Nhà ngôn ngữ học Nguyễn Tri Niên: Siêu ngôn ngữ là cách diễn đạt phù hợp với từng hoàn cảnh, từng đối tượng. Nó là phương thức diễn đạt thường trực của nhà báo. Hay nói cách khác, ngôn ngữ trong tác phẩm báo chí là siêu ngôn ngữ. Siêu ngôn ngữ giúp nhà báo phản ánh trung thực, chính xác và đảm bảo yêu cầu thông tin.
Ví dụ : Năm 1972 Mỹ đánh bom Miền Bắc dồn dập. Một phóng viên Pháp phỏng vấn Thủ Tướng Phạm Văn Đồng. Câu phỏng vấn hàm ý thông cảm, xót thương vì nhân dân Việt Nam phải sống dưới bom đạn (…..le peuple vietnamien vive sous les bommbes ) Một câu hỏi đầy ẩn ý. Thủ Tướng trả lời : ” Chúng tôi không sống dưới bom đạn mà mặt đối mặt với bom đạn ( Nous ne vivons pas sous les bombes mais face aux bombes ) Câu trả lời lột trần được ý không thiện chí của nhà báo điều mà ta không thấy ở câu hỏi siêu ngôn ngữ. Bởi vì câu trả lời hình thành một thế đối xứng mới giữa face và sous. Trong thế đối xứng đó face ( mặt đối mặt ) mang ý nghĩa tư thế–tư thế ngẩng cao đầu–còn sous không còn ý nghĩa trên/dưới nữa mà buộc phải hiểu theo ý nghĩa tư thế–tư thế cúi đầu khuất phục–cho cân xứng. Ta thấy cả câu hỏi và câu trả lời đều là siêu ngôn ngữ.Cả hai đều nói được điều không nói ra. Nhà báo dường như ” thấy sao nói vậy “chứ không có ý gì khác.Và Thủ Tướng cũng vậy cũng dường như chỉ biết cái nghĩa ” thấy sao nói vậy ” của nhà báo mà thôi.
Không phải chỉ khi làm báo chúng ta mới cần siêu ngôn ngữ. Trong đời thường chúng ta vẫn cần phải có siêu ngôn ngữ. Câu châm ngôn ” Lời nói chẳng mất tiền mua,Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau ” chính là lời khuyên nên có siêu ngôn ngữ. Đặc biệt với các nhà chính trị, ngoại giao thì siêu ngôn ngữ bao giờ cũng là người đồng hành với họ. Một nụ cười, một cái bắt tay, một lời chúc, một câu khen….tất cả đều là siêu ngôn ngữ. Muốn hiểu giá trị đích thực của những cử chỉ, của những lời nói ấy ta phải đặt chúng vào những hoàn cảnh cụ thể ( không gian–thời gian ) mà chúng xuất hiện.
Trong lịch sử dân tộc, cha ông ta sau mỗi lần chiến thắng quân xâm lược thì việc cần làm ngay là cử phái bộ ngoại giao sang để cầu hòa, xin phong vương,…..Những việc làm ấy đều là siêu ngôn ngữ mà cha ông ta gọi là TIỂU TIẾT. Hy sinh tiểu tiết để có hòa bình, độc lập, tự chủ thật sự. Đọc các bộ sách Đông Chu liệt quốc.Tam quốc chí…..của Trung quốc chúng ta thấy sự giao tiếp giữa các nhân vật chính trị với nhau đều sử dụng siêu ngôn ngữ cả. Khổng Minh sang dự lễ tang Chu Du khóc lóc thảm thiết. Những dòng nước mắt lúc ấy là ” siêu ngôn ngữ không lời ” phù hợp với tình hình, với hoàn cảnh, với yêu cầu lúc bấy giờ là cần giữ vững liên minh Ngô-Thục để chống Ngụy.
Cho nên nhà báo không thể ” nghe sao nói vậy, thấy sao viết vậy được”. Một lời cảm ơn ở không gian-thời gian cụ thể này thì mang ý nghĩa một sự liên kết chặt chẽ. Nhưng ở không gian-thời gian khác thì chỉ có ý nghĩa của một ứng xử văn hóa…
Hà Nội ngày 2/10/2014.
Nguyễn Tri Niên
( còn tiếp )
Facebook Comments