sử dụng trong trường hợp nhà báo muốn có được thông tin ngắn gọn và chính xác từ các nhân vật của mình. Nó cũng có thể là câu hỏi bổ trợ hoặc với mục đích làm chi tiết hóa đề tài khi chúng ta làm tin, phóng sự và cả phim tài liệu và tất nhiên cả phỏng vấn, tọa đàm.
Ví dụ: Có bao nhiêu người cần phải tái định cư thưa bà?
– Ông có bao nhiêu cái dây đeo quần? (Phỏng vấn Larry King)
– Trong tay ông có bao nhiêu công ty? (Larry King phỏng vấn Carlos Slim tỷ phú người Mê hi cô)
Nói theo cách khác câu hỏi thông tin là câu hỏi cụ thể, chi tiết khiến nhân vật phải trả lời chính xác và không xa rời cuộc phỏng vấn. Câu hỏi thông tin là câu hỏi “định lượng” không phải là câu hỏi định tính.
Khi làm phim về sự ra mắt tập đoàn công nghiệp xây dựng Việt nam có nòng cốt là tổng công ty Sông Đà- một tổng công ty đứng đầu đất nước trong xây dựng các công trình thủy điện cùng 5 tổng công ty Lilama, Licogi, Coma, Dic, tổng công ty sông Hồng tôi đã sử dụng một số câu hỏi thông tin để phỏng vấn.
Sau khi đọc và nghiên cứu tài liệu tôi đã đặt câu hỏỉ cho phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ( Năm 2010) như sau:
– ” 3 tỷ đô la giá trị tài sản, 81 ngàn lao động của Tập đoàn công nghiệp xây dựng Việt Nam, con số đó có ý nghĩa như thế nào thưa phó thủ tướng?”
– Việc quản lý một tập đoàn kinh tế chưa từng có trong lịch sử của đất nước sẽ được thực hiện như thế nào, thưa phó thủ tướng?
Trong thực tế nhiều nhà báo bị ám ảnh bởi câu hỏi “lớn” nên làm nhân vật rất khó trả lời. Thậm chí họ trả lời chung chung khó sử dụng. Vậy câu hỏi đặt ra là làm sao có được câu hỏi thông tin?
Để có được câu hỏi thông tin bạn cần nhớ “công thức đặt câu hỏi” là: Cái gì, việc gì (What) đã hoặc đang xảy ra? Tại sao, vì sao (Why) lại như vậy?
Việc xảy ra khi nào, thời điểm nào (When)? Ai (Who) là người bị ảnh hưởng, Ai là thủ phạm của việc này? Sự việc xảy ra ở đâu (Where)? Sự việc diễn ra như thế nào (How)?
Câu hỏi chỉ có duy nhất một ý
Một việc nữa rất quan trọng là câu hỏi của bạn chỉ nên có duy nhất một ý. Sẽ khó cho nhân vật khi câu hỏi của bạn gồm hai, ba ý. Nhân vật sẽ không biết trả lời ý nào trước, ý nào sau và họ sẽ có xu hướng quên đi ý kia của bạn.
Ví dụ: – Đám cháy bùng phát vào khi nào, ông cho biết nguyên nhân của đám cháy?
– Ai là người báo cho cảnh sát phòng cháy chữa cháy và sau bao nhiêu phút xe cứu hỏa đến?
Khi đặt những câu hỏi như hai câu hỏi trên bạn sẽ thường nhận được một nửa thông tin từ nhân vật và hiệu quả sẽ giảm đi một nửa.
Tóm lại trong tác nghiệp bạn càng đưa ra nhiều câu hỏi “thông tin” bạn sẽ nhận được nhiều thông tin để làm phong phú hơn tác phẩm của mình.
Cụ thể, chi tiết trong cách đặt câu hỏi sẽ là một trong những bí quyết thành công trong tác nghiệp.
Câu hỏi thông tin còn giúp chúng ta khi đi khảo sát để hình thành kịch bản. Nó giúp chúng ta xác định chính xác trọng tâm của tin, phóng sự…nó giúp ta xa rời cách ” Cưỡi ngựa xem hoa”. MC Thùy Dương người dẫn nổi tiếng của Talk Việt Nam đã chia sẻ với tôi đôi khi chị cũng mắc câu hổi có 2 ý và thường phải đặt lại câu hỏi vì nhân vật quên mất ý thứ hai.
Xin đừng mắc bệnh ” vĩ đại” trong khi đặt câu hỏi!
Câu hỏi “ Sốc”
Trong cuộc sống, bạn sẽ rất thích thú khi nói chuyện với một người biết nêu vấn đề và biết đặt những câu hỏi thú vị. Ông hoàng phỏng vấn Larry King, một nhà báo Mỹ đã đúc kết lại cuộc đời gần nửa thế kỷ dẫn và phỏng vấn các nhân vật nổi tiếng của thế giới trong các chương trình truyền hình rằng câu hỏi hay nhất mọi thời đại là: Why – tại sao, vì sao ?
Câu hỏi khiêu khích (câu hỏi sốc), ngầm ý một điều gì đó đối tác sẽ tán thành hoặc phản đối một cách hết sức tự nhiên, sinh động; Dạng câu hỏi này có thể buộc đối tác phải có lập trường rõ ràng và làm cho cuộc phỏng vấn có thêm kịch tính.
Như câu hỏi trong một phóng sự tôi phỏng vấn nhà báo Nguyễn Công Khế năm 1995: Có ý kiến cho rằng: “ Báo Thanh Niên tổ chức cúp bóng đá U22 là nhằm khuếch trương tờ báo của mình”. Với tư cách là tổng biên tập, ông nghĩ sao về ý kiến này?
Một câu hỏi, câu chất vấn rất hay của Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Thủ tướng nghĩ gì khi có ý kiến rằng mình đang nặng trách nhiệm với Đảng và nhẹ trách nhiệm với dân?
Để đặt những câu hỏi khiêu khích cần nghiên cứu kỹ lưỡng về vấn đề, chủ đề của cuộc phỏng vấn. Chỉ có nghiên cứu kỹ chủ đề bạn mới có khả năng đặt ra những câu hỏi” Khiêu khích” nhân vật của mình.
Nói tóm lại câu hỏi khiêu khích là câu hỏi tìm ra được mâu thuẫn nội tại của chủ đề mà bạn phỏng vấn. Câu hỏi khiêu khích đôi khi là mâu thuẫn của chính nhân vật mà bạn phát hiện trong quá trình thu thập thông tin và trong chính cuộc phỏng vấn của bạn.
Khi tác nghiệp tại hiện trường bạn cần luôn quan sát, trò chuyện với những người liên quan, người chứng kiến. Câu hỏi thông tin sẽ xuất hiện tại hiện trường. Khi phỏng vấn phải luôn lắng nghe đối tượng trả lời, có khi trong nội dung trả lời của đối tượng lại loé lên một câu hỏi khác. Ngoài ra phải chuẩn bị những câu hỏi phụ để làm rõ câu hỏi chính. Đặc biệt đối với những cuộc phỏng vấn nói về những hạn chế, tiêu cực thường đối tượng hay trả lời loanh quanh, chung chung, né tránh. Gặp trường hợp này bạn phải nhắc đi nhắc lại câu hỏi. Khi đối tượng trả lời không đúng trọng tâm câu hỏi bạn phải lái cho họ trả lời đúng câu hỏi của mình.
Câu hỏi đúng tầm
Có đồng nghiệp thắc mắc: Khi gặp đối tượng khó tính, họ không có thiện chí hợp tác với báo chí thì nhà báo phải làm gì để họ trả lời phỏng vấn.
Tôi chia sẻ: Đây là một ca khó! Tuy nhiên nhà báo cần thuyết phục nhân vật của mình. Hãy cho họ biết mục đích mà bạn muốn phỏng vấn, Rằng bạn đang cần sự thật khách quan cho vấn đề mọi người đang quan tâm. Cũng nên giải thích cuộc phỏng vấn sẽ mang lại lợi ích cho xã hội, địa phương, doanh nghiệp và người dân. Ngoài ra bạn còn phải đặt được những câu hỏi đúng “ Tầm” của nhân vật. Tầm ở đây cần được hiểu là vị trí công tác, uy tín thật của nhân vật, kiến thức thật của nhân vật. Bạn chỉ cần lưu ý một việc nhỏ. Tại sao cả nước có rất nhiều nhà sử học nhưng xuất hiện trên các kênh truyền hình chỉ có một vài người? Nhà báo cũng cần có tầm trong giao tiếp, tác nghiệp. Nhà báo phải ý thức trong xây dựng uy tín, thương hiệu của chính mình. Nếu có uy tín bạn sẽ dễ dàng thuyết phục nhân vật trả lời các câu hỏi mà bạn muốn hỏi…
Đúng như nhà triết học Vôn te nói: “ Đừng đánh giá con người qua cách trả lời. Hãy đánh giá qua câu hỏi của anh ta”./
Vũ Quang
Nguyên phó giám đốc trung tâm đào tạo- VTV
Hà Nội ngày 2/4/2020
Facebook Comments