Nhà báo Hữu Thọ: Nghề báo đã đem lại cho tôi nhiều cảm xúc

(nguoilambao.vn) Nhà báo Hữu Thọ – một cái tên thân quen và gần gũi với làng báo Việt Nam. Nhà báo Hữu Thọ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Nguyên Tổng biên tập báo Nhân Dân, nguyên Trưởng Ban tư tưởng – Văn hóa Trung ương. Năm nay ông đã gần bước vào ngưỡng cửa tuổi 90, song trông ông vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết và lòng yêu nghề. Ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động báo chí, viết các chuyên mục trên báo Nhân Dân và một số báo khác. Nhà báo Hữu Thọ luôn được bạn bè, đồng nghiệp đánh giá là cây bút lão luyện, xuất sắc của làng báo nước nhà.

Nhân dịp đón xuân Ất Mùi 2015, phóng viên tạp chí Người Làm Báo đã có cuộc gặp gỡ và trò chuyện với nhà báo Hữu Thọ về một số vấn đề bạn đọc quan tâm về nghề báo cũng như trăn trở của ông về văn hóa đạo đức, văn hóa lãnh đạo và đời sống báo chí – văn học hôm nay.

– Thưa ông. Ông là một nhà báo nổi tiếng, từng làm tổng biên tập báo Nhân Dân. Tuy làm lãnh đạo nhưng ông vẫn không từ bỏ nghiệp viết, làm công việc của một phóng viên. Xin ông chia sẻ những cảm xúc và tình cảm của mình đối với nghề báo mà ông theo đuổi cả cuộc đời?

 

                                                                                 Nhà báo Hữu Thọ

Trước khi làm nghề báo, tổ chức đã phân công cho tôi hoạt động nhiều lĩnh vực nhưng làm báo là lâu nhất; về hưu rồi vẫn viết báo, giữ chuyên mục cho một số báo, đến nay 2014 đã 54 năm và nếu còn minh mẫn thì sẽ còn hoạt động lâu hơn nữa. Không chỉ vì hoạt động lâu thì gắn bó với nghề hơn mà chính vì nghề báo đã đem lại cho tôi những cảm xúc khác lạ. Đó là cảm giác luôn luôn muốn tiếp cận, tìm hiểu những vấn đề mới trong dòng thời sự nóng hổi với tâm thế thích đối thoại ngay với chính mình trong từng bài viết.

Ai thì cũng có bạn nhưng bạn bè giữa những người làm báo thấm đẫm sự chia sẻ, giúp đỡ và bảo vệ nhau khi làm nghề chân chính. Làm báo bây giờ không ai còn dùng bút mực thuở xưa mà dùng các công cụ ghi hình hiện đại và ít ra thì cũng có chiếc bút bi trong tay, nhưng tôi vẫn thích nói về bạn bè giữa những người làm báo là “tình bút mực”. Tháng 10 vừa rồi, cuốn sách mới của tôi tập hợp những bài viết về người thầy, người bạn và những bài về đồng nghiệp viết về mình, tôi cũng lấy tên là “tình bút mực”.

–  Nhiều đồng nghiệp cho rằng chưa bao giờ làm nghề báo khó như giai đoạn hiện nay. Đặc biệt sự phát triển của mạng xã hội, Internet, báo in số lượng phát hành giảm đáng kể, một số tờ báo, tạp chí phải giải thể, đóng cửa. Ông nghĩ gì về điều này?

Nói cho công bằng thì trong thời đại bùng nổ thông tin, nối mạng toàn cầu và những sáng tạo mới của phương tiện nghề nghiệp thì bây giờ làm báo thuận lợi hơn trước rất nhiều từ phương tiện thu thập thông tin, lưu giữ, truyền dẫn thông tin với những phương tiện di chuyển ngày càng thuận tiện… Nhưng đồng thời lại khá lộn xộn. Thông tin rất nhiều trên mạng nhưng lại thiếu kiểm chứng, có những thông tin của những người có động cơ không đúng thậm chí xấu cho nên thật giả, xấu tốt lẫn lộn do đó đòi hỏi người thu thập cần có bản lĩnh, kiến thức để chọn lọc, khỏi bị sa vào ma trận, chìm ngập trong “đống rác” thông tin.

Cùng với sự phát triển của mạng xã hội cộng với thời kỳ khủng hoảng, suy thoái kinh tế cho nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, quảng cáo ít đi, là những khó khăn thực sự của báo chí. Theo tôi biết thì tới 80% tờ báo không cân đối được thu chi, đây là một nguyên nhân quan trọng để một số tờ báo tìm cách thông tin, bình luận giật gân, câu khách mong tăng số người mua báo và truy cập, làm suy giảm tính trung thực, nhân văn của báo chí. Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng báo chí in, báo chí đứng đắn không thể chết. Trước sự nhiễu loạn thông tin xu hướng chung là người ta tìm đến những tờ báo đúng đắn, tin cậy, tuy nhiên phải tìm cách làm mới hơn, hay hơn để có thể đủ sức cạnh tranh mà tồn tại.

Cứ thử nghiên cứu cách làm việc của những tờ báo vẫn không giảm hoặc giảm không đáng kể số phát hành mà thông tin, bình luận vẫn nhanh, đúng, sắc sảo được tin cậy, để thấy ra những kinh nghiệm vượt qua và tiến lên chứ không nhất thiết phải đi vào làm giật gân, câu khách, cho ra đời những sản phẩm vô văn hóa, dưới văn hóa, hại cho xã hội.

– Trong một cuốn sách của mình ông viết: “Một bài báo tồi là một bài báo làm hài lòng tất cả mọi người?”. Ông lý giải kỹ hơn về điều này như thế nào?

Tôi không biết viết thế nào để thành công vì mỗi bài báo là một sự thử thách nhưng tôi biết chắc một bài báo sẽ thất bại nếu đưa ra câu trả lời làm vừa lòng mọi người. Có lẽ lời đề từ cho cuốn sách “Người hay cãi” và đó là một trong những suy nghĩ tâm đắc của tôi khi làm nghề báo. Nghĩ rộng ra thì trong cuộc sống cũng nên rõ ràng như thế, cho dù câu trả lời có khi không hoàn toàn đúng thậm chí sai nhưng không đúng thì xin lỗi và sửa cho đàng hoàng.

Người làm báo làm việc thông tin và bình luận, và luôn luôn phải tỏ thái độ trước các hiện tượng, sự kiện. Trước các hiện tượng, sự kiện mới thường có những đánh giá khác nhau thậm chí đối lập với nhau nhưng chân lý lại chỉ có một. Khi đưa ra câu trả lời mà người đúng, người sai, người tốt kẻ xấu đều vừa lòng, là thứ nói “nước đôi” vô thưởng, vô phạt thì chẳng có ích gì cho đời, chẳng ai nhớ. Tất nhiên tỏ thái độ, chính kiến thẳng thắn như thế thì được nhiều người quý nhưng cũng không ít người ghét thậm chí thù hằn rồi bị vu cáo, nói xấu đủ bề. Cũng phải chấp nhận thôi!

–  Thưa nhà báo Hữu Thọ, mở mắt ra trên các trang báo mạng tình trạng vô văn hóa lòi ra, văn hóa tiêu dùng thực dụng len lỏi vào đời sống xã hội khá phức tạp. Theo ông vấn đề này có căn nguyên từ đâu?

Sự suy thoái về văn hóa hiện nay, theo tôi có nguyên nhân quan trọng từ sự nhận thức không đầy đủ vai trò của văn hóa trong phát triển, đồng thời cũng bộc lộ mặt trái của kinh tế thị trường mà ta chưa có giải pháp hữu hiệu ngăn ngừa. Văn hóa chính trị và sự ứng xử trong quan hệ xã hội xuống cấp đang là mối quan tâm sâu sắc của xã hội. Quyền lực không được kiểm soát chặt chẽ và lòng tham không được chế ngự đang là sự thử thách rất lớn, đang làm cho lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước suy giảm, là mối lo lớn. Tôi hy vọng vào việc thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 9 về phát triển văn hóa để phát triển bền vững đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nhưng phải thực hiện thực sự.

– Thưa ông trong nhiều năm làm báo, ông gắn bó với nhiều lãnh đạo cao nhất của Đảng, đặc biệt trong đó ông gắn bó với cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, xin ông chia sẻ những kỷ niệm mà ông ấn tượng nhất và những kỷ niệm đáng nhớ đã tạo cho ông những ấn tượng đặc biệt?

Trong thời kỳ triển khai đường lối đổi mới, tôi được ban biên tập báo Nhân Dân cử là đặc phái viên của báo hoạt động bên Tổng bí thư. Thiết kế đổi mới là của tập thể Ban chấp hành Trung ương khóa V mà đồng chí Nguyễn Văn Linh góp phần quan trọng với tư cách ủy viên Bộ Chính trị, nhưng quan trọng là từ thực tế đổi mới ở TP.HCM mà đồng chí là bí thư thành ủy. Vai trò quan trọng của đồng chí Nguyễn Văn Linh là lãnh đạo việc triển khai thực hiện đầy sáng tạo đường lối đổi mới.

Theo dõi hoạt động của đồng chí Tổng bí thư trong 5 năm đầu của sự nghiệp đổi mới, tôi thấy rõ đồng chí Nguyễn Văn Linh rất nhạy bén với cái mới, sát cơ sở, sát nhân dân và có thái độ quyết đoán, kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực thể hiện rõ trong “Những việc cần làm ngay” mà chúng ta đã biết.

– Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí ông luôn đánh giá cao vai trò của kẻ sĩ mà ông gọi là sĩ phu người xưa dùng để chỉ giới trí thức tinh hoa. Ngày nay thời đại kinh tế tri thức, sản phẩm xã hội đòi hỏi hàm lượng trí tuệ cao; xã hội phát triển đa cực và đa dạng nên vai trò của trí thức có tâm, có tài, có bản lĩnh càng quan trọng. Vậy môi trường xã hội ngày nay đã thực sự thuận lợi cho phát triển trí thức chưa ông?

Vùng nào cũng có những tinh hoa, nói sĩ phu Bắc Hà, lại phải nói hào khí Đồng Nai, với khúc ruột miền Trung có “ngũ phụng tề phi”- văn hóa đất Quảng.

Theo tôi hiểu, khi nói sĩ phu Bắc Hà người ta thường nói tới những người học vấn cao (chứ không chỉ bằng cấp cao), có nhân cách đức độ lan tỏa xã hội, khẳng khái bảo vệ chân lý và lịch thiệp trong ứng xử… Muốn hiểu rõ hơn, anh nên đặt câu hỏi này với các học giả uyên thâm. Tôi là dân Hà Nội, yêu đất Thăng Long những tấm gương bảo vệ Thăng Long – Hà Nội mà dân Hà Nội đều ghi nhớ trân trọng đời đời lại là hai vị người con đất Quảng, Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu được đặt tượng đồng trên bàn thờ cổng thành Cửa Bắc, Thăng Long.

Đây là nói về truyền thống tốt đẹp cần được phát huy, nhưng thời nào cũng có thêm những giá trị mới. Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 9 vừa qua nêu rõ việc chăm lo xây dựng con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp với những đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Tôi nghĩ rằng, cho dù là trí thức tinh hoa thì cũng là một bộ phận của dân tộc, cho nên phải là những người tiêu biểu cho những đặc tính cơ bản nêu trên. Môi trường dân chủ, không khí đối thoại cởi mở là môi trường cần thiết để cho các tầng lớp tinh hoa phát huy sức sáng tạo của mình với lòng trung thực, thẳng thắn vì nước, vì dân.

– Xin cảm ơn ông.

PHẠM XUÂN TRƯỜNG thực hiện

Nguoilambao.vn

Facebook Comments