Năm cũ qua đi,năm mới lại đến, nhiều thứ thay đổi, nhưng từ lâu tôi vẫn nghĩ kinh nghiệm nghề nghiệp của các nhà báo nước ngoài bổ ích cho các phóng viên, biên tập nước ta. Đầu năm mới nói chuyện này cũng không sợ cũ. Mới đây, các bạn đồng nghiệp báo Xây Dựng có chuyến công tác sang Nhật Bản. Họ kể cho tôi nghe chuyện làm báo ở đất nước hoa anh đào. Kinh nghiệm làm báo của đồng nghiệp nước bạn thật bổ ích.
Các báo đài Nhật Bản, như Tin Tức Kỹ Thuật Xây Dựng Nhật Bản, Đài Truyền hình TBS…, đã dành cho đồng nghiệp Việt Nam ở báo Xây Dựng sự đón tiếp nồng hậu, chân tình. Báo Xây Dựng lập quan hệ hợp tác với báo Tin Tức Kỹ Thuật Xây Dựng Nhật Bản mấy năm nay. Thời gian đã cho thấy sự hợp tác đó mang lại kết quả và đang tiến triển tốt.
Nhà báo Nguyễn Anh Dũng, Tổng biên tập (TBT) báo Xây Dựng, đặt chân đến nước bạn, cảm nhận rõ điều đó. Sang đây, các phóng viên, biên tập của Xây Dựng muốn tìm hiểu xem đồng nghiệp Nhật Bản tác nghiệp như thế nào, kinh nghiệm vận hành một tòa soạn ra sao. Ông Dũng nhận thấy rằng: Nghề làm báo ở bạn tuân theo luật pháp nghiêm ngặt. Tất cả đều minh bạch. Một phóng viên ở Nhật Bản phải được đào tạo chu đáo, khi tác nghiệp thì độc lập hoàn toàn. Xong bài là họ post ngay lên trang báo của mình. Phóng viên tự chịu trách nhiệm về tất cả. Họ cực kỳ chuẩn mực trong khi tác nghiệp. Các phóng viên thường làm việc theo nhóm, với tính cộng đồng rất cao. Thận trọng là yêu cầu đầu tiên. Để tránh sai sót về thông tin, họ thường lật đi lật lại vấn đề mình đề cập trước khi tung lên mặt báo. Phóng viên được trả lương dựa theo… bạn đọc. Bài nhiều người đọc được trả lương cao. Bài ít người đọc nhận lương thấp. Khi bài báo của phóng viên lên mạng, bộ phận quản trị của tòa soạn sẽ thông báo, trong vòng 5 ngày đã có bao nhiêu người đọc bài báo đó. Nhuận bút được trả “lũy tiến” theo số người đọc. Nên trong tòa soạn có phóng viên thu nhập rất cao, có anh thu nhập thấp. Chất lượng tin, bài dựa vào thông tin trung thực chứ không theo sự giật gân, câu khách. Điều này tạo nên sự cạnh tranh nghề nghiệp lành mạnh, kích thích sự phát triển của mỗi cá nhân phóng viên và của cả tòa soạn.
Nhà báo Nguyễn Anh Dũng tâm đắc về những nguyên tắc trong tác nghiệp của phóng viên ở xứ Mặt trời mọc.Về cái sai của phóng viên ở đây, ông cho biết: anh sai lần thứ nhất, tòa sạn đánh một “gọng”, sai lần hai, đánh 2 “gọng”, sai lần thứ ba, thu hồi thẻ nhà báo. Và sai là phạt tiền, chiểu theo luật. Ngoài quản lý theo luật, tòa soạn đề ra yêu cầu nếu một tháng mà phóng viên không có phát hiện mới sẽ bị đưa vào “diện” xem xét về năng lực. Đó âu cũng là một sức ép tích cực có lợi cho nghề nghiệp.
Báo Xây Dựng có thể học được gì từ kinh nghiệm đồng nghiệp Nhật Bản? Trả lời tôi, TBT Nguyễn Anh Dũng nói rằng, báo Xây Dựng đang tính đến chuyện này, còn làm được đến đâu không thể nói trước. Có thể vận dụng cách trả nhuận bút của báo chí bạn, nhưng cũng không dễ. Vì cũng như nhiều báo khác, Xây Dựng còn thực hiện tôn chỉ, mục đích, phục vụ nhiệm vụ chính trị (bài phản ánh hoạt động của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, bài về Đảng, Chính phủ, Quốc hội…). Những bài thuộc nội dung này không thể áp dụng cách chấm nhuận bút như các báo ở Nhật Bản. Nhưng báo Xây Dựng sẽ cố gắng vận dụng những gì có thể từ các tòa soạn của bạn.
Tôi nghĩ, nghề báo cũng đồng nghĩa với mùa xuân: Hướng về cái mới và tạo ra cái mới cho cuộc sống. Cái mới đó nằm trong thông tin của bài báo. Từ câu chuyện làm báo ở Nhật Bản trên đây có thể gợi mở đôi điều cần làm tạo để nên sức sống của nghề nghiệp,sức sống của một tờ báo..
Nguồn: Minh Phan/nguoilambao.vn
Facebook Comments