Những mối quan hệ của ngôn ngữ báo chí ( Bài thứ năm)

Nhà ngôn ngữ học Nguyễn Tri Niên: Ngôn ngữ báo chí luôn thể hiện đồng thời trong ba mối quan hệ sau đây: Quan hệ phản ánh; Quan hệ đối xứng và quan hệ liên tưởng. Trong ba mối quan hệ trên thì quan hệ phản ánh là quan hệ bao trùm, mang tính bắt buộc. Quan hệ này thông qua hai quan hệ sau để thực hiện chức năng phản ánh.

                  Nhà ngôn ngữ học Nguyễn Tri Niên

1- Quan hệ phản ánh

Đây là quan hệ tạo ra được sự trùng hợp giữa mô hình hiện thực với mã ngôn ngữ trong tác phẩm (TP) báo chí, quan hệ phản ánh đòi hỏi tin, bài bao giờ cũng phải trung thực, chính xác, không có mâu thuẫn.
Sự vi phạm quan hệ này không phải là sự vi phạm kiểu “1 đối 1″. Sự không trùng khớp giữa mô hình hiện thực với mã ngôn ngữ mà chúng ta đã biết qua các dẫn chứng nêu ở phần đặc điểm loại hình thể hiện ở các khía cạnh hoặc thêm thắt chi tiết không thật (Bài “Tường thuật trận đánh giao thông”) hoặc tưởng tượng  ra sự kiện cho phù hợp với ý đồ chủ quan (Bài “Người phụ nữ bị bệnh phong”) hoặc không bám sát quy trình vận động của sự kiện (Bài”Trạm kiểm lâm Bãi Kè”,”Chiến sĩ cửa khẩu Tây Trang”,”Ép hôn con gái”). Cũng có trường hợp vi phạm quan hệ này là do các bài mâu thuẫn nhau. Chẳng hạn trên cùng một số báo có hai bài cùng viết về quốc đảo Vanuatu. Bài thứ nhất với tít “Trên một quốc đảo bình yên” viết “Tại miền đất vĩnh hằng,ông Lini đã tìm cách hội nhập các cư dân người Pháp và người Anh vào cộng đồng dân tộc đang sinh sống trên 93 hải đảo lớn nhỏ”. Bài thứ hai với tít “Ở xứ sở vĩnh hằng” viết”…Đây là một hòn đảo hình chữ Y với 83 hòn đảo…” Hoặc có trường hợp tin đưa sau đây do vi phạm nguyên tắc 5W của báo chí mà không rõ vụ việc xảy ra ở đâu, ở Bêôgrat hay ở Côxôvô:”Nam Tư: Tại Bêôgrat,ngày 17/11 đã liên tiếp xảy ra 2 vụ đánh bom khủng bố tại các nhà thờ cơ đốc giáo chính thống của người Xécbia ở tỉnh Côxôvô thuộc miền Nam Cộng hòa Xéc bia trong thành phần liên bang Nam Tư.”.

2 -Quan hệ đối xứng

Quan hệ đối xứng là quan hệ tạo ra sự hài hòa, đối xứng hoặc đối lập giữa mô hình hiện thực với mã ngôn ngữ  trong tác phẩm báo chí. Đây là một sự cụ thể hóa quan hệ phản ánh ‘Thông thường, người ta vi phạm quan hệ phản ánh dưới dạng quan hệ đối xứng. Chẳng hạn trong truyền hình ta thường gặp sự vênh nhau giữa hình với lời bình.Ví dụ:

-Trong tin về kỷ niệm 30 năm ngành du lịch (1990) có quay cảnh dẫn cưới bằng xích lô du lịch. Mỗi chiếc xe đều có một phụ nữ mặc đẹp ngồi ôm hộp quả phủ khăn đỏ tươi. Khi chiếc xích lô cuối cùng khuất sau trường đoạn quay thì lời bình vang lên :”Anh dắt em vào cõi Bác xưa” !

-Trong tin kỷ niệm các nhà văn ở tuổi 70 (1990) khi nói tới một nhà thơ quen thuộc, lời bình có nhận xét đây là nhà thơ được quần chúng yêu mến, quần chúng thích thơ anh,”thuộc”thơ anh. Nhưng trên màn hình khi các nghệ sĩ ngâm thơ anh thì người nào cũng cầm một tờ giấy nhìn vào đó để ngâm.

-Tin hình về cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ với cán bộ từng phục vụ Hồ Chủ tịch ở khu di tích Phủ Chủ tịch nhưng lời thuyết minh lại nói về Hà Nội kinh doanh đồ chơi bạo lực.

-Nhiều khi sự vi phạm ẩn sâu trong tầng văn hóa ứng xử thoạt nhìn chưa phát hiện ra. Ví dụ: Trong chuyên mục văn hóa xã hội trước đây của đài phát thanh có câu chuyện hai nữ sinh trung học rủ nhau đi lễ hội chùa Hương. Một cô trả lời bạn:”Để mình về hỏi ý kiến mẹ mình đã”. Ở đây trục đối xứng “Mẹ-Con” thì con phải “xin phép” mẹ mới đúng đạo lý.
Hoặc trong phim dự liên hoan truyền hình có tiêu đề “Đền Hùng ai nhớ ai quên” có lời bình “Đền Hùng có vinh dự được Bác Hồ đến thăm”. Trên trục đối xứng “Tổ tiên–Con cháu” thì lời bình kia quả là không thỏa đáng.

-Chúng ta cũng có thể thấy sự vi phạm quan hệ này lại do năng lực sử dụng ngôn ngữ, trình độ hiểu biết Tiếng Việt của nhà báo gây ra. Chẳng hạn:
-Trong phóng sự hình “Nguyễn Bá Khoản người chép sử bằng ảnh” ngợi ca công lao của nhà nhiếp ảnh-người duy nhất ghi được những hình ảnh quân và dân Thủ đô chiến đấu trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến năm 1946 lại có lời bình “Nguyễn Bá Khoản đã “luồn lách” khắp các mặt trận”.
-Trong phóng sự hình về việc cấm nuôi tôm ở đầm Ô Loan (Tuy hoà-Phú yên) có câu kết như sau “…Trách nhiệm thuộc về những người nuôi tôm và cách xử lý thiếu cương quyết của chính quyền địa phương”. Đáng lý ra trục đối xứng ở đây phải là “con người-con người” chứ không phải là “con người-cách xử lý”. Chỉ cần đảo vế sau thì câu kết sẽ trở nên thỏa đáng.
-Tin truyền hình về ngôi trường mới được xây xong của xã có lời bình “…năm học này Thịnh Liệt có ngôi trường mới khang trang “lấp ló” sau lũy tre xanh” …

3- Quan hệ  liên tưởng

Quan hệ liên tưởng tùy  thuộc vào hai quan hệ trên. Nếu phản ánh đúng ,đối xứng đúng thì liên tưởng đúng và ngược lại. Ví dụ dẫn chứng về trường Thịnh Liệt vừa nêu là một, hoặc mấy dòng đầu của bài tường thuật khai mạc, hội nghị phát thanh-truyền hình toàn quốc lần thứ nhất của báo địa phương:”Đến dự khai mạc và chủ trì hội nghị có đồng chí Bùi San,Ủy  viên Trung ương Đảng,Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh và đồng chí Quý đại diện Uỷ ban phát thanh-truyền hình trung ương”.  Chắc chắn là không có một liên tưởng tốt đẹp nào dành cho tác giả và tờ báo!

Quan hệ  liên tưởng là quan hệ tác động hai chiều: Chiều nhà báo và chiều người nhận tin. Đối với nhà báo thì đây là những chuẩn mực giúp cho mình lựa chọn câu chữ, cách diễn đạt, cấu trúc tin-bài như thế nào để hướng sự liên tưởng của độc giả, khán giả, thính giả theo chủ đích của mình, không tạo ra những liên tưởng có hại cho bài báo. Đối với người nhận tin, quan hệ này có tác động như một người kiểm tra nhà báo. Bằng vốn kiến thức, vốn sống của mình, người nhận tin bao giờ cũng dựng những mô hình hiện thực để đối chiếu với mã ngôn ngữ trong tin-bài. Quá trình đối chiếu liên tục ấy là cơ sở hình thành những liên tưởng nơi họ. Vì thế,người nhận tin bao giờ cũng có khát vọng hiện diện trong bài báo

Tóm lại, quan hệ liên tưởng tạo ra sự hình dung, suy nghĩ do sự đối chiếu giữa hiện thực với tin-bài cả ở người nhận tin lẫn người viết tin. Ở người viết, nhờ sự đối chiếu vấn đề định thông tin, câu chữ định lựa chọn…với hoàn cảnh xuất hiện (không gian–thời gian) mà hiệu quả phản ánh được nâng cao,phát huy được kết quả mong muốn

4 – Kết luận

Ba quan hệ  trên diễn ra một cách đồng thời và khi viết tất cả đều quy chiếu vào nó. Hai quan hệ đầu chỉ có một chiều tác động: chiều người viết. Quan hệ thứ ba có cả hai chiều tác động: người viết và người nhận.
Việc thể hiện ba mối quan hệ này còn thấy ở cả phương thức trình bày như ma- két trên báo viết, ngữ điệu trong phát thanh, thời lượng trên sóng của tin-bài…
Ba mối quan hệ này có thể xem như một phương pháp đặc thù của ngôn ngữ báo chí.

 

( Kỳ sau: Quy trình thông tin của ngôn ngữ báo chí)

Nguyễn Tri Niên

Facebook Comments