Nhà báo Vũ Quang: Tiếp tục chia sẻ những góc nhìn riêng, daotaotruyenhinh.vn xin trân trọng giới thiệu bài tham luận của nhà báo Nguyễn Uyển, Nguyên Trưởng ban công tác Hội – Hội nhà báo Việt Nam trong hội thảo ” Đạo đức người làm báo trong kỷ nguyên số”
Tiện ích thời “Kỷ nguyên số”
Mấy năm trước, tôi xa nhà gần nửa vòng trái đất, suốt nhiều tháng ròng. Ấy vậy mà chuyện gia đình, quê hương, anh em, bạn bè, sự kiện của đất nước vẫn hiện diện ngày ngày. Tôi đã thốt lên trên Facebook: – Thì ra trái đất không quá thông thênh! Ấy là cảm giác ảo. Nhưng là bước tiến dài văn minh công nghệ của thời đại. Cho nên thiên hạ mới đua nhau vinh danh “Thời kỷ nguyên số” bằng những cụm từ đắc địa: “Thế giới phẳng”; Thời của “Giao diện mở”!…v.v…
Tiện ích biết bao cho nhà báo, cho làng báo chúng ta. Kỷ nguyên số thổi sinh khí mới cho thông tin bùng nổ khắp hành tinh. Mọi sự kiện tự nhiên và xã hội; sự vụ, vấn đề liên quan đến cuộc sống xã hội, đến cộng đồng đây đó, chúng ta đều sớm biết, thậm chí chỉ trong tích tắc. Tính ưu việt hết sảy của công nghệ thông tin, của phương tiện tác nghiệp và thông tin như: laptop, ipad, điện thoại thông minh khi kết nối với internet giúp cho ta bao việc từ tra cứu tài liệu, từ điển đến cất giữ, sao chép, gửi thư từ, tin nhắn, bài vở về địa điểm trình duyệt; đến việc tiếp nhận thông tin của các loại hình báo chí, báo hình, báo nói, báo viết đến báo ảnh và Facebook cá nhân. Không ít nhà báo cao niên, tiếc nuối: – Thời chúng ta chỉ cây bút, trang giấy, máy ảnh và chiếc máy ghi âm “khủng” đã là oách lắm rồi. Nay phương tiện tác nghiệp đủ đầy, nhỏ gọn, thanh lịch, đa năng… cứ là “3 – 4 trong một” như máy ảnh số, điện thoại di động, ipad, máy ghi hình…v.v… cơ man tiện ích; giúp chúng ta thực hiện công việc dễ thành công. Với nghề báo, công nghệ thông tin mới giúp chúng ta xử lý thông tin nhanh hơn (viết trên máy tính); nhận thông tin chính xác hơn (ghi âm, chụp hình). Truyền thông tin nhanh hơn (qua internet). Đo chất lượng và gia trị thông tin cũng nhanh và rõ hơn (qua phản hồi của bạn đọc)… Những tiện ích như thế khiến nhà báo năng động hơn, thức thời hơn. Phóng viên, nhà báo không chỉ “thâm canh” chuyên sâu một phương tiện như thời xửa thời xưa, mà phải “đa di năng” sử dụng phương tiện. Tác nghiệp (tiếp nhận thông tin) xong, lập tức phải xử lý thông tin (biên tập), kèm ảnh (tự chụp), truyền tin, bài đã xử lý về tòa soạn để trình duyệt. Ấy là việc của phóng viên. Đương nhiên cộng tác viên thời nay cũng như vậy. Không như thế, sẽ tự văng ra khỏi công việc! Cho nên, kỷ nguyên số đòi hỏi những người làm báo phải nhanh chóng thay đổi phương cách tác nghiệp để thích ứng, đi kịp, theo kịp với sự biến đổi và phát triển của công nghệ thông tin thời hội nhập.
Mặt trái và sự phiền toái của kỷ nguyên số
Đó chỉ là cách nói cho gọn. Kỷ nguyên số không tự gây nên mặt trái, không tự đẻ ra sự bất lợi. Ngàn vạn sự phiền toái, bất lợi đều do con người gây nên.
Xưa chúng ta từng nói với nhau: Bài báo hay nhờ chi tiết đắt, ngồn ngộn hơi thở của cuộc sống, do tác giả dấn mình vào thực tế để khai thác tài liệu. Nay thì chưa hẳn, vì người ta vẫn có thể ngồi một chỗ, kết nối thông tin để tham khảo, để “khai thác”, để viết nhiều, thậm trí viết rất hay, viết rất nhanh! Cái sự nhanh nhẩu ấy chính là nơi vấp ngã, là tai họa, sập sụp của không ít nhà báo, thậm chí với cả những nhà báo danh tiếng. Đơn giản vì tiếp nhận thông tin nhanh từ mạng, không rõ nguồn, chưa kiểm chứng, chưa rõ bản chất thực của sự vụ, sự việc… đã khai thác, tiếp nhận và tạo nên tác phẩm mới của mình rồi lại tham gia thông tin. Cứ thế, cứ thế cái sai được tiếp nối, chia sẻ, lan truyền theo cấp số nhân… Hậu quả, thiệt hại từ thông tin sai gây ra trong kỷ nguyên số là vô cùng lớn và rất khó khăn, mất nhiều thời gian cho việc sửa sai, đính chính… Lối làm việc dễ dãi, tùy tiện của số ít nhà báo cũng dễ bị “sập bẫy” của những kẻ phản bội, thế lực đối kháng, của những “nhóm lợi ích” khi chúng mưu kế “gài bẫy”… Ấy là nói về việc cả tin, khi khai thác, xử dụng thông tin trên mạng mà ta vẫn biết rằng đó là “sự thật ảo”. Ranh giới phải – trái lẫn lộn, nhòa nhoạt. Cơ man sự kỳ quái nẩy lên từ mạng. Ghét nhau thì họ đổ tiếng xấu cho nhau. Họ lắp ghép hình hài để bêu riếu. Họ dựng cả đám tang của một “ông khủng”… để nói rằng chúng ta ăn ở với nhau chẳng ra gì. Chết cũng làm tang chui. Sự thật thì vị cựu chính khách ấy vẫn khỏe mạnh, vẫn đẹp trong lòng chúng ta… (Ấy chỉ là đơn
Đạo đức của người làm báo đòi hỏi chúng ta phải trung thực khi thông tin. Rất tiếc, số ít (rất ít nhà báo) đôi khi đã không làm được. Họ sơ xẩy trong tiếp nhận thông tin, không tìm đến nguồn mạch của sự việc, sự kiện… nên viết sai. Họ bị mua chuộc để thông tin (nhận tiền), để được cái này cái kia. Họ đơn giản, chỉ là để “câu khách”, để góp sức “tăng nguồn nuôi quân”. Họ cả tin khi giao việc… nên thiếu kiểm tra trước khi quyết định thông tin, gây nên bao phiền toái, bao điều tiếng cho cả làng báo: Nào là quá xa sự thật; nào là bôi đen, tô hồng; nào là trùng lặp, xào xáo của nhau; nào là phản cảm, phản bội, đánh ngầm, suy thoái; nào là ra giọng dạy đời, chửi đổng, trịch thượng… Tất tần tật những thông tin như thế, nhân đà người ta đổ tất tần tật lên đầu báo giới… Khiến cho lòng tin của công chúng đối với chúng ta bị suy giảm. Bởi vậy, cuộc Hội thảo hôm nay về chủ đề này là cần thiết, sát thực. Chúng ta cần một hướng đi cho nhà báo ở “Thời kỷ nguyên số”!
Cần bản lĩnh cao của mỗi nhà báo
Báo chí là một nghề! Đã là nghề thì nhất thiết phải có đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức là những tiêu chuẩn, nguyên tắc được xã hội thừa nhận, quy định rõ hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội.
Thế nên, năm 1919 Công đoàn toàn quốc các nhà báo Pháp sau khi thành lập đã thông qua “Hiến chương nghĩa vụ nghề nghiệp của các nhà báo” gồm 15 điểm. Điểm 1, ghi: “Nhà báo phải có đầy đủ tinh thần trách nhiệm về tất cả những bài vở của mình”; điểm 5 nhấn mạnh: “Không nhận tiền bạc của cá nhân hay tổ chức… để làm sai lạc thông tin”; điểm 12: “Không lợi dụng tự do báo chí vì lợi ích cá nhân”. Học viện Thông tin đại chúng Ấn Độ đúc kết thành 13 điều nên và không nên khi đưa tin. Bắt buộc nhà báo phải thông hiểu Luật Báo chí, nhưng vẫn phải tuân theo nguyên tắc chỉ đạo, phép tắc cần nắm chắc khi làm tin: “Nên tránh những tin nguy hại đến an ninh quốc gia, hoặc có nguy cơ gây ra sự bất hòa hoặc làm rối loạn sự hòa hợp trong nước” (Điểm 1). Những năm 90 của thế kỷ trước, từng trong đoàn báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam đi thăm và nghiên cứu báo chí của các nước Hungary, Trung Quốc, Hàn Quốc… tôi nhận thấy họ rất coi trọng xây dựng quy tắc nghề nghiệp của người làm báo. Hội Báo chí Trung Quốc định ra “Chuẩn tắc đạo đức báo chí”, Hungary, Hàn Quốc… định ra “Quy tắc nghề nghiệp báo chí”. Những chuẩn tắc, quy tắc của họ đều có điểm xuất phát từ luật pháp của quốc gia; thường được chỉnh sửa, bổ sung từng thời kỳ để thông tin báo chí theo sát với hiện thực xã hội. Tương tự, ở Việt Nam nhiệm kỳ Đại hội – Hội Nhà báo Việt Nam khóa VI định ra “10 điều quy ước đạo đức báo chí Việt Nam”… Đại hội lần thứ VIII, Nghị quyết thông qua “9 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam”… Nét nổi bật của quy ước, quy định đều nhấn mạnh bản lĩnh chính trị, trung thực; tôn trọng sự thực khách quan, coi nói dối, nói sai là lỗi nghiêm trọng nhất; không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi…
Bất kể ở đâu, khi nào báo chí và nhà báo cũng phải hoạt động theo luật pháp. Nhà báo phải chịu trách nhiệm trước toàn bộ công chúng về những gì mình đã loan tin. Cho nên tính trung thực, tính nguyên tắc, lòng dũng cảm và đức khiêm tốn của người làm báo phải được đề cao; luôn vươn tới để phản ánh hiện thực xã hội và thế giới như nó có chứ không phải như người ta mong muốn. Nhà báo Việt Nam phải có bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội… Cho nên, nhất thiết người làm báo phải nghiêm chỉnh tuân thủ và thực hiện đúng, đủ, nghiêm ngặt “10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp” hiện hành! Muốn vậy, nhà báo phải nhận thức thật rõ về bản thân khi đã chọn báo chí là cái nghề cái nghiệp. Nghề mà suốt đời phải rèn rũa bản lĩnh vì dân, vì nước, vì lẽ phải và sự công bằng. Có vậy thì từ nơi nhà trường đào tạo nghề báo đến cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản và quản lý báo chí và nhà báo mới chú tâm rèn đức, rèn nghề, rèn bản lĩnh; mới tự thân, tự chủ dấn mình vào thực tế để tạo nên tác phẩm báo chí chất lượng cao. Chỉ như thế, công tác kiểm tra, giám sát mới thường xuyên, mới khắc phục lỗi tùy tiện của nhà báo. Chỉ như thế, thì tham gia thông tin, hay khai thác thông tin, đưa tin trên các loại hình báo chí (kể cả blog, Facebook cá nhân) chúng ta sẽ không mắc sai phạm! Chỉ như thế, mới mong thông tin trung thực, chính xác, thông tin có căn cứ khoa học, văn hóa và chính trị; mới đẩy lùi được thông tin xấu, độc hại xâm nhập. Chỉ như thế, mới xứng danh là nhà báo Việt Nam!
Nhà báo Nguyễn Uyển
Nguyên Trưởng ban công tác Hội – HNBVN
Facebook Comments